Hôm 20/07, một chuyên gia hàng đầu của CIA về châu Á khẳng định Bắc Kinh đang huy động mọi nguồn lực để âm thầm biến các căn cứ quân sự đảo nhân tạo trên Biển Đông thành một “Crimea phiên bản phương Đông”.

GettyImages 72520495
Một lính Trung Quốc đang chụp ảnh chiếc tàu chỉ huy Blue Rigde của Hạm đội bảy Thái Bình Dương Hoa Kỳ khi chiếc tàu cập cảng vào ngày 28/3/2005 tại thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông miền Nam Trung Quốc. (Ảnh: China Photos/Getty)

Theo AP, tại diễn đàn an ninh quốc tế Aspen, Colorado, trợ lý phó giám đốc vùng Đông Á của CIA, ông Michael Collins, cho rằng Trung Quốc đang âm thầm tiến hành một cuộc Chiến tranh Lạnh nhằm thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới.

Ông Collins so sánh cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay với cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Chế độ Bắc Kinh hiện nay đang nỗ lực trên nhiều mặt trận để làm xói mòn ảnh hưởng của nước Mỹ, với các hoạt động tương đối khác với những gì mà chính quyền Nga đang làm.

Chuyên gia CIA nhấn mạnh là căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vượt xa khỏi vấn đề cuộc chiến về thuế mà hai bên liên tục đưa ra các biện pháp trả đũa đang trở thành tiêu điểm đưa tin rầm rộ của truyền thông toàn thế giới.

Trong khi đó, bà Susan Thornton, quyền phụ tá Ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương, khẳng định Mỹ cần giữ Biển Đông vì sự hiện diện của Mỹ tại đây có thể gây sức ép khiến Bắc Kinh phải xuống thang trong khi đàm phán với các nước láng giềng trong khu vực có tranh chấp lãnh hải.

Trong vài năm qua, chính quyền Trung Quốc đã xây dựng một số hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông để đặt các cơ sở quân sự, trong đó có radar theo dõi và sân bay quân sự. Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên nhiều vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

“Liệu Trung Quốc có bị ràng buộc bởi pháp luật hay nó sẽ đàm phán với các đối tác đa phương tại ASEAN, hoặc nó sẽ nhắm đến từng nước từng nước một và thu được nhiều lợi thế hơn theo cách đó?”, bà Thornton đặt câu hỏi.

Michael Collins đặc biệt lưu ý đến các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đánh cắp các bí mật công nghệ, việc quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa nhanh chóng, và các tiền đồn quân sự Trung Quốc xây cất tại nhiều hòn đảo ở Biển Đông. Tuy nhiên các hoạt động lấn chiếm của Trung Quốc diễn ra tại đây là tương đối âm thầm, khác hẳn với chiến dịch của Nga sáp nhập bán đảo Crimea, thuộc chủ quyền của Ukraina, hồi 2014, bị Hoa Kỳ và phương Tây lên án mạnh mẽ.

Cả Thornton và Collins đều chỉ ra các sự kiện trong một thập kỷ qua để giải thích phần nào sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.

“Người Trung Quốc rất giỏi trong việc lợi dụng cơ hội, điều mà họ đã có thể làm được trong quá khứ gần đây trong khi chúng ta tập trung vào Trung Đông trong nửa đầu của thập niên 2000 và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính”, bà Thornton nói.

“Chúng ta phải trở lại làm những gì mà ta làm tốt. Quyền lực mềm của chúng ta mạnh hơn quyền lực mềm của họ. Họ không có được sức hấp dẫn như hệ thống của Mỹ, và tôi nghĩ rằng bởi vì các đối tác của ta trên toàn thế giới biết được ta sẽ ủng hộ họ, họ biết ta sẽ không áp đặt ý chí lên họ, rằng chúng ta và họ sẽ làm việc cùng với nhau”.

Collins nói rằng thậm chí cả các đối tác làm ăn của Trung Quốc cũng không thích dập khuôn lại cách sống của đất nước này.

“Tôi cũng lạc quan rằng trong cuộc chiến của các quy chuẩn, quy định và tiêu chuẩn hành xử, một quốc gia tự do có trật tự thì mạnh hơn những thứ đàn áp mà người Trung Quốc đang truyền bá. Tôi tin rằng không ai muốn sống như thế”, ông Collins nói.

Đức Trí (T/h)