Trong một phiên điều trần tại Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư (14/3), một số chuyên gia đã dấy lên lo ngại rằng các vệ tinh quân sự mà Mỹ sử dụng để cảnh báo về các cuộc tấn công tên lửa hoặc để kiểm soát, điều khiển vũ khí hạt nhân, hiện tại rất dễ bị tổn thương khi đương đầu với lực lượng vũ trang của Nga và Trung Quốc – hai địch thủ đã vượt Mỹ trong việc phát triển một số khả năng chiến tranh không gian.

Embed from Getty Images

Trung Quốc đã coi hệ thống vệ tinh chính là “gót chân Achilles” của quân đội Mỹ.

Tham gia buổi điều trần tại Ủy ban Quân sự Hạ viện hôm thứ Tư (14/3) có ba chuyên gia gồm: Ông Douglas Loverro – nguyên phó trợ lý về chính sách không gian tại Bộ Quốc phòng Mỹ; ông Todd Harrison – đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS); và Tướng về hưu Robert Kehler, người từng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM) – chịu trách nhiệm giám sát khả năng tác chiến không gian của Mỹ.

Chuyên gia tới từ Lầu Năm Góc Douglas Loverro đã cảnh báo rằng Mỹ đang tụt hậu “hơn một thập kỷ” về việc phát triển hệ thống chống lại những tiến bộ của Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí chống vệ tinh (ASAT).

Nhắc lại văn bản mà cộng đồng tình báo Mỹ đã chuẩn bị để điều trần trước Ủy ban Quân sự, ông Loverro cho biết: “Trong khi Trung Quốc và Nga đang cải tiến các thế hệ hệ thống ASAT mỗi 3 đến 5 năm, thì thậm chí chúng ta phải mất hơn cả thập kỷ để bắt đầu đưa ra một hệ thống đối phó với mối đe dọa từ hệ thống ASAT thế hệ đầu tiên của họ. Nói một cách rõ ràng hơn, khi nhắc đến cảnh báo tên lửa chiến lược và chỉ huy, kiểm soát hạt nhân, khả năng phản ứng của Mỹ với mối đe dọa ASAT mà chúng ta đang triển khai ngày nay sẽ chỉ sẵn sàng hoạt động trong gần cuối thập kỷ tới; trong khi, mối đe dọa này lúc đó đã nhảy vọt chuyển tiếp hai thế hệ nữa”.

Trong khi đó, ông Todd Harrison đến từ CSIS đã nhắc lại rằng “sự phụ thuộc vào không gian trong toàn bộ cuộc xung đột toàn diện” của quân đội Mỹ đã làm cho Hoa Kỳ dễ bị tổn thương trước các đối thủ sở hữu công nghệ ASAT hàng đầu như Nga và Trung Quốc.

Trong văn bản điều trần gửi Ủy ban Quân sự, chuyên gia Harrison lưu ý rằng: “Các địch thủ có thể sử dụng các cách thức tấn công vào hệ thống không gian của chúng ta, nơi mà khó để phát hiện và ngăn chặn. Vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện khả năng sẵn sàng của lực lượng an ninh không gian quốc gia của chúng ta trước nhiều mối đe dọa rộng lớn”.

Tướng Robert Kehler cho rằng Mỹ chưa sẵn sàng đương đầu với các địch thủ như Nga và Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh không gian. Nguyên lãnh đạo Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ nói thẳng với các nghị sĩ rằng:

 “Hoa Kỳ đang cận kề mất đi các lợi thế đáng kể của việc là quốc gia thám hiểm không gian hàng đầu thế giới, và thời gian không thuộc về phía chúng ta.

Từ các thiết bị gây nhiễu GPS đơn giản (phổ biến và giá cả phải chăng) trong tay những kẻ cực đoan đến vũ khí chống vệ tinh phức tạp (ASAT) trong tay những đối thủ cạnh tranh tương xứng như Nga và Trung Quốc, khiến các chỉ huy quân đội Mỹ ngày nay đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng trong một lĩnh vực đang ngày càng bị ngăn trở và đầy cạnh tranh. Các lợi thế không gian của chúng ta đã bị suy thoái và sẽ còn tiếp tục như thế nếu vẫn trì hoãn hành động”.

