Chế độ Trung Quốc có thể sử dụng năng lực hạt nhân đang được tăng cường của họ để “răn đe” Mỹ trong vài năm nữa, các chuyên gia cho biết sau khi có các báo cáo gần đây tiết lộ những nỗ lực bí mật của Bắc Kinh để mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Embed from Getty Images

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho biết trong một báo cáo xuất bản tuần trước rằng Trung Quốc sẽ có khoảng 250 hầm chứa mới, cùng các cơ sở ngầm để đặt và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBMs) khi họ hoàn thành việc xây dựng. Theo các nhà nghiên cứu, con số này nhiều hơn số hầm chứa ICBMs do Nga điều khiển và bằng khoảng một nửa lực lượng ICBMs của Mỹ. 

“Chương trình hầm chứa tên lửa của Trung Quốc cho thấy sự mở rộng lớn nhất các công trình xây dựng hầm chứa tên lửa kể từ khi Mỹ và Liên xô xây dựng hầm chứa tên lửa trong Chiến tranh Lạnh,” báo cáo nêu rõ.

Có khoảng 110 hầm chứa mới đặt tại một cánh đồng gần Hami, thành phố nằm ở phía đông vùng viễn đông Tân Cương của Trung Quốc, FAS tiết lộ, trích dẫn các bức ảnh vệ tinh. Một địa điểm khác đã được Trung tâm James Martin có trụ sở tại California phát hiện hồi tháng 6. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một cánh đồng đang xây dựng dở dang với khoảng 120 hầm chứa nằm ở Yumen, một thành phố ở tỉnh Cam Túc sát cạnh Tân Cương.

Báo cáo của FAS nêu rõ “Công trình xây dựng hầm chứa tại Yumen và Hami là sự mở rộng đáng kể nhất từ trước đến nay của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc.”

Răn đe hạt nhân 

Rick Fisher, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Virginia nói với Epoch Times rằng việc phát hiện hầm chứa tên lửa gần đây nhất có thể có nghĩa là quân đội Trung Quốc “sắp đạt tới một kho đầu đạn hơn 3.000 cái.” 

“Hiện tại Trung Quốc bắt đầu chạy nước rút để đạt được ưu thế vượt trội về đầu đạn hạt nhân,” ông viết trong một email.

Patty-Jane Geller, nhà phân tích chính sách về ngăn chặn hạt nhân và tên lửa phòng thủ tại Quỹ Di sản có trụ sở tại Washington nói rằng việc phát hiện những hoạt động bí mật của Trung Quốc cũng làm dấy lên câu hỏi về việc họ có thể đang làm điều gì đó nữa để xây dựng năng lực hạt nhân mà cộng đồng quốc tế không hề biết.

Bà lưu ý rằng một vài người đã bác bỏ mối đe dọa do Bắc Kinh gây ra bằng cách trích dẫn các ước tính công khai về kho hạt nhân của nước này với khoảng 350 đầu đạn, chỉ bằng một phần nhỏ so với kho hạt nhân của Mỹ và Nga. Nhưng các phát hiện cho thấy rằng “chúng ta không nên chỉ tin vào các con số này,” bà Geller nói.

“Chúng ta không thể chỉ coi họ như một đất nước với một số ít vũ khí hạt nhân. Chúng ta phải xem trọng vấn đề hơn nữa,” bà nói với Epoch Times. 

“Tôi không cho rằng hầu hết người Mỹ sẽ sống thoải mái khi biết rằng Trung Quốc có thể ép buộc Mỹ với năng lực quân sự mạnh mẽ của họ.”

Theo ông Fisher, Mỹ có thể chứng kiến “sự răn đe hạt nhân” của Bắc Kinh “sớm nhất là vào giữa thập kỷ, trừ phi Mỹ thi hành các hành động đáp trả ngay lúc này.” 

Mối đe doạ sẽ được đẩy lên cao hơn nếu chế độ này hợp tác với Nga nhằm kết hợp các lực lượng hạt nhân để mạnh tay với Mỹ. Ví dụ, họ có thể ngăn chặn “một Tổng thống Mỹ kém cỏi trong tương lai đứng lên bảo vệ Đài Loan” nếu Bắc Kinh tấn công, ông nói.

“Nếu Mỹ không phản ứng một cách nhanh chóng, chúng ta sẽ đối diện một kỷ nguyên mất ưu thế về chiến lược, bị Trung Quốc và Nga liên tục bắt nạt và thậm chí là tấn công hạt nhân,” ông Fisher nói.

Ngăn chặn tối thiểu

Việc Trung Quốc mở rộng kho hạt nhân đã làm dấy lên câu hỏi liệu Bắc Kinh có tiếp tục cam kết trạng thái ngăn chặn tối thiểu mà họ đã công khai duy trì trong nhiều thập kỷ hay không. Chính sách này yêu cầu chế độ duy trì kho dự trữ hạt nhân của họ ở mức tối thiểu cần thiết để ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân.

Fu Cong, tổng giám đốc Cục Kiểm soát Vũ khí tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã lặp lại cam kết của chế độ tại Hội nghị Giải trừ quân bị và không phổ biến hạt nhân thường niên của EU vào tháng 11 vừa qua.

Tuy vậy, bà Gellar cho rằnghiện nay Trung Quốc đang từ bỏ chính sách ngăn chặn tối thiểu và trở nên tham vọng hơn. Bên cạnh việc việc xây dựng các kho chứa mới, Trung Quốc cũng đồng thời triển khai nhiều máy bay ném bom có khả năng hạt nhân mới và phát triển các ICBM có thể mang nhiều đầu đạn cùng một lúc. 

Báo cáo của FAS lập luận rằng với những hầm chứa mới, Trung Quốc đã “vượt ngoài phạm vi ‘ngăn chặn tối thiểu’.” 

“Việc xây dựng này đang gây quan ngại sâu sắc, [và] làm dấy lên những câu hỏi về ý định của CHND Trung Hoa,” một người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói với Epoch Times.

Người phát ngôn bổ sung: “Bất chấp sự mập mờ của Trung Quốc, việc xây dựng vội vã này đã trở nên khó che giấu hơn và cho thấy rõ việc Trung Quốc đang đi chệch khỏi chiến lược hạt nhân nhiều thập kỷ dựa trên ‘ngăn chặn tối thiểu’ ở mức độ như thế nào.”

Bên trong Trung Quốc, nhiều lời kêu gọi  chế độ mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ. Ví dụ, tháng 5 năm ngoái, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, đã kêu gọi Bắc Kinh nhanh chóng tăng cường cơ số đầu đạn hạt nhân lên hơn 1.000, gồm tối thiểu 100 DF-41 ICBMs. Ông ta nói rằng các đầu đạn là cần thiết để “kiềm chế cuộc tấn công chiến lược của Mỹ.”

Các chuyên gia ước tính rằng các DF-41 ICBM có tầm hoạt động 9.300 dặm (15.000 km), khiến chúng có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

Cũng trong tháng 5/2020, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói với Thời báo Hoàn cầu rằng Bắc Kinh “cần tăng số lượng vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công và răn đe hạt nhân của Mỹ chống Trung Quốc.”

Tuần trước, Thời báo Hoàn cầu đã đăng một bài xã luận nhằm phản hồi hai báo cáo về các khu hầm tên lửa mới của Trung Quốc, Bài báo không phủ nhận hay khẳng định các phát hiện này, nhưng nói rằng chế độ nên có một lực lượng hạt nhân “đủ mạnh để khiến Mỹ – từ quân đội tới chính phủ – phải sợ hãi.”

Những cảnh báo của Mỹ

Bà Geller cho rằng báo cáo của FAS đã khẳng định những cảnh báo trước đây của Đô đốc Charles Richard về năng lực hạt nhân đang tăng lên nhanh chóng của Trung Quốc. Ông Richard là người đứng đầu Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ, cơ quan giám sát vũ khí hạt nhân của đất nước.

Trong một phiên điều trần tại quốc hội vào tháng 4, ông Richard đã nói rằng kho dự trữ hạt nhân của Trung Quốc đang trong quá trình “mở rộng chưa từng thấy” và Bắc Kinh đang “tăng tốc để tăng gấp đôi kho dự trữ hạt nhân của họ vào cuối thập kỷ này.” 

Ông bổ sung rằng chế độ đang ở đỉnh điểm của việc triển khai đầy đủ bộ ba hạt nhân chiến lược – tên lửa đất đối không, tàu ngầm và máy bay ném bom.

“Trung Quốc có khả năng thực hiện bất cứ chiến lược triển khai hạt nhân thật sự nào ở cấp độ khu vực và sẽ sớm có khả năng thực hiện điều đó ở cấp độ liên lục địa,” ông Richard nói.

Phản ứng trước phát hiện mới về các kho chứa của Trung Quốc, Tư lệnh Chiến lược Mỹ phát biểu trong một tweet: “Công chúng đã phát hiện những điều chúng tôi nói từ lâu về mối đe doạ ngày càng lớn mạnh mà thế giới phải đối mặt và bức màn bí mật bao quanh nó.”

 Phương hướng mới

Washington cần vạch ra một phương hướng mới để đối mặt với mối đe dọa quân sự đang lớn mạnh của Bắc Kinh.

“Để bảo đảm cho nước Mỹ tránh được các mối đe dọa hạt nhân tương lai từ Trung Quốc và Nga, chính quyền Biden sẽ phải đảo ngược các ưu đãi kiểm soát vũ khí và cắt giảm hạt nhân ban đầu của họ, thay vào đó dẫn đầu việc xây dựng chương trình hạt nhân táo bạo nhất của Mỹ kể từ Chiến tranh Lạnh,” ông Fisher nói.

Sau khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Joe Biden đã gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí START mới thêm 5 năm nữa cho đến 5/2/2026. Hiệp ước, được ký năm 2010, giới hạn Nga và Mỹ không được có nhiều hơn 1.550 đầu đạn hạt nhân.

Ông Fisher nói hiệp ước cần phải huỷ bỏ vì nó “không còn thúc đẩy an ninh của Mỹ nữa.”

Theo bà Geller, hiệp ước kiểm soát vũ khí START mới đã lỗi thời vì nó được ký vào thời điểm 11 năm trước, khi “chúng ta hoàn toàn không biết về sự mở rộng của Trung Quốc mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay.”

“Điều tối thiểu chúng ta cần làm là hoàn thành các nỗ lực hiện đại hoá hạt nhân của chính chúng ta,” bà Geller nói.

Ngân Hà dịch, theo Epoch Times

Xem thêm: