Theo các nhà lập pháp và chuyên gia, việc Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các nguyên tố đất hiếm là một rủi ro về an ninh và đang trở nên trầm trọng hơn khi chính quyền Biden thực hiện chính sách chuyển đổi sang cái được gọi là công nghệ xanh.

Embed from Getty Images

Mỏ đất hiếm ở Baiyun’ebo hay Bayan Obo ở Nội Mông, Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)

Sự thúc đẩy từ trên xuống của chính quyền Biden đối với năng lượng tái tạo đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ trong việc khai thác các nguyên tố đất hiếm. Hiện tại, Hoa Kỳ đang phụ thuộc vào khả năng khai thác và chế biến các nguyên tố đất hiếm của Trung Quốc, quốc gia có các quy định về môi trường tồi tệ hơn nhiều, để đạt được nhiều nhu cầu của mình.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NTD hôm 22/8, Dân biểu Đảng Cộng hòa Pete Stauber (tiểu bang Minnesota) nhận xét: “Chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia đối địch nước ngoài. Nếu hôm nay, quốc gia cộng sản Trung Quốc ngừng bán cho chúng ta các khoáng sản đất hiếm và quan trọng của họ, chúng ta sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng từ quốc phòng cho đến việc sản xuất của chúng ta trên khắp toàn cầu.”

Các nguyên tố đất hiếm là một số nguyên tố có các đặc tính độc đáo khiến chúng trở nên quan trọng đối với các sản phẩm công nghệ mới. Các khoáng chất quan trọng là các nguyên tố đất hiếm không thể thay thế, có nguồn cung hạn chế, hoặc rất quan trọng về mặt kinh tế.

Bình luận của Dân biểu Stauber được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Hoa Kỳ sẽ cố gắng chấm dứt “sự phụ thuộc quá mức” vào đất hiếm, vốn cần phải có để sản xuất các sản phẩm công nghệ khác nhau, từ tấm pin mặt trời, pin xe điện cho đến điện thoại thông minh.

Dân biểu Stauber chỉ trích: “Thật không may là chính quyền này [chính quyền Biden] đặt sự phụ thuộc của họ đối với cả khoáng sản quan trọng và khoáng sản đất hiếm vào tay của quốc gia cộng sản Trung Quốc. Điều đó đơn giản là không thế chấp nhận được khi chúng ta có các khoáng sản quan trọng và một số loại đất hiếm ngay tại đây ở Hoa Kỳ. [Tuy nhiên] chính quyền này sẽ không cho phép chúng ta khai thác.”

Theo Dân biểu Stauber, chính quyền Biden thiếu ý chí chính trị để khai thác các nguyên tố đất hiếm cần thiết trong nước. Ví dụ, nickel, đồng, và cobalt đều có trong các mỏ khoáng sản hiện đang được khai thác tại bang Minnesota. Tuy nhiên, thay vì cho phép các công ty Mỹ khai thác các khoáng sản này, chính quyền Biden lại đang theo đuổi chính sách “chuyển hoạt động cung ứng hàng hóa sang các nước thân thiện,” theo đó họ chỉ chuyển các chuỗi cung ứng hàng hóa sản xuất ở nước ngoài từ Trung Quốc sang các quốc gia thân thiện hơn, chẳng hạn như Hàn Quốc.

Dân biểu Stauber lưu ý: “Chúng ta có các tiêu chuẩn môi trường tốt nhất, các tiêu chuẩn lao động tốt nhất và cơ hội để đảm bảo an toàn cho sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của chúng ta cũng như đặt vận mệnh của quốc gia vĩ đại của chúng ta vào bàn tay của chính chúng ta.”

“Chúng ta không nhất thiết phải đi theo cách này [chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia thân thiện hơn]. Chúng ta phải có một chính quyền hiểu được tầm quan trọng của việc đảm bảo các khoáng sản quan trọng và các khoáng sản đất hiếm của chúng ta. Chúng ta phải đưa đất nước này, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, trở lại vị trí thống trị về khai thác và khoáng sản. Và chúng ta có thể làm điều đó, nếu chúng ta có ý chí chính trị.”

Trung Quốc vũ khí hóa đất hiếm

Ann Bridges, một tác giả ở Thung lũng Silicon và là cố vấn chính sách tại Viện Heartland nhận định, nỗi lo sợ về việc Trung Quốc vũ khí hóa sức mạnh ngày càng tăng của họ về các nguyên tố quý hiếm và quan trọng không phải là không có tiền lệ.

Phát biểu với đài NTD, bà Bridges đưa ra dẫn chứng: “Hồi năm 2010, Nhật Bản và Trung Quốc thực tế đã có một cuộc xung đột về đất hiếm. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách cắt đứt khả năng tiếp cận đất hiếm của Nhật Bản, điều này thực sự đã tác động đến khả năng sản xuất của Nhật Bản.”

“Vì vậy, không nằm ngoài phạm vi của trí tưởng tượng để tin rằng vào thời chiến, Trung Quốc sẽ thực sự lợi dụng loại sức mạnh này.”

Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất trên toàn cầu đối với nhiều loại khoáng sản quan trọng. Nhu cầu đối với các khoáng sản này hiện đang tăng vọt bởi vì sự phát triển của công nghệ mới. Vì vậy cô Bridges cảnh báo, sự thúc đẩy từ trên xuống của chính quyền Biden đối với xe điện và các sáng kiến khí hậu toàn cầu khác cuối cùng có thể đe dọa nền an ninh của Hoa Kỳ nếu nó không được tiến hành thận trọng hơn.

Bà Bridges nhấn mạnh: “Chính quyền hiện tại tất cả đều là về khí hậu, quyền dân sự, cứu môi trường? Phần lớn trong số đó là sự thúc đẩy phát triển xe điện, nhưng điều đó cần rất nhiều các khoáng chất và nguyên tố đất hiếm. Và sau đó đột nhiên, nó giống như là, chúng ta lấy nó ở đâu? Trung Quốc? Chúng ta cần phải hết sức thận trọng về cách chúng ta chấp nhận loại thế giới quan duy nhất, cho dù nó đến từ cộng sản Trung Quốc, cho dù nó đến từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)