Để đối phó và đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ, Tổng thống Nga Putin đã liên tiếp đưa ra 3 biện pháp gần như có thể xem như giáng lại 3 đòn vào Mỹ và đồng đô la Mỹ. Dưới đây là nhận định của Tiến sĩ Tạ Điền tại Đại học Nam Carolina Mỹ về động thái này.

Vladimir Putin in March 2018
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Wikimedia)

Hồi cuối tháng Hai khi Nga chưa xâm lược Ukraine, Mỹ đã có hạn chế phạm vi lệnh trừng phạt đối với Nga, bao gồm vấn đề nợ, giới thượng lưu và gia đình họ, ngân hàng phát triển do nhà nước điều hành, ngân hàng quân sự và Ngân hàng Truyền thông Công nghiệp (PSB). Các cá nhân bị trừng phạt là các nhân vật nòng cốt của Tổng thống Putin như giám đốc điều hành của ngân hàng phát triển, phó chánh văn phòng thứ nhất. Trong đó đáng kể nhất là biện pháp trừng phạt nợ có chủ quyền cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn tài chính của Nga từ phương Tây, tức là trái phiếu chính phủ mới do Nga phát hành sẽ không thể giao dịch trên thị trường Mỹ và châu Âu.

Sau khi nổ ra chiến tranh, Mỹ đã có phiên bản nâng cấp của các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Về mặt tài chính, Mỹ đã áp đặt các lệnh phong tỏa sâu rộng, đóng băng tài khoản và áp đặt các hạn chế về nợ và vốn chủ sở hữu đối với 10 tổ chức tài chính lớn nhất của Nga cũng như các tổ chức nắm giữ gần 80% tài sản của các ngân hàng Nga. Ngoài ra còn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được áp đặt đối với hơn một nửa số sản phẩm công nghệ cao của Nga, chủ yếu trong lĩnh vực quốc phòng, hàng không và hàng hải. Châu Âu và Mỹ cũng có biện pháp trừng phạt tài chính “cấp độ bom hạt nhân” khi đẩy Nga ra khỏi hệ thống “Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu” (SWIFT). Ngoài ra, Nga đã bị Mỹ cấm vào không phận Mỹ, bị Mỹ hủy quy chế tối huệ quốc trong thương mại và ngừng nhập khẩu hải sản, kim cương và rượu vodka.

Tính đến cuối tháng Ba, dù các lệnh trừng phạt vẫn chưa ngăn chặn được hành động xâm lược của Nga, nhưng dường như đã làm suy yếu nền kinh tế Nga và có thời điểm khiến đồng rúp mất giá mạnh. Để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, đặc biệt là trừng phạt tài chính, Tổng thống Nga Putin đã liên tiếp đưa ra 3 biện pháp ứng phó, gần như có thể nói rằng ông Putin đã giáng lại 3 đòn vào Mỹ và đồng đô la Mỹ khi nhắm thẳng vào hệ thống đô la Mỹ và bản vị vàng.

3 biện pháp đối phó tài chính của Nga bao gồm: thứ nhất, sử dụng đồng rúp để trả nợ nước ngoài của Nga bằng đô la Mỹ và euro; thứ hai, yêu cầu các nước địch thủ sử dụng đồng rúp để thanh toán cho dầu và khí đốt của Nga; thứ ba, liên kết đồng rúp với vàng, cho phép các ngân hàng Nga trực tiếp mua vàng từ kho bạc và với số lượng lớn.

Đòn đầu tiên của ông Putin về cơ bản đã bị hầu hết các nước Âu Mỹ từ chối. Họ nhấn mạnh rằng nếu Nga không trả các khoản nợ bằng đô la Mỹ hoặc euro thì sẽ được coi là vi phạm và ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của Nga. Nhưng Nga đang thúc đẩy chiến tranh xâm lược và phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây nên chẳng mấy quan tâm chỉ số tín dụng do phương Tây đánh giá. Sau đòn đáp trả này, về cơ bản phương Tây và Nga đã vào thế cò cưa, Nga không trả bằng đô la Mỹ và euro, còn châu Âu và Mỹ thì không chấp nhận hoàn trả bằng đồng rúp.

Đòn trả đũa thứ hai của ông Putin là yêu cầu các nước thù địch trả tiền cho dầu và khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Các nước châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga rất khó vô hiệu được biện pháp chí mạng này, phải tìm cách gia tăng dự trữ đồng rúp để giữ nguồn khí đốt sưởi ấm. Khi dùng euro mua đồng rúp có nghĩa là các nước châu Âu đang hỗ trợ đồng rúp, giúp đồng rúp trở nên mạnh hơn, như vậy khác nào tự vô hiệu các lệnh trừng phạt của chính mình. Thị trường tài chính cho thấy đồng rúp tăng giá nhanh chóng so với đồng đô la Mỹ, từ trước chiến tranh là 70 rúp đổi 1 đô la Mỹ thì sau đòn trả đũa đã lên 170 rúp đổi 1 đô la Mỹ. Động thái của ông Putin về cơ bản đã khôi phục được mặt bằng đồng rúp bị mất kể từ lệnh trừng phạt, giúp tỷ giá hối đoái hiện tại là khoảng 100 rúp đổi 1 đô la Mỹ.

Sau đòn trả đũa thứ hai của ông Putin, một số nước như Mỹ đã không thấy động tĩnh; nhưng một số nước như Đức bắt đầu tỏ ra âm thầm hạ nhiệt, cung cấp đồng euro cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Nga để lấy đồng rúp trả cho khí đốt tự nhiên. Tại nhiều nước khác, chẳng hạn như Vatican, có tin đã chuyển 10 triệu euro mua rúp từ Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga để thanh toán cho lượng khí đốt tự nhiên do Nga cung cấp, điều này hoàn toàn phù hợp với kế hoạch của Nga.

Nếu Ấn Độ và Trung Quốc tham gia vào việc sử dụng đồng rúp thì có thể củng cố hơn nữa vị thế của đồng rúp. Một tháng sau khi bắt đầu chiến tranh Nga-Ukraine, Chính phủ Mỹ phát hiện ra rằng Ấn Độ đang nhập khẩu rất nhiều dầu của Nga với giá thấp. Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng nếu Ấn Độ tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga có thể khiến Ấn Độ gặp “rủi ro rất lớn”. Nhưng vấn đề là các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga không ngăn được các nước khác mua dầu của Nga, Washington chỉ hy vọng các nước “hạ nhiệt” mua dầu của Nga. Nhưng trong thế giới đạo lý ngày càng sa sút, liệu các nước có thể không chớp lấy cơ hội này trước sự cám dỗ của dầu mỏ giá rẻ của Nga? E rằng sẽ khó khăn. Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới là Ấn Độ đã tận dụng cơ hội Nga hạ mạnh giá dầu để mua dầu của Nga thông qua đấu thầu. Trong vòng một tháng sau chiến tranh, Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu của Nga, trong khi cả năm 2021 mua chưa đến 16 triệu thùng. Khi mua hàng của Ấn Độ tiếp tục tăng, Ấn Độ đang thiết lập một cơ chế để giải quyết thương mại với Nga, bao gồm cả thanh toán bằng đồng rupee của Ấn Độ.

Đòn trả đũa thứ ba của ông Putin thực sự gây chấn động, đặc biệt là đối với giới tài chính. Đó là Putin liên kết đồng rúp với vàng, hiện nay dường như chỉ là “thí điểm” để xem hiệu quả thế nào, liệu người dân Nga có dùng đồng rúp mua vàng qua đó phân tán dự trữ vàng không. Do Mỹ đã đóng băng một phần dự trữ vàng của Nga và hạn chế các nước mua vàng của Nga, việc mua quy mô lớn đã trở nên bất khả thi nên rõ ràng ông Putin chọn biện pháp phân mảnh để giấu nguồn lực này trong dân chúng. Nếu các ngân hàng lớn của Nga có thể hút đồng rúp và bán vàng thành công cho người dân Nga, thì sẽ hạn chế được phần nào lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động bán vàng. Nhưng ý nghĩa thực sự của động thái này, trong mắt cộng đồng tài chính, còn vượt xa hơn thế.