Chung quan điểm với những cảnh báo nêu trên của Tướng Robert Kehler, ông Loverro nói rõ rằng lực lượng tác chiến không gian của Mỹ hiện nay chưa sẵn sàng đối mặt với xung đột.

Chúng ta chưa sẵn sàng, hay nói đúng hơn là chúng ta chưa có một con đường vững chắc để sẵn sàng”, ông Loverro khẳng định.

Ông Loverro nhấn mạnh rằng mặc dù quân đội và cộng đồng tình báo Mỹ vẫn sẵn sàng duy trì sự thống trị của Mỹ trong không gian, nhưng họ lại thiếu các công cụ để làm điều đó.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc này cho hay: “Không có kẻ thù nào dám mắc sai lầm tuyên bố mời gọi tấn công. Thực tế của vấn đề này là khả năng không gian của Mỹ rất mạnh mẽ và có thể đối mặt với bất kỳ cuộc tấn công nào bùng phát thời điểm này. Tôi hoàn toàn tự tin rằng năng lực không gian sẽ tiếp tục đem đến cho Mỹ khả năng chiến đấu để đảm bảo đánh bại mọi kẻ thù ở thời điểm hiện tại. Nhưng khi chúng ta nói đến tương lai, khi các địch thủ của chúng ta bắt đầu thu hẹp khoảng cách trong các lĩnh vực tác chiến khác, và khi họ tiếp tục mở rộng phạm vi và mở rộng khả năng phản công không gian của họ, khi đó mọi tính toán có thể thay đổi”.

Trước đó, vào tháng Một, ông William Carter cũng đến từ CSIS đã cảnh báo các nghị sĩ Mỹ rằng Trung Quốc đang “nhanh chóng thu hẹp khoảng cách” với Mỹ về việc phát triển “khả năng mạng trực tuyến, vũ khí chống vệ tinh, công cụ chiến tranh điện tử, vũ khí siêu âm, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử”.

Ông Carter đã chỉ ra rằng Trung Quốc đã coi hệ thống vệ tinh chính là “gót chân Achilles” của quân đội Mỹ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục tăng chi tiêu quốc phòng sau mỗi năm. Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13 khai mạc hôm thứ Hai (5/3), Trung Quốc đã công cố báo cáo dự toán chi tiêu quốc phòng mới trong năm 2018, dự tính tăng 8,1%, đạt 1,11 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 175 tỷ USD). Hiện tại, trên toàn thế giới, dự toán quốc phòng của Trung Quốc chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ.

Nhà báo Mỹ John Zmirak hôm thứ Ba (6/3), trong cuộc trao đổi bàn tròn trên kênh Radio SiriusXM của hãng tin Breitbart, đã đưa ra cảnh báo rằng: “Trung Quốc đang vũ trang nhanh hơn những gì mà Hitler thực hiện trong những năm 1930”.

Nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin cũng rất chú trong phát triển quốc phòng để cạnh tranh với Mỹ bởi nếu so về thực lực kinh tế Moscow kém quá xa Washington.

Trong thông điệp liên bang đầu năm trình bày hôm thứ Năm (1/3), ông Putin đã thông báo về một loạt vũ khí hạt nhân mới mà Nga mới phát triển thành công, nhấn mạnh rằng chúng có thể đánh phá bất kỳ đâu trên thế giới, tránh né được hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Cộng đồng tình báo Mỹ đã đưa ra dự đoán trong Đánh giá Đe dọa Toàn cầu rằng các vũ khí  chống vệ tinh mang tính tàn phá thế hệ mới nhất của Nga và Trung Quốc sẽ hoạt động “trong vài năm tới”, nhấn mạnh “phản công không gian” là một trong những mối nguy hiểm hàng đầu mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt.

Các quan chức quân đội cấp cao Hoa Kỳ gần đây cũng đã nhấn mạnh rằng lực lượng vũ trang nước này vẫn coi “duy trì ưu thế không gian” là một trong những mục tiêu chính yếu của mình và lưu ý rằng “không gian bây giờ là một miền chiến tranh”.

Tổng thống Donald Trump là người coi trọng phát triển sức mạnh quân sự Mỹ và trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới công bố gần đây, ông đã nêu rõ khả năng “phản công không gian” của các địch thủ là mối đe dọa tới lục địa Hoa Kỳ nên Washington cần chi tiêu cho đầu tư phát triển năng lực quốc phòng nhiều hơn.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: