Liệu Tổng thống Nga Putin có bấm nút sử dụng vũ khí hạt nhân? Việc cố gắng tìm hiểu xem liệu mối đe dọa hạt nhân của ông Putin là thật hay chỉ là phô trương thanh thế, đối với các nhà quan sát và chuyên gia mà nói thì không có gì cấp bách và khó khăn hơn.

shutterstock 650275783
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo tại Cung điện Versailles (Paris, Pháp) sau chuyến thăm và làm việc với Tổng thống Pháp, ngày 29/05/2017. (Ảnh minh họa: Frederic Legrand – COMEO / Shutterstock)

Theo hãng tin AP đưa tin hôm 4/10, ông Putin đã phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai và thề sẽ sử dụng “mọi biện pháp có thể” để bảo vệ Nga. Phát biểu của ông Putin hôm thứ Sáu (30/9) về việc Mỹ thả bom nguyên tử trong Thế chiến II đã “tạo tiền lệ” càng làm tăng nguy cơ ông sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhà Trắng đã đưa ra cảnh báo rằng nếu ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân “thì sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho Nga”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói chung vẫn thận trọng cho rằng nguy cơ ông Putin sử dụng kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới vẫn có vẻ thấp. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng cho biết họ chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào về một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra của Nga.

Tuy nhiên, đây chỉ là những suy đoán. Những người theo dõi ông Putin đã thừa nhận một cách lo lắng rằng họ không thể chắc chắn ông ấy đang nghĩ gì, hoặc thậm chí liệu ông ấy có lý trí và có nhận được đầy đủ thông tin hay không.

Đối với cựu đặc nhiệm KGB cùng sở thích chấp nhận rủi ro và dũng cảm của ông Putin, ngay cả đối với các cơ quan tình báo phương Tây với các vệ tinh gián điệp tiên tiến, thật khó để biết liệu mối đe dọa hạt nhân của ông Putin chỉ là phô diễn thanh thế hay thực sự muốn phá vỡ điều cấm kỵ hạt nhân?

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS vào thứ Hai (ngày 3/10): “Chúng tôi phải đối đãi một cách rất nghiêm túc mối đe dọa, vì mọi thứ đều trong nguy hiểm. Hơn nữa, như đã biết, những luận điệu mà ông Putin và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Nga sử dụng là liều lĩnh và vô trách nhiệm. Chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng thực tế nào trong cộng đồng tình báo Mỹ hiện nay cho thấy ông ấy đang tiến gần đến việc sử dụng thực tế [vũ khí hạt nhân], cũng như không thấy mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sắp xảy ra.”

Ông Burns nói: “Những gì chúng tôi sẽ làm là đối đãi với nó một cách rất nghiêm túc, và chú ý đến các dấu hiệu thực tế của sự sẵn sàng sử dụng đến vũ khí hạt nhân.”

Một phần nguyên nhân khiến những người theo dõi ông Putin lúng túng, đó là họ không thấy được vũ khí hạt nhân có thể giúp ông Putin đảo ngược những tổn thất quân sự của Nga tại Ukraine ở mức độ lớn như thế nào.

Quân đội Ukraine không sử dụng một số lượng lớn xe tăng để chiếm lại vùng đất bị chiếm đóng, và đôi khi các cuộc phản công chỉ nhằm vào những nơi nhỏ như làng mạc. Vậy mục tiêu của vũ khí hạt nhân Nga là gì?

Ông Andrey Baklitskiy, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị của Liên Hợp Quốc, người chuyên nghiên cứu về các rủi ro hạt nhân, nói rằng: “Vũ khí hạt nhân không phải là đũa thần, chúng không phải là thứ mà bạn tùy ý sử dụng thì có thể giải quyết mọi vấn đề của mình.”

Các nhà phân tích hy vọng những điều cấm kỵ xung quanh vũ khí hạt nhân sẽ có tác dụng kiềm chế ông Putin.

Bà Dara Massicot, một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại RAND Corporation, và là một cựu chuyên gia phân tích năng lực quân sự Nga tại Bộ Quốc phòng Mỹ, nói rằng: “Vượt qua ngưỡng đó vẫn là một điều cấm kỵ ở Nga”.

Ông Andrey Baklitskiy nói việc nhấn nút hạt nhân là “một trong những quyết định lớn nhất trong lịch sử trái đất”.

Ông Sidharth Kaushal, một nhà nghiên cứu chuyên nghiên cứu về quốc phòng và an ninh tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh ở London, nói rằng: “Phá vỡ cấm kỵ hạt nhân ít nhất sẽ khiến Nga bị cô lập hoàn toàn về mặt ngoại giao và kinh tế.”

Vũ khí hạt nhân tầm xa của Nga đã sẵn sàng chiến đấu, ông Putin có thể sử dụng chúng trong cuộc xung đột trực tiếp với Mỹ. Nhưng các nhà phân tích cho rằng đầu đạn hạt nhân tầm ngắn của Nga – một loại vũ khí hạt nhân chiến thuật mà ông Putin có thể sử dụng ở Ukraine – vẫn chưa sẵn sàng.

Ông Pavel Podvig, một nhà nghiên cứu cấp cao khác chuyên về vũ khí hạt nhân tại tổ chức nghiên cứu giải trừ quân bị của Liên Hợp Quốc ở Geneva, nói rằng: “Tất cả những vũ khí [mang đầu đạn hạt nhân tầm ngắn] này đang được cất giữ. [Nếu sử dụng thì] cần phải mang chúng ra khỏi chỗ cất giấu, đưa chúng lên xe tải”, sau đó kết hợp chúng với tên lửa hoặc các hệ thống phân phối khác.

Công khai đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi kho cũng có thể là chiến thuật của ông Putin để gia tăng sức ép mà không cần sử dụng đến chúng. Ông hy vọng các vệ tinh của Mỹ sẽ phát hiện ra hoạt động này và có thể hy vọng rằng việc để lộ nanh vuốt hạt nhân của mình sẽ khiến các cường quốc phương Tây sợ và rút lại sự ủng hộ đối với Ukraine.

Ông Sidharth Kaushal nói: “Đó chính xác là những gì mà phía Nga đang đánh cược, và mỗi lần leo thang đều tạo ra mối đe dọa cho đối phương và cũng cho đối phương cơ hội đàm phán với Nga.”

Ông nói thêm: “Có một cú pháp cho tín hiệu hạt nhân và chính sách đường biên, logic của nó không chỉ là một kẻ mất trí sẽ có ngày quyết định làm việc này.”

Các nhà phân tích cũng dự đoán những leo thang khác sẽ xảy ra trước, bao gồm việc Nga tăng cường sử dụng vũ khí phi hạt nhân tấn công Ukraine.

Ông Nikolai Sokov, người tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Nga, hiện đang làm việc ở Trung tâm Giải trừ và Không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng sẽ có một tin tức đột ngột (về một cuộc tấn công hạt nhân).”

Các nhà phân tích cũng khó có thể xác định được mục tiêu trên chiến trường đáng để ông Putin phải trả giá đắt. Nếu một cuộc tấn công hạt nhân không ngăn chặn được cuộc phản công của Ukraine, liệu ông ấy có sử dụng nó nhiều lần nữa không?

Ông Pavel Podvig chỉ ra rằng cuộc chiến Nga – Ukraine không có mục tiêu tấn công là “quân đội tập trung số lớn”.

Tấn công các thành phố, hy vọng có thể gây sốc đủ để Ukraine đầu hàng, đó sẽ là một lựa chọn khủng khiếp của Nga.

Ông Pavel Podvig nói, “Sát hại hàng ngàn người một cách máu lạnh, đó là một quyết định khó khăn. Có lẽ là một quyết định khó khăn.”

Ông Putin cũng có thể hy vọng rằng chỉ riêng mối đe dọa hạt nhân sẽ làm chậm nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine và kéo dài thời gian để huấn luyện thêm 300.000 binh sĩ mà ông đang động viên ra chiến trường.

Tuy nhiên, nếu Ukraine tiếp tục phản công và ngăn chặn sự xâm lược của Nga, và ông Putin thấy mình không kiểm soát được các biện pháp mà ông thực hiện, các nhà phân tích lo ngại rằng các lựa chọn phi hạt nhân hóa của ông Putin sắp dùng hết và nguy cơ quyết định sử dụng hạt nhân ngày càng lớn.

Bà Dara Massicot của RAND cho biết: “Ông Putin thực sự đang phá bỏ rất nhiều cây cầu đằng sau ông ấy bằng cách động viên binh lính và sáp nhập các vùng lãnh thổ mới. Điều này cho thấy ông ấy đang toàn lực ứng phó, và chiểu theo các điều khoản của bản thân ông ấy để đánh thắng cuộc chiến này. Tôi rất lo lắng rằng việc này cuối cùng sẽ đưa chúng ta đến đâu – bao gồm cả một quyết định hạt nhân cuối cùng.”