Các nguồn tin cho thấy, có thể lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Nga Putin sẽ gặp nhau trong chuyến công du của ông Tập tại Uzbekistan. Liên quan sự kiện này, có chuyên gia chỉ ra Nga có thể muốn chơi “con bài Trung Quốc”, trong khi Trung Quốc đang rất lo ngại về thảm bại của Nga tại Ukraine.

p3157771a344827547
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Kremlin.ru, 2019CC-BY-4.0).

Vào ngày 12/9, Bộ Ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo nhà lãnh đạo Tập Cận Bình của họ sẽ thăm Kazakhstan và Uzbekistan từ ngày 14 – 16/9, đồng thời sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ khi Trung Quốc đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán). Được biết, ông Tập sẽ nhân dịp này để gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

CNN: Nga có thể muốn chơi “con bài Trung Quốc”

Lần này, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự cuộc họp lần thứ 22 của Hội đồng Nguyên thủ các nước thành viên SCO tổ chức tại Samarkand – Uzbekistan, đồng thời sẽ thăm cấp nhà nước tại Uzbekistan và Kazakhstan.

Theo phân tích của Reuters, vào thời điểm hiện nay khi ĐCSTQ đang gặp bế tắc với các nước phương Tây vì công bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga, thì chuyến đi của ông Tập nhấn mạnh mối quan hệ chiến lược với các nước Trung Á. Ngoài Trung Quốc, Nga, Uzbekistan và Kazakhstan thì thành viên của SCO còn có Ấn Độ, Pakistan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Vào ngày 7/9, Đại sứ Nga tại Trung Quốc là ông Denisov lần đầu tiên tiết lộ rằng ông Putin và ông Tập sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh SCO. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại Ukraine. Nhưng trong vấn đề này, ĐCSTQ chỉ chính thức công bố tin tức về chuyến công du của ông Tập vào cuối ngày 12/9 và không đề cập đến “cuộc gặp Tập-Putin”, lập trường của ĐCSTQ có vẻ xuất hiện “sự bối rối”.

Theo phân tích của CNN, vào thời điểm mà chiến dịch phản công của quân đội Ukraine đang rất hiệu quả, dường như Nga đang cố gắng sử dụng “cuộc gặp Tập-Putin” để thổi phồng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các hoạt động quân sự của Nga xâm lược Ukraine.

Tuần trước tại Moscow, sau khi Chủ tịch Nhân đại của ĐCSTQ là ông Lật Chiến Thư gặp người phát ngôn Volodin của Hạ viện Nga, phía Nga ngay lập tức tuyên bố ông Lật Chiến Thư đảm bảo rằng Trung Quốc hiểu và ủng hộ Nga trong các vấn đề liên quan đến lợi ích của Nga nên không can dự vào vấn đề Ukraine.

Moscow cũng tuyên bố rằng ông Lật Chiến Thư đề cập Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự bành trướng của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến gần biên giới Nga, vì vậy họ hoàn toàn hiểu các biện pháp Nga thực hiện để bảo vệ lợi ích của Nga và cũng cung cấp hỗ trợ. Phía quan chức Nga nhấn mạnh, ông Lật Chiến Thư cho rằng chính quyền Kyiv ép Nga trong tình thế bất khả thi nên Nga phải kiên quyết đáp trả.

Về vấn đề này, giáo sư Hal Brands tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chuyên về các vấn đề toàn cầu, nhận định rằng ĐCSTQ lo ngại không thể ngồi nhìn quân Nga bị đánh bại tại Ukraine. Vì điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vai trò của Nga với tư cách là một đối tác có khả năng khiến Mỹ mất tập trung. Nó thậm chí có thể dẫn đến hỗn loạn chính trị ở Moscow và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến “quan hệ đối tác chiến lược” Trung-Nga mà ông Tập đã dành nhiều tâm huyết.

Giáo sư Brands cho rằng trong bối cảnh vị thế của Nga suy giảm, ông Putin nhất định phải tìm kiếm sự hỗ trợ nhiều hơn từ ĐCSTQ. Nếu phía Trung Quốc không đáp ứng được kỳ vọng thì mối quan hệ Trung – Nga có thể rạn nứt nhanh hơn dự kiến.

Phía ĐCSTQ lo lắng gì về cuộc chiến Nga-Ukraine?

Theo Reuters trích lời của ông George Magnus – tác giả sách “Cờ đỏ” (Red Flags): “Tôi có thể hình dung tâm trạng riêng của ông Tập Cận Bình với ông Putin như thế nào, có thể nói lo lắng nhất là liệu ông Putin hay Nga sẽ còn đóng vai trò gì ở một số thời điểm trong tương lai gần. Vì ĐCSTQ vẫn rất cần một ban lãnh đạo chống phương Tây ở Moscow”.

Nhà bình luận chính trị của Epoch Times, ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nhận định: “Việc Nga thảm bại sẽ rất đáng lo ngại đối với ĐCSTQ. Bởi vì trên thế giới hiện nay thì Nga là một trong số rất ít nước chống phương Tây. Họ có quan điểm chính trị tương tự như ĐCSTQ. Tuy nhà cầm quyền phía Trung Quốc lo ngại Nga thất bại trong cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng chỉ cần ông Putin còn giữ được quyền lực thì ĐCSTQ cũng đỡ căng thẳng. Nếu ông Putin gặp nguy cơ mất quyền lực thì ĐCSTQ có thể ra tay hỗ trợ”.

Bloomberg News dẫn lời một nhà ngoại giao Ukraine cho biết, tại một hội chợ thương mại được phía Trung Quốc hậu thuẫn, phía Trung Quốc bất ngờ hủy sự kiện do Ukraine triển khai nhằm thúc đẩy các cơ hội đầu tư cho Ukraine. Động thái này có thể làm tăng thêm niềm tin rằng ĐCSTQ đã ngầm hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột. Về vấn đề này, nhà bình luận Lý Lâm Nhất chia sẻ: “Hiện nay Ukraine cũng đã phát hiện ra ĐCSTQ sẽ không thay đổi quan điểm ủng hộ Nga. Vì vậy, có nguồn tin cho rằng Ukraine đang chuẩn bị chuyển dần sang ‘thân’ Đài Loan”.