Về những động thái trên quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm cô lập Đài Loan, mới đây chuyên gia truyền thông cấp cao Akio Yaita của Nhật Bản đã có những chia sẻ qua trang Facebook cá nhân.

Honduras
(Ảnh: Manuel Chinchilla/ Shutterstock)

Ngày 16/3, chuyên gia truyền thông Akio Yaita đã có bình luận đăng trên Facebook nói về thay đổi trong quan hệ ngoại giao của Đài Loan. Ông cho biết Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sắp thăm Mỹ và dự kiến ​​sẽ hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy tại California. Vào thời điểm này, có tin Honduras ở Trung Mỹ sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, vấn đề thoạt nhìn đã có thể suy đoán có sự thúc đẩy của ĐCSTQ phía sau.

Ông Akio Yaita cho hay đây là thủ đoạn thường được ĐCSTQ sử dụng, ví dụ ngày 21/7/2002 khi Tổng thống Trần Thủy Biển nhậm chức Chủ tịch Đảng Dân tiến, khi đó ĐCSTQ đã lôi kéo đồng minh Cộng hòa Nauru của Đài Loan để làm xấu mặt ông Trần Thủy Biển.

Chuyên gia truyền thông Nhật Bản này nhận định cách làm của ĐCSTQ sẽ không có bất kỳ tác động nào đến vị thế quốc tế của Đài Loan, thay vào đó sẽ tiết kiệm cho Đài Loan một khoản tiền lớn để duy trì quan hệ ngoại giao với những nước “hai mặt”, trong khi ĐCSTQ để lại ấn tượng với cộng đồng quốc tế về việc “dùng tiền bao vây Đài Loan”. Ông nhấn mạnh:

“Loại bạn bè mua bằng tiền này là không đáng tin cậy, đặc biệt là vào những thời điểm quan trọng. Việc Đài Loan bị mất vài đối tác như vậy không mấy tác hại”.

Ông cho biết, trước đây Đài Loan đã chi rất nhiều ngân sách ngoại giao để duy trì quan hệ với một số nước nhỏ, mục đích chính để các nước nhỏ đó ủng hộ Đài Loan gia nhập các tổ chức quốc tế (chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới…). Nhưng thực tế từ lâu loại lá phiếu đó đã không còn mấy ý nghĩa, trong khi đó đại diện của một số nước nhỏ kia đã bị ĐCSTQ mua chuộc để bí mật trở mặt khi bỏ phiếu nhưng sau đó thì vẫn nhận được lợi ích từ Đài Loan.

Nhưng ông cho hay, vài năm qua Đài Loan đã thay đổi trong phương hướng ngoại giao: chuyển từ “ngoại giao viện trợ tài chính” sang “ngoại giao giá trị”. Các nước như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Litva, Cộng hòa Séc và Slovakia có quan hệ ngày càng chặt chẽ với Đài Loan và ủng hộ Đài Loan gia nhập các tổ chức quốc tế dưới nhiều hình thức. Giống như Đài Loan, các nước này có các giá trị phổ quát ủng hộ dân chủ và tự do. Đài Loan cảm thấy thoải mái và an toàn với các đối tác này.

Chuyên gia: Ngoại giao ‘viên đạn bạc’ của ĐCSTQ như buôn ma túy

Theo AP, trong 20 năm qua, ĐCSTQ đã liên tục rót tiền vào Mỹ Latinh qua các dự án lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng và vũ trụ, đồng thời dần mở rộng không gian ngoại giao trong khu vực. Giờ đây, khi căng thẳng giữa Trung – Mỹ leo thang và xung đột địa chính trị nóng lên, cuộc tấn công bằng viên đạn bạc của Trung Quốc đã được đền đáp.

Theo dữ liệu từ một tổ chức tư vấn của Mỹ, từ năm 2005 – 2020 đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ Latinh đã vượt quá 130 tỷ USD. Thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh cũng tăng lên đáng kể và dự kiến ​​sẽ đạt hơn 700 tỷ USD vào năm 2035. Đối với Honduras, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 300 triệu USD để xây dựng các đập lớn ở miền trung của đất nước này.

Viện trợ tài chính hứa hẹn mang lại những lợi ích tích cực ngắn hạn cho các nước đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng sau cùng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Giáo sư June Teufel khoa học chính trị tại Đại học Miami (Mỹ) lo ngại rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể gây ra những tác động dây chuyền không mong muốn. Ông chỉ ra, nhiều nước ở châu Phi và châu Mỹ Latinh đã vay nặng lãi do đầu tư của Trung Quốc và cuối cùng bị tổn hại. Cơ sở hạ tầng ở những nước này chỉ có thể được duy trì bởi các công ty Trung Quốc và chi phí dài hạn là vấn đề rất kinh khủng.

Giáo sư June Teufel mô tả chính sách ngoại giao viên đạn bạc của Trung Quốc giống như buôn bán ma túy:

“Nó giống như một tay buôn ma túy nói với một khách hàng tiềm năng rằng ‘liều thuốc đầu tiên là miễn phí’. ĐCSTQ đã khiến một số nước từ bỏ Đài Loan, một phần trong mục tiêu lâu dài này là tước bỏ một số đồng minh còn lại của Đài Loan”.

Việc Honduras và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chắc chắn là một đòn giáng nặng nề đối với chính quyền Tổng thống Biden. Mỹ đã cố gắng đưa khu vực này đi theo lập trường của Đài Loan nhưng không có kết quả. David Castrillon-Kerrigan, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Ngoại giao Columbia, cho biết: “Mỹ đang mất dần ảnh hưởng ở Mỹ Latinh”.

Tuy thế, một số nước Trung và Nam Mỹ như Paraguay và Guatemala… vẫn kiên định chính sách thân Đài Loan, ví dụ Chính phủ Guatemala gần đây đã nhắc lại rằng họ “công nhận Đài Loan là nước độc lập dựa trên các giá trị dân chủ”.

Hy vọng Honduras không sập bẫy

Theo CNA Đài Loan, về việc thiết lập quan hệ ngoại giao Honduras – Trung Quốc, Viện trưởng Hành chính Đài Loan là ông Trần Kiến Nhân cho biết Đài Loan đã và đang hỗ trợ Honduras trong phạm vi khả năng trên cơ sở duy trì sự liêm chính trong các chi phí liên quan. Ông hy vọng Honduras sẽ nhận ra bản chất của ĐCSTQ để không bị sập bẫy.

Trong một cuộc phỏng vấn truyền thông ngày 17/3, ông Trần Kiến Nhân đã cảnh báo về chính sách Vành đai và Con đường của ĐCSTQ trong vài năm qua, theo đó có thể thấy rằng hầu hết các khoản đầu tư vốn vào các nước đều bất ổn, cuối cùng dẫn đến khó khăn tài chính và lạm phát ở các nước liên quan. Ông hy vọng rằng Honduras có thể nhận ra bản chất của ĐCSTQ và không rơi vào bẫy, đồng thời hy vọng Honduras sẽ tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.