Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung không ngừng leo thang, gần đây Mỹ đã đề xuất với Trung Quốc cân nhắc trong thời gian ngắn còn lại quyết định khởi động lại đàm phán về các vấn đề thương mại. Có quan điểm cho rằng động thái của Mỹ là một cách tiếp cận khác trên lộ trình, còn về cơ bản lập trường của Mỹ sẽ không thay đổi; còn đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã ra tín hiệu rằng sẽ quay lại bàn tròn hiệp thương sau bầu cử giữa kỳ của Trump.

tàu chở hàng
Tổng thống Trump đã ủy quyền cho Bộ trưởng Ngân khố Steve Mnuchin cố gắng khôi phục đàm phán thương mại với Bắc Kinh, dành cho Bắc Kinh cơ hội cân nhắc trước gói thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD (Ảnh minh họa từ Getty Images)

Chỉ là “vấn đề thủ tục”, lập trường của Trump khó thay đổi

Nhật báo Phố Wall (WSJ) đưa tin ngày 13/9 trích dẫn ý kiến của một chuyên gia cho biết, gần đây Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ Mnuchin đã ngỏ ý với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cân nhắc trong vài tuần tới trở lại hội đàm song phương thương mại Mỹ – Trung.

Theo tiết lộ, Tổng thống Trump đã ủy quyền cho Bộ trưởng Mnuchin nỗ lực để khôi phục lại đàm phán thương mại với Bắc Kinh, nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ được cân nhắc trước vòng thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD (đô la Mỹ). Tuy nhiên, nội bộ Washington vẫn có những chia rẽ ​​về cách đối phó với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại.

“Tôi nghĩ đây chỉ là một vấn đề thủ tục trên lộ trình, còn về cơ bản lập trường của Nhà Trắng sẽ không thay đổi”, nhà kinh tế William thuộc Học viện Quản lý Anderson UCLA cho biết.

Ông chia sẻ với tờ Epoch Times rằng, trong quan chức Nhà Trắng có phái ôn hòa và cứng rắn, vì vậy đây cũng là trình tự khó tránh, trước khi hành động cần đưa ra một cơ hội khác để đối phương lựa chọn, vì nếu bản thân Trung Quốc đang muốn thay đổi quan điểm thì hai bên sẽ tránh được xung đột leo thang; hoặc biết đâu mức thuế quan đến 200 tỷ USD sẽ buộc nhà cầm quyền Trung Quốc xem xét lại lợi ích và thiệt hại kinh tế đối với họ, cuối cùng sẽ trở lại bàn đàm phán, “Đây chỉ là một cách tiếp cận khác trên lộ trình, nhưng chính sách của Mỹ về cơ bản sẽ không thay đổi, đó là không thể chấp nhận cách làm của Trung Quốc như hiện tại, nhất định phải thay đổi.”

Bản thân Trump cũng đã sớm cho biết về các vấn đề thương mại Mỹ phải có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Vào tuần trước Mỹ cũng đã hé mở tín hiệu tăng mức thuế quan đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, có nghĩa là sẽ áp thuế quan đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Muốn lợi dụng cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ

Kể từ vòng đàm phán thương mại thứ tư Mỹ – Trung (ngày 23/8) thất bại, phía Trung Quốc đã đưa ra thông điệp “sẽ tái đàm phán sau bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ”. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ diễn ra vào ngày 6/11, kết quả lần bầu cử này được xem là một chỉ báo quan trọng về việc liệu Trump có thể tái đắc cử vào năm 2020 hay không.

“ĐCSTQ hiện đang dùng chiến thuật trì hoãn”, Tần Bằng (Qin Peng), một nhà phân tích kinh tế và chính trị sống tại Mỹ chia sẻ.

Theo phân tích của ông, hiện nay ĐCSTQ dùng chiến thuật trì hoãn để chờ đợi nếu sau bầu cử giữa kỳ đảng Cộng hòa thất bại, khi đó đảng Dân chủ chiếm đa số ghế trong Quốc hội sẽ khống chế Trump; hoặc Trump có thể bị phe cánh tả dùng những thủ đoạn bỉ ổi gây khó khăn dẫn đến mất chức; hoặc Trump phải từ bỏ kế hoạch thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vì chiến dịch vận động hành lang của các nhóm lợi ích khác nhau của Mỹ; hoặc duy trì quá trình đối đầu ôn hòa cho đến hết nhiệm kỳ đầu tiên của Trump…

Còn chuyên gia William thì cho rằng, “Tôi không nghĩ rằng có một kết quả như ý muốn của ĐCSTQ, đây là mơ mộng viển vông.” Bởi vì Mỹ sẽ không chờ đợi cho đến sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ để đàm phán với ĐCSTQ, nếu không có tiến triển gì mới thì vòng thuế quan 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ sớm được thực thi.

Việc trưng cầu ý kiến đối với mức thuế quan hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD đã được hoàn thành vào ngày 6/9.

Tuy nhiên, Tần Bằng cho rằng ĐCSTQ sẽ không ngồi chờ chết, “ĐCSTQ sẽ tận dụng mọi cơ hội thuận lợi để chống lại hoặc quấy nhiễu bằng những thủ đoạn khó lường, rất khó để nói rằng ĐCSTQ không tham gia vào quá trình tấn công Trump của truyền thông cánh tả và cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ”.

“Dù hiện không có bằng chứng về việc ĐCSTQ áp dụng những hành động này, nhưng trong một số vấn đề rõ ràng họ đã đàm phán với một số công ty đa quốc gia, hy vọng để các công ty đa quốc gia này có thể vận động hành lang về thương mại khiến Nhà Trắng phải có những nhượng bộ”. Ông William cho biết, ý tưởng dùng các doanh nghiệp đa quốc gia để vận động hành lang đối với Nhà Trắng là viển vông.

Vào ngày 12/9, Tổng thống Mỹ Trump đã ký một lệnh hành chính, theo đó sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với bất kỳ thế lực nước ngoài nào dám can thiệp vào các cuộc bầu cử tại Mỹ.

ĐCSTQ kiện Mỹ tại WTO là vô nghĩa

Theo chương trình nghị sự của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tại cuộc họp của Ủy ban Trọng tài Tranh chấp WTO vào ngày 21/9, ĐCSTQ sẽ xin phê chuẩn các biện pháp trừng phạt chống lại Mỹ. ĐCSTQ cho rằng Mỹ đã đã vi phạm các quy tắc của WTO khi đưa ra biện pháp chống bán phá giá nhắm vào Trung Quốc.

William cho rằng ý tưởng này của ĐCSTQ có mục đích là để gây dư luận xã hội, tăng thêm ấn tượng tiêu cực đối với Chính phủ Mỹ trong thương mại quốc tế. “Việc ĐCSTQ tăng cường trả đũa Mỹ bằng nhiều cách khác nhau sẽ chỉ khiến kế hoạch tăng cường áp thuế của Mỹ đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc diễn ra sớm hơn, trên thực tế ĐCSTQ không có nhiều vũ khí để trả đũa Mỹ.”

Tần Bằng chỉ ra rằng sách lược trì hoãn của ĐCSTQ và khiếu nại tại WTO sẽ không mang lại bất cứ tác dụng thiết thực nào, chỉ làm cho chính quyền Trump hiểu rõ hơn về ĐCSTQ và thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong giải quyết thực trạng thương mại bất bình đẳng cũng như đánh cắp tài sản trí tuệ.

Huệ Anh

Xem thêm: