Đề xuất ngừng bắn của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với cuộc chiến Nga-Ukraine đã vấp phải sự hoài nghi của cộng đồng quốc tế khi nhiều người đặt câu hỏi về tính trung lập của Bắc Kinh.

shutterstock 2114384846
Nga đã xâm lược Ukraine hơn 1 năm, kể từ ngày 24/2/2022 (Ảnh: evan_huang/ Shutterstock)

Các chuyên gia cảnh báo, Bắc Kinh đang sử dụng thỏa thuận hòa bình để chia rẽ phương Tây.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố “lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” trên trang web chính thức của bộ ngoại giao nước này vào ngày 24/2.

ĐCSTQ đã liệt kê 12 điểm trong đề xuất kêu gọi ngừng bắn giữa Nga và Ukraine nhân dịp kỷ niệm một năm ngày chiến tranh bắt đầu.

Hai điểm quan trọng nhất trong bản đề xuất của Trung Quốc là “Tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia” và “Từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh.”

Tính trung lập của Trung Quốc bị nghi ngờ

Hôm 24/2, phát biểu với các phóng viên ở Estonia, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ trích: “Trung Quốc không có nhiều uy tín bởi vì họ đã không thể lên án cuộc xâm lược bất hợp pháp Ukraine [của Nga].”

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đặt câu hỏi về tính trung lập của Trung Quốc khi Bắc Kinh đã và đang ủng hộ Nga.

Bà lưu ý: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ xem xét các nguyên tắc [ngừng bắn], nhưng chúng tôi sẽ xem xét chúng trong bối cảnh Trung Quốc ủng hộ bên nào.”

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc yêu cầu Nga ngay lập tức chấm dứt chiến tranh và rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết đã được 141 phiếu thông qua, nhưng Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Cùng lúc đó, Hoa Kỳ và NATO cũng cảnh báo Trung Quốc không được cung cấp vũ khí cho Nga.

Ngày 19/2, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã có bài phát biểu trong chương trình “State of the Union” của Đài CNN.

Đại sứ Thomas-Greenfield nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của Trung Quốc cho biết rằng họ muốn hòa bình bởi vì đó là điều chúng tôi luôn muốn theo đuổi trong những tình huống như thế này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải nói rõ rằng nếu Trung Quốc và các quốc gia khác có bất kỳ ý tưởng và nỗ lực nào nhằm cung cấp vũ khí sát thương cho người Nga trong cuộc tấn công tàn bạo của họ nhằm vào Ukraine, thì điều đó là không thể chấp nhận được.”

Lợi dụng đề xuất hòa bình để chống lại phương Tây

Các chuyên gia chỉ ra rằng Trung Quốc đã sử dụng đề xuất ngừng bắn để chứng minh cho phương Tây thấy họ có đủ ảnh hưởng để chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine, mà phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã không thể đạt được. Mục đích của Bắc Kinh là để cô lập Hoa Kỳ.

Phát biểu với tờ The Epoch Times, Phó giáo sư Yeh Yao-yuan của Đại học St. Thomas, giám đốc Khoa Nghiên cứu Quốc tế và Ngôn ngữ Hiện đại, nhận định, Trung Quốc đang gửi một thông điệp đến các quốc gia phương Tây rằng “Hiện tại, họ có cách để đối thoại trực tiếp với Nga, và thậm chí có thể mang lại hòa bình giữa Nga và Ukraine mà các nước Tây Âu mong muốn.”

Giáo sư Yeh lưu ý, kết hợp với việc đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sớm đến thăm Nga, “Họ [Trung Quốc] đang gửi một tín hiệu tới các quốc gia khác rằng [ĐCSTQ] đóng vai trò chính trong việc giải quyết cuộc xung đột Nga và Ukraine.”

Ông cảnh báo, trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng tăng, “Ở một mức độ nào đó, họ [Trung Quốc] sử dụng thỏa thuận hòa bình này như một vũ khí và một phương tiện đàm phán, [như] lợi thế để uy hiếp các quốc gia Tây Âu từ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc cũng như có quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, và dần dần xa rời Hoa Kỳ.”

Ông Michael Clarke, chuyên gia Nghiên cứu Quốc phòng Úc cũng có quan điểm tương tự về thủ đoạn ngoại giao của Bắc Kinh. Trên tờ The Interpreter, ông nhận xét: “Các quan điểm và nhận thức của châu Âu về an ninh đã đánh giá quá cao về mong muốn của các nước châu Âu trong việc tránh xa cuộc cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và đánh giá quá thấp tác động của cuộc xâm lược Ukraine của Nga.”

Giáo sư Fan Shih-Pin của Khoa Đông Á thuộc Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, lưu ý với tờ The Epoch Times hôm 24/2 rằng tuyên bố của ĐCSTQ không có ý nghĩa gì, “bởi vì họ chỉ nói một số lời sáo rỗng và các nguyên tắc chung”.

Giáo sư Fan giải thích: “Họ [Trung Quốc] không đề xuất một phương án cụ thể, chẳng hạn liệu Nga có phải bồi thường hay xin lỗi hay không”

Ông tiếp tục: “Họ nói là tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia, nhưng chẳng phải chủ quyền của Ukraine cũng cần phải được tôn trọng sao? họ rất mơ hồ.”

Phát biểu với tờ The Epoch Times, ông Edward Huang, một chuyên gia tài chính người Đài Loan, cho rằng: “Ở một mức độ nào đó, họ [Trung Quốc] thực tế vẫn đổ lỗi cuộc chiến Nga-Ukraine cho thế giới phương Tây, và những lập luận của họ thực tế rất giống Nga, đặc biệt trong việc tấn công Hoa Kỳ.”

Ông kết luận: “Điều đó có nghĩa là ĐCSTQ hết lòng ủng hộ Nga trong cuộc chiến này với sức mạnh quốc gia của Trung Quốc.”

Ông lưu ý, thương mại Trung Quốc-Nga dự kiến sẽ đạt hơn 200 tỷ đô la trong năm nay, tăng so với mức 185 tỷ đô la của năm ngoái.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)