Đô la Mỹ vươn lên bá chủ thế giới là sau hai cuộc thế chiến, Mỹ thay Anh làm bá chủ hàng hải khiến kinh tế Mỹ trở thành lớn nhất thế giới, từ đó sức mạnh công nghệ, kinh tế, quân sự, văn hóa của Mỹ vượt qua Anh và tất cả các nước trên thế giới, đồng thời đã nhanh chóng thiết lập mô hình đô la Mỹ liên kết với vàng. Từ giữa thế kỷ 19 cho đến Thế chiến thứ I, Anh là chủ nợ lớn nhất thế giới, đồng bảng Anh (pound sterling) từng là tiền tệ chính của thương mại và tài chính thế giới. Thời điểm đó, tiền tệ được hỗ trợ bởi dự trữ vàng, trong khi lúc đó Anh có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới, các nước theo xu thế dự trữ vàng và đồng bảng Anh. Đến giữa thế kỷ 20, nền kinh tế và xuất khẩu của Anh đều suy giảm và nguồn vàng của Đế quốc Anh cũng không còn duy trì được thế mạnh. Sau đó Mỹ vươn lên chiếm vị thế bá chủ của Anh.

Sau khi bắt đầu Thế chiến thứ I, thương mại quốc tế ảnh hưởng, hệ thống bản vị vàng sụp đổ, và vào năm 1929 xảy ra suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Năm 1944, hệ thống Bretton Woods được xây dựng, đồng thời thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (IBRD) thiết lập mức lãi suất cố định giữa đô la Mỹ và vàng, củng cố trật tự tiền tệ quốc tế ở phương Tây đã khôi phục thương mại quốc tế. Trong nửa thế kỷ qua, sự thống trị của đồng đô la Mỹ đã mạnh đến mức ngay cả vào năm 1971 khi đồng đô la Mỹ giảm giá so với vàng, cuối cùng đồng đô la Mỹ đã tách khỏi vàng và Mỹ từ bỏ chế độ bản vị vàng mà vẫn duy trì được dự trữ tiền tệ và địa vị tiền tệ số một thế giới. Ba cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới kể từ năm 1973 đã một lần nữa gia cố vị thế của đồng đô la Mỹ.

Đòn đáp trả thứ ba của Nga được đảm bảo bằng vàng. Các nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, theo số liệu từ năm 2020 đến năm 2021 lần lượt là Trung Quốc (365 tấn và 370 tấn), Úc (328 tấn và 330 tấn), Nga (305 tấn và 300 tấn), Mỹ (193 tấn và 180 tấn), Canada (170 tấn và 170 tấn), Ghana (125 tấn và 130 tấn), Nam Phi (96 tấn và 100 tấn); và các nước khác khoảng 100 tấn như Uzbekistan, Mexico, Indonesia, Peru, Sudan. Có nghĩa là Nga, Úc và Trung Quốc đều đang sản xuất vàng hết công suất, mỗi năm khoảng 300-400 tấn. Kể từ năm 2014, Nga cũng đã công khai tích trữ vàng và đô la Mỹ.

Về tổng lượng vàng dự trữ, Mỹ đang vượt xa với 8200 tấn vàng hiện có, cao hơn nhiều so với vị trí thứ hai là Đức (3370 tấn), tiếp theo là Ý (2450 tấn), Pháp (2440 tấn), Nga (2200 tấn), Trung Quốc (1920 tấn), và Thụy Sĩ (1040 tấn). Các nước khác, từ Nhật Bản đến Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Anh,… đều có trữ lượng vàng trong khoảng 300-700 tấn. Ở một mức độ nhất định thì dự trữ vàng và năng lực sản xuất vàng của Nga có thể hỗ trợ đòn đáp trả thứ ba của ông Putin và cũng gây ra một chút đe dọa đối với đồng đô la Mỹ.

Đồng rúp của Nga được liên kết với đồng đô la Mỹ tạo cơ hội cho đồng rúp có thể trở thành đồng tiền bá chủ mới chiếm vị thế so với đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, chỉ dự trữ vàng và dầu mỏ không đủ để hỗ trợ cho đồng rúp. Hoạt động tiêu thụ của thế giới không chỉ có dầu và khí tự nhiên mà còn vô số sản phẩm khác với ưu thế mạnh mẽ của thị trường Mỹ (về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, điện tử, các ngành công nghệ cao)… , trong khi những nền tảng của xã hội hiện đại này là thứ nước Nga hoàn toàn không thể có được. Như Einstein đã nói, nếu loài người quay trở lại thời đại hồng hoang đốt nương làm rẫy thì sau cuộc chiến tranh thế giới thứ III bằng hạt nhân, cuộc chiến tranh thế giới thứ IV của loài người sẽ đánh nhau bằng gậy và đá. Có lẽ lúc đó, đồng tiền của các nước đã vô dụng và vàng có thể trở thành đồng tiền duy nhất được chấp nhận trên toàn thế giới.

Ông Putin dự đoán đồng đô la Mỹ và đồng euro sẽ chết và mọi người sẽ chuyển sang “dự trữ thực tế về nguyên liệu thô” như đất đai, ngũ cốc và vàng. Đây tất nhiên là mơ tưởng của ông ta. Nhưng nếu điều đó thực sự xảy ra thì vàng, đất đai, lương thực và nước ngọt sẽ trở thành vật chất và tài sản khan hiếm nhất của thế giới loài người, khi đó sẽ không còn tồn tại vấn đề đô la Mỹ, rúp, euro, nhân dân tệ. Đó là viễn cảnh sau chiến tranh hạt nhân thế giới, khi mà có thể sau đó các chính phủ và hệ thống tài chính trên toàn thế giới bị sụp đổ, mở ra một kỷ nguyên mới của loài người. Tất nhiên chúng tôi hy vọng rằng kỷ nguyên mới này sẽ là một thế giới của những con người thiện lương, đạo đức loài người được xây dựng lại…

Nhìn từ kinh nghiệm cá nhân của ông Putin, trước khi trở thành Tổng thống Nga, ông ta đã trải qua rất nhiều vai trò khác nhau trong cốt lõi của hệ thống quyền lực Nga.

Trước chiến tranh, thực tế kể từ năm 2000, ông Putin đã luôn được thế giới bên ngoài coi là nhà lãnh đạo cao nhất của Nga và nhiều lần được Forbes chọn là “Người có ảnh hưởng nhất thế giới”, được đông đảo công luận thế giới ghi nhận là nhà chính trị mạnh mẽ. Dù vậy, kinh nghiệm của ông ta từ KGB đến khi vào Chính phủ Nga thời hậu Xô Viết hoàn toàn không có trực tiếp chi phối kinh tế và tài chính. Trong nhiệm kỳ tổng thống, các cải cách chính trị quan trọng là giảm thuế thu nhập (xuống 13%), giảm thuế suất lợi tức và xây dựng chính sách đất đai mới của Nga, tất cả đều không liên quan đến tài chính hiện đại.

Có nghĩa là nhiều khả năng 3 đòn phản công tài chính của ông Putin không phải là ý tưởng của ông ấy, mà là từ chuyên gia đứng sau. Ngay cả khi 3 đòn phản công tài chính không thể phá được vai trò thống trị của đồng đô la Mỹ thì cũng có thể đánh sập vài mảng tường hoặc thậm chí một tầng của tòa nhà hệ thống toàn cầu đồng đô la Mỹ. Sau 3 đòn phản công tài chính, ông Putin chỉ tuyên bố sẽ thử nghiệm trong vài tháng, dường như ông ta không biết trữ lượng vàng của Nga có thể trụ được bao lâu; thế giới cũng đang hồi hộp theo dõi xem “rúp dầu khí” có thể tác động như thế nào đối với “đô la dầu khí”. Tất nhiên lịch sử sẽ làm rõ hơn về bản chất của ông Putin và cuộc chiến Nga-Ukraine; còn kết quả cuối cùng của các biện pháp trừng phạt tài chính và hành động đáp trả tùy thuộc vào chiến tranh kết thúc như thế nào.

Tạ Điền
(Bài viết thể hiện quan điểm của Tiến sĩ Tạ Điền, giảng dạy tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina Mỹ, được đăng trên Epoch Times.)