Ngày 16/6/2021, một diễn đàn của các nhà hoạt động nhân quyền đã được tổ chức để nói về dự luật S-204 – dự luật chống buôn bán nội tạng đang được trình lên quốc hội Canada, chỉ 2 ngày sau khi 12 đặc phái viên và chuyên gia Liên Hợp Quốc lên tiếng về tội ác thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm do chế độ cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn, nhắm vào “người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Kitô giáo”.

Chuyên gia LHQ lên án thu hoạch tạng, quốc hội Canada xem xét dự luật S-204
Đồi Nghị viện Canada tại Ottawa, Ontario. (Ảnh: Tsaiproject/Wikipedia, CC BY 2.0)

Dự luật S-204 với mục đích chấm dứt sự “đồng lõa” của Canada đối với việc buôn bán nội tạng, đặc biệt là thu hoạch tạng tại Trung Quốc, đã được trình lên Hạ viện Canada. Sự việc này đánh dấu hơn 12 năm hành trình các nghị sĩ Canada cố gắng đưa dự luật chống buôn bán nội tạng trở thành luật.

Được biết, dự luật tương tự đầu tiên là C-500, được nghị sĩ Borys Wrzesnewskyj trình lên quốc hội Canada vào 5/2/2008. Sau đó là dự luật C-381 vào ngày 7/5/2009. Nghị sĩ Irwin Cotler đã trình dự luật C‑561 vào ngày 6/12/2013. Sau đó là dự luật S-240. Mặc dù nhận được nhiều ủng hộ của các nghị sĩ, các dự luật này vẫn chưa được thông qua để trở thành luật.

Diễn đàn của các nhà hoạt động nhân quyền về dự luật S-204 được tổ chức chỉ 2 ngày sau khi 12 đặc phái viên và chuyên gia Liên Hợp Quốc lên tiếng về tội ác thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm do chế độ cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn.

Theo đó vào ngày 14/6, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra thông cáo: các chuyên gia Liên Hợp Quốc cho rằng có “thông tin đáng tin cậy” về việc những nhóm thiểu số tôn giáo và dân tộc tại Trung Quốc đã bị xét nghiệm máu và kiểm tra chức năng tạng trong quá trình giam giữ. Việc xét nghiệm này là nhằm tạo ra một “ngân hàng nội tạng sống”, phục vụ cho việc thu hoạch nội tạng để cấy ghép sau này.

Thông cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng cho biết, nạn nhân của tội ác này là “người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Kitô giáo”, những nhóm người đang bị đàn áp tại Trung Quốc.

Liên minh Quốc tế Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép tạng ở Trung Quốc (ETAC), một tổ chức của các luật sư, học giả, chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu và nhà hoạt động nhân quyền với mục đích chống lại tội ác thu hoạch tạng, cho biết khoảng 60.000 đến 90.000 “ca cấy ghép giết người” đã được thực hiện hàng năm tại Trung Quốc.

Trước Canada, một số nước đã thông qua các luật tương tự nhằm ngăn chặn công dân của mình đồng lõa với tội ác chống lại loài người, cụ thể là Israel (2008), Tây Ban Nha (2010), Đài Loan (2015), Ý (2016), Na Uy (2017), Bỉ (2019), Hàn Quốc (2020), Anh (2021). Mặc dù bị coi là chậm chân sau hơn 12 năm không thể hoàn thành quy trình lập pháp, nhưng Canada cũng có đóng ghóp to lớn trong việc vạch trần tội ác thu hoạch tạng tại Trung Quốc.

Từ năm 2006, hai người Canada là cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas đã lần đầu tiên xác nhận việc chế độ cộng sản Trung Quốc đang thu hoạch tạng từ người tập Pháp Luân Công còn sống. Sau báo cáo đầu tiên, hai nhà hoạt động nhân quyền đã liên tục đưa ra các báo cáo chi tiết hơn, với các bằng chứng tin cậy và có thể kiểm chứng độc lập.

Nghiên cứu của ông Matas và ông Kilgour đã được khẳng định vào ngày 1/3/2020, khi tòa án nhân dân độc lập tại London đưa ra tuyên án cuối cùng, khẳng định “Trung Quốc thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm trong một khoảng thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn”. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tội ác này đã lan từ chỗ chủ yếu sử dụng người tập Pháp Luân Công sang người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp tại Tân Cương.

Liên minh Quốc tế Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép tạng ở Trung Quốc (ETAC) bình luận rằng dự luật S-204 chính là cột mốc để quốc hội Canada hành động chống lại nạn thu hoạch tạng tại Trung Quốc, bảo vệ công dân Canada khỏi đồng lõa với tội ác, hình sự hóa việc tham gia vào hoạt động này, và “cứu mạng sống” của các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: