Nhiều truyền thông Hàn Quốc dùng cụm từ “con của người thoát Bắc” để gọi tổng thổng mới được bầu của Hàn Quốc, ông Moon Jae-In. Nguyên là do cha mẹ của ông nằm trong số khoảng 100.000 người Bắc Hàn ngồi thuyền của hải quân Mỹ để chạy về phía Nam trong cuộc “Hưng Nam Đại Triệt Thoái” (cuộc bỏ trốn lớn về miền Nam) năm 1950. Sau khi đến được Hàn Quốc, cha của ông Moon Jae-In làm lao động tại trại tù nhân chiến tranh, mẹ bán trứng gà tại chợ, gia cảnh vô cùng bần hàn.

Trong chiều dài lịch sử, chính sách của Hàn Quốc đối với “người thoát Bắc” đã có những thay đổi như thế nào? Ngoài gia đình của ông Moon Jae-In, còn có bao nhiêu “người thoát Bắc” đang sinh sống tại Hàn Quốc?

Đang có khoảng 30.000 người thoát Bắc tại Hàn Quốc

Những người chạy đến rồi sinh sống ở Hàn Quốc trong thời gian chiến tranh Triều Tiên như cha mẹ của ông Moon Jae-In và những “người thoát Bắc” gần đây khác nhau nhiều, nhất là về mặt ý nghĩa của cách dùng từ này.

Những “người thoát Bắc” hiện nay, chủ yếu là những người chạy trốn khỏi Triều Tiên kể từ những năm 90 của thế kỷ trước trở về sau. Thời gian đó, kinh tế Triều Tiên gặp khủng hoảng trầm trọng, rất nhiều người Triều Tiên bắt đầu thử tìm cách bí mật đào thoát, thông qua con đường của nước thứ 3 như Trung Quốc để đến Hàn Quốc.

Số liệu cho thấy, số người từ Triều Tiên chạy đến Hàn Quốc mỗi năm đã tăng vọt lên kể từ năm 2000. Trong những năm 1990, mỗi năm chỉ có khoảng xấp xỉ 10 người nhưng đến năm 2008 đã tăng lên thành 2.927 người [1]. Năm 2015, số “người thoát Bắc” có một lần hạ xuống (1276 người) nhưng đến năm 2016 thì con số này đã tăng trở lại. Tính đến tháng 10/2016, Hàn Quốc thống kê có khoảng 30.000 “người thoát Bắc” đang sống tại Hàn Quốc, trong đó có 7/10 là phụ nữ.

North Korean defectors
Ảnh trong bài: Số lượng người chạy trốn khỏi Bắc Hàn đến Hàn Quốc mỗi năm

Năm 2005, Hàn Quốc có sự thay đổi chính sách với “người thoát Bắc”

Chính phủ Hàn Quốc có nhiều chính sách phúc lợi đối với những người đào thoát Bắc Hàn. Ví dụ như năm 1999 có thành lập Viện Hana, cho phép những người thoát Bắc mới sang đến Hàn Quốc ở lại đây để ổn định cuộc sống. Họ được sắp xếp khóa học 12 tuần về nền dân chủ, chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường v.v. để có thể lý giải về xã hội Hàn Quốc. Ngoài ra, Viện Hana cũng có những buổi hướng dẫn lối sống sinh hoạt và huấn luyện nghề nghiệp cơ bản cho những người đào tị. Năm 2009, cơ sở chính của Viện Hana có thể hỗ trợ cho 750 người, phân viện có thể hỗ trợ 250 người.[2]

Chính phủ Hàn Quốc còn có những hỗ trợ về mặt kinh tế cho người tị nạn từ miền Bắc. Ví dụ như trong thời gian học tập tại Viện Hana mỗi người thoát Bắc được nhận 10 triệu won (8.700 USD) tiền hỗ trợ định cư dùng để thuê nhà ở, 300.000 won (260 USD) tiền mặt để trợ cấp sinh hoạt cơ bản, toàn bộ số tiền này được cấp hết ngay trong một năm. Từ năm 2001 đến năm 2005, Hàn Quốc đã chi trả cho 5.585 người thoát Bắc này tổng số tiền lên đến 22,9 tỷ won (hơn 20 triệu USD).

Năm 2005, Hàn Quốc thay đổi chính sách từ “bảo hộ” thành “tự lực cánh sinh” đối với người tị nạn Bắc Hàn. Ngoài việc duy trì “tiền hỗ trợ định cư cơ bản” thì cũng thiết lập chính sách hỗ trợ họ tìm việc lâu dài thông qua các khoản tiền thưởng cho người tìm được việc.

Năm 2007, chính phủ Hàn Quốc trả tiền thưởng cho những người đã làm việc được một năm, từ mức 2 triệu won đến 4,5 triệu won; những người đã làm việc được hai năm, từ mức 3 đến 5 triệu won; những người đã làm việc được 3 năm thì từ 4 đến 5,5 triệu won. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc còn tính điểm cho những nơi thuê “người thoát Bắc” tính là “tiền hỗ trợ tuyển dụng”, một phần lương của những người này sẽ do chính phủ chi trả.[3]

Hoàn cảnh khác nhau của những người đào thoát Bắc Hàn

1, Những cựu quan chức cấp cao: Thân phận đặc thù, nhận được đãi ngộ và bảo hộ đặc biệt của chính phủ Hàn Quốc

Trong những người đào thoát có nhiều người thuộc giới quý tộc, có nhiều người có thể tham giữ vai trò quan trọng trong hoạt động điều tra Bắc Hàn. Những người này đều được chính phủ Hàn Quốc tuyển dụng và hưởng đãi ngộ đặc biệt.

Ví dụ như ông Hwang Jang-yop, cựu Chủ tịch của Ủy ban thường vụ Hội đồng Nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên trong 11 năm. Năm 1997 sau khi đến Trung Quốc, ông đã xin tị nạn tại  Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh. Ông được chính phủ Hàn Quốc bảo vệ nghiêm ngặt sau khi tới được Seoul và qua đời tại nhà riêng năm 2010. Năm 2016, nguyên đại sứ Triều Tiên tại Anh là Thae Yong-Ho cùng cả nhà sau khi rời khỏi Triều Tiên thì cũng được chính phủ Hàn Quốc yêu cầu không hoạt động công khai và bảo hộ nghiêm mật.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 20 người thoát Bắc đang làm công tác phân tích và xác lập chiến lược đối phó Bắc Hàn. Ví dụ như tại viện nghiên cứu chiến lược quốc gia, trực thuộc viện tình báo quốc gia Hàn Quốc, phó viện trưởng là một người từng là quan chức ngoại giao cấp cao của Bình Nhưỡng, ủy viên nghiên cứu từng là bí thư đảng ủy địa phương Bắc Hàn, nhân viên phân tích là người từng làm tại bộ tuyên truyền của Bắc Hàn.[4]

2, Những người đào thoát là dân thường: thu nhập bình quân gia đình vẫn thấp hơn nhiều so với gia đình Hàn Quốc

Những người thoát Bắc thông thường không hề có bất cứ kỹ năng công việc gì, hầu hết tham gia làm phục vụ hay các lao động phổ thông. Theo báo cáo “Tổng hợp tình hình của người đào thoát miền Bắc năm 2015” của công ty nghiên cứu của Hàn Quốc, Trung tâm tin tức nhân quyền Triều Tiên cho biết, trong những người thoát Bắc, những người một tháng có thu nhập khoảng 1 triệu won (khoảng 20 triệu VND) chiếm 57,7%, chỉ có khoảng 10% là thu nhập trên 2 triệu won một tháng. Từ năm 2014 đến 2015, một hộ gia đình người đào tị có thu nhập bình quân một tháng là 1,49 triệu won, tương đương với 35% mức của gia đình Hàn Quốc phổ thông. Từ năm 2010 đến 2015, tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc là 3,4%, tỷ lệ thất nghiệp của người thoát Bắc là 8,3%.[5]

Có một bộ phận phụ nữ người đào tị đã  làm gái mại dâm ở miền Nam. Họ chủ yếu sử dụng “quán trà ngõ nhỏ” để làm việc, hoặc sử dụng xe máy để di chuyển qua các nơi. Từng có phóng viên Hàn Quốc phỏng vấn phụ nữ thoát Bắc, họ đều trả lời: “có đi học nghề cũng không có nơi để sử dụng thực tế. Với người thoát Bắc chúng tôi, nếu muốn kiếm tiền nhanh chóng thì ngoài nghề [mại dâm] này khó có cách nào khác.” [6]

Truyền thông Hàn Quốc cũng rất tích cực quảng bá các tấm gương về những người hòa nhập thành công vào xã hội Hàn Quốc và đạt được thành công để cổ vũ những người thoát Bắc khác. Ví dụ như Lyu Geum-Nan chạy trốn đến Hàn Quốc năm 2002, dưới sự hỗ trợ của chương trình  tuyển dụng lao động Hàn Quốc, đã thi được bằng lái xe bus công cộng, sau đó đạt thành tích 10 năm liên tục lái xe bus không gặp sự cố nào. Hoặc như, Jang Mun-Hye đến Hàn Quốc năm 2013, sau khi nỗ lực thi đậu hơn 10 loại chứng chỉ khác nhau, đã lấy được bằng hướng dẫn du lịch kiêm phiên dịch. Đáng kể nhất là trường hợp của Han Eun-Ok đến Hàn Quốc năm 2001, dưới sự giúp đỡ của chương trình hỗ trợ của giáo hội, đã tốt nghiệp được đại học sư phạm, và đến năm 2016 thì trở thành người đào tị Bắc Hàn đầu tiên được phong hàm giáo sư của Hàn Quốc.

Screen Shot 2017 08 11 at 2.55.13 PM
Ảnh trong bài: Jang Mun-Hye, có bằng hướng dẫn du lịch và phiên dịch, đang chỉ đường cho một người Trung Quốc

3, Thanh thiếu thoát Bắc: Thân thể nhỏ yếu, ở trường dễ bị bỏ rơi hoặc bắt nạt

Thiếu niên người thoát Bắc có những cảnh ngộ rất đặc thù.

Một mặt, họ cảm thấy xã hội Hàn Quốc có rất nhiều điểm vô cùng khác lạ. Em Yun Cheol-Su (tên đã được thay đổi) đào thoát đến Hàn Quốc từ lúc 10 tuổi, từng rất xúc động khi nói với phóng viên: “Ở nhà 24 giờ đều có điện dùng quả thật là một điều đáng kinh ngạc. Mặc dù nơi quê cũ ở Triều Tiên cũng là một thành phố công nghiệp số 1 số 2, nhưng mà tối đến thì cũng bị ngắt điện. Vì vậy mà thường là  đến 9 giờ tối thì đã lên giường đi ngủ. Ngoài ra, so với lúc trước ở Triều Tiên chỉ có lên núi chơi thì ở Hàn Quốc có thể chơi máy tính, cũng có thể cùng với bạn bè cùng nhau hát Karaoke. Điều quan trọng nhất là không phải lo đề phòng ai.” [7]

Một mặt khác, họ cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề thực tế. Ở phụ cận của Seoul, có một trường chuyên nghiệp có thu nhận các thiếu niên chạy khỏi miền Bắc. Có thể nhận thấy ngay học sinh người thoát Bắc xét về bình quân chiều cao, có thể nói là không thể so được với người Hàn Quốc. Có nhà nghiên cứu phân tích chiều cao của 8.214 người thoát Bắc, phát hiện rằng nao giới chỉ cao trung bình 165,4 cm nữ giới cao 154.2 cm. Jo Myeong-Suk, lãnh đạo của trường chuyên nghiệp này cũng cho biết, “có một bộ phận học sinh trong trường thường xuyên uống các viên thuốc tăng chiều cao. Nữ sinh thì đều mang giày cao gót”. Có nhiều học sinh “sợ rằng vì thân thể nhỏ bé sẽ bị người ta chú ý” đã thậm chí chọn cách tiêm “hóc-môn phát triển”. [8]

Không chỉ về mặt thân thể không bằng học sinh Hàn Quốc, các thiếu niên thoát Bắc cũng gặp nhiều khó khăn trong việc học tập. Ví dụ như đối với các môn tiếng Anh và tiếng Hàn, họ đều cảm thấy khó tiếp nhận, ngoài ra lại cần phải học từ đầu các môn như lịch sử thế giới. Có một học sinh lớp 3 đã nói với phóng viên rằng: “Rất khó để thay đổi khẩu âm Bắc Hàn, cũng rất khó để hiểu được các cách dùng từ giản lược hay ngoại ngữ của các bạn cùng lớp. Bởi vì có nhiều điều không hiểu, hoàn cảnh sinh sống không giống nhau, ngôn ngữ cũng không giống, nhiều bạn bè lúc đầu rất tốt nhưng sau cũng dần dần bỏ đi“. Có khi học sinh người thoát Bắc trong trường học cũng bị học sinh Hàn Quốc trêu chọc, cười cợt, hỏi là “mày là gián điệp hả?” hay là “cái chuyện đó là chuyện ở nước nào vậy?” v.v.

4, Người thoát Bắc giả mạo: Gián điệp Triều Tiên ở Hàn Quốc

Khi không thể thích ứng được cuộc sống ở Hàn Quốc, có một bộ phận nhỏ người thoát Bắc có hi vọng muốn quay lại Bắc Hàn. Ngoài ra có người vì để kiếm tiền, đã chọn cách hợp tác với chính quyền Bình Nhưỡng làm gián điệp. Ví dụ như năm 2004, có một người thoát Bắc đã hợp tác với Bộ Công an Triều Tiên, lên kế hoạch bắt cóc 5 người thoát Bắc khác để đưa về Triều Tiên.

Chính quyền Bắc Triều Tiên cũng tự mình bí mật cài cắm gián điệp, đưa người giả trang làm người đào tị đến Hàn Quốc sinh sống và thực hiện nhiệm vụ. Theo thống kê, từ năm 2008 đến 2012, có 13 người do Bình Nhưỡng phái đến sống ở Hàn Quốc bị phát hiện và bị bắt. Đặc biệt, hai người bị bắt năm 2010 là Dok Myeong-Gwan và Kim Myeong-Go có nhiều điểm đặc thù: Hai người đã từng trải qua huấn luyện ám sát 6 năm, mục tiêu là “ám sát người trong gia đình họ Hwang” của Hwang Jang-Yop (Cựu Chủ tịch của Ủy ban thường vụ Hội đồng Nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên) [9]

Tình hình tài chính của Hàn Quốc khó có thể tiếp tục hỗ trợ

Từ trước đến nay, Hàn Quốc luôn chú trọng đến việc tạo việc làm cho những người thoát Bắc, với hi vọng trong tương lai khi bán đảo Triều Tiên thống nhất, những người này sẽ trở thành “cầu nối”. Cựu tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye từng nói, “những người thoát Bắc chính là một sự thử nghiệm cho việc thống nhất hai miền”. Bà muốn “các bộ môn có liên quan hợp tác để đưa ra một chế độ có thể giúp những người thoát Bắc có cuộc sống ổn định” và dần thiết lập một thể chế để có thể thu nhận lượng lớn những người thoát Bắc.

Tuy nhiên, đối diện với vấn đề phải thu nhận người thoát Bắc trên quy mô lớn, có nhiều người Hàn Quốc cũng có hoài nghi. Giáo sư Khoa Kinh tế học Đại học Seoul, ông Kim Byeong-yeon, trong một bài tuyển văn năm 2016 từng chỉ ra rằng “nếu những người dân Bắc Hàn tin lời của tổng thống nói, mỗi năm có 100.000 người đến Hàn Quốc, sẽ cần đến số tiền khoảng 2.000 tỷ won (1,74 tỷ USD) để hỗ trợ”, ngoài ra “chi phí y tế, chi phí giáo dục, chi phí hỗ trợ tìm kiếm việc làm và các chi phí liên quan đến hỗ trợ sinh hoạt cơ bản