Sau hội nghị trực tuyến thượng đỉnh liên minh bốn nước Mỹ-Nhật-Ấn-Úc và cuộc tập trận chung của liên minh bốn nước cùng Pháp, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dự kiến ​​thăm Mỹ vào giữa tháng Tư. Ngày 8/4, tờ Epoch Times phỏng vấn chuyên gia về Trung Quốc là Phùng Sùng Nghĩa (Chongyi Feng) của Đại học Kỹ thuật Sydney (Úc) và được ông phân tích về bước ngoặt trong thay đổi thái độ của Nhật Bản.

998px Yoshihide Suga 20210107 2
Thủ tướng Yoshihide Suga (Nguồn: Wikimedia)

Theo kế hoạch, Thủ tướng Nhật Bản Suga dự kiến ​​sẽ thăm Mỹ vào giữa tháng Tư và sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden tại Nhà Trắng vào ngày 16/4. Ngoài ra, sự kiện đáng chú ý khác là cuộc điện đàm ngày 5/4 kéo dài 90 phút giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ông Toshimitsu Motegi có động thái hiếm thấy khi bày tỏ “rất quan ngại” về Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc ngừng xâm phạm vùng biển tranh chấp, cải thiện tình hình nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ và ngừng đàn áp Hồng Kông.

Chuyên gia Phùng Sùng Nghĩa cho biết rằng chiến lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc hiện nay cho thấy sự thay đổi mang tính bước ngoặt, vì xu hướng trước đây là kiên nhẫn hết mức có thể, không làm mất lòng Trung Quốc và không chọc giận Trung Quốc; còn bây giờ họ đã thay đổi và không còn lo lắng như vậy nữa, sẵn sàng trả đũa, cho nên đó là sự thay đổi bước ngoặt.

Nguyên nhân cơ bản khiến Nhật Bản đổi thái độ cứng rắn

Ông Phùng Sùng Nghĩa nói rằng có hai lý do chính khiến Nhật Bản thay đổi thái độ và trở nên cứng rắn: “Một là mối đe dọa của Trung Quốc đối với Nhật Bản đã gia tăng, hai là Mỹ tăng cường hỗ trợ Nhật Bản”.

Ông nói thêm:

“Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã tăng cường gây đe dọa trực tiếp đến Nhật Bản: đặt vùng nhận dạng biển Hoa Đông, vùng lãnh hải này có xung đột lợi ích trực tiếp với lãnh hải của Nhật Bản; xung đột trực tiếp này ở một mức độ nhất định đã leo thang…”.

“Ngoài ra ở cấp độ ngoại giao thì gần đây liên minh Mỹ và Nhật Bản đã tăng cường hợp tác”, ông nói. “Động thái ban đầu của liên minh Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Úc đến từ cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe, ông ấy cần phải yêu cầu như vậy trong bối cảnh Nhật Bản phải đối mặt với mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc, đề nghị hỗ trợ bảo vệ quân sự từ Mỹ và yêu cầu Mỹ giúp đỡ, cho đến khi liên minh Mỹ – Nhật – Ấn – Úc thực sự được hình thành thì có thể nói rằng Nhật Bản mới thấy an tâm”.

Ông cho hay sau khi liên minh Mỹ – Nhật – Ấn – Úc hình thành thì khả năng phòng thủ của Mỹ trong ủng hộ Nhật Bản đã được đảm bảo hơn, giúp Nhật Bản có được an tâm hơn trong cân nhắc thái độ cứng rắn với Trung Quốc có thể khiến Trung Quốc tấn công hoặc xâm lược Nhật Bản.

Ngoài ra, ảnh hưởng của Mỹ đối với Nhật Bản còn có bình diện khác: “Kể từ chính quyền Abe Nhật Bản đã làm rất nỗ lực để trở lại trường quốc tế, xây dựng hình ảnh là đất nước bình thường. Ông ấy có những mục tiêu rất tích cực, chẳng hạn như ở mức độ nhất định đã có thể khôi phục được lực lượng quốc phòng, muốn xin làm thành viên thường trực của Liên Hiệp Quốc. Những việc này đòi hỏi có Mỹ ủng hộ, còn Mỹ cần có cam kết tích cực hơn, do đó ông ấy phải hợp tác cùng Mỹ trong một số triển khai chiến lược ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm hợp tác với Mỹ để bảo vệ Đài Loan”.

 

Rủi ro an ninh từ chính quyền độc tài ôm tham vọng bá chủ

Ông Phùng Sùng Nghĩa cho rằng trước đây, nhiều nước bao gồm Nhật Bản đều đặt lợi ích kinh tế lên vị trí quan trọng nhất, nhưng ngày nay vấn đề lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia ở vị trí quan trọng như nhau, thậm chí như Úc đặt vấn đề an ninh lên trên vấn đề kinh tế.

Ông nói: “Kể từ những năm 1980, Nhật Bản đã không ngừng chuyển các bộ phận gia công của ngành công nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động sang Trung Quốc để thiết lập các nhà máy và chuyển chuỗi công nghiệp sang Trung Quốc trên quy mô lớn, có thể thấy rõ quy mô rất lớn của ngành công nghiệp điện tử và ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản đặt nhà máy ở Trung Quốc. Nhưng bây giờ có sự thay đổi khi lợi nhuận thu được ở thị trường Trung Quốc không còn tốt như trước, và bản thân Trung Quốc cũng đã có thay đổi lớn về chính sách của họ, hiện họ không còn mời chào đầu tư kiểu ưu đãi thuế và đất đai, trong khi chi phí lao động của Trung Quốc cũng đang tăng lên”.

Bắt đầu từ năm 2020, chính phủ Abe và chính phủ Suga của Nhật Bản đã đưa ra các chính sách trợ cấp để trợ cấp cho sự trở lại của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc. Ông Phùng Sùng Nghĩa nói: “Nhật Bản muốn theo đuổi lợi nhuận, nếu lợi nhuận rất rất cao sẽ không thể cưỡng lại, nhưng bây giờ lợi nhuận ngày càng giảm, và tranh chấp giữa hai nước tăng lên, trong khi còn đối mặt với rủi ro an ninh”.

“Nói cách khác, rủi ro tăng lên và lợi nhuận giảm khiến thái độ của những người trong cuộc cũng thay đổi”, ông nói. “Nhật Bản có nhiệm vụ giống như Mỹ là xây dựng lại ngành sản xuất, tranh thủ đưa trở lại Nhật Bản một số ngành công nghiệp, sản xuất, để đưa ngành sản xuất vốn dĩ của Nhật Bản quay trở lại phát triển ở ngay trong nước Nhật”.

 

Điểm nhấn trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản

Về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Suga sắp tới, ông Phùng Sùng Nghĩa phân tích rằng cuộc gặp đó có thể liên quan đến mức độ thực hiện các dự án quân sự của Mỹ trên các đảo xung quanh Nhật Bản, còn phía Nhật là mục tiêu đưa Nhật Bản trở thành một đất nước bình thường của Suga, đây cũng là mục tiêu của thời ông Abe.

Chuyên gia người Úc gốc Hoa nói:

“Họ sẽ ra thông cáo chung trong cuộc gặp cấp nguyên thủ, họ sẽ xem Mỹ hỗ trợ mức độ như thế nào đối với những vấn đề mà Nhật Bản mong muốn”.

“Họ sẽ thảo luận về một số bước đi rất tích cực, bởi vì ý định đó đã được thể hiện rõ ràng trong liên minh bốn nước, việc bây giờ họ cần làm là tích cực triển khai một số vấn đề cụ thể”.

Về phản ứng mà Trung Quốc có thể áp dụng, ông cho biết: “Việc triển khai quân sự của Mỹ hiện bao gồm ở Okinawa, đảo Guam, và đảo Điếu Ngư, Mỹ sẽ thực hiện theo cách triển khai chiến lược của họ mà không cần quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc như thế nào”.

Từ ngày 5 – 8/4, liên minh bốn nước Mỹ-Nhật-Ấn-Úc và Pháp vừa tiến hành cuộc tập trận chung, trước đó vào ngày 16/1 một nhóm tấn công do tàu sân bay USS Roosevelt của Hải quân Mỹ dẫn đầu đã tổ chức một cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.

Vào ngày 5/4, Không quân Mỹ đã công bố một đoạn video cho thấy quân đội Mỹ triển khai sáu máy bay chiến đấu F-22 tới căn cứ của Nhật Bản ở Iwakuni. Trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản, cộng đồng quốc tế đang quan tâm liệu Mỹ có cho bố trí tên lửa trên quần đảo Nhật Bản hay không.

Theo Lạc Á, Ngọc Khiết, Epoch Times

Xem thêm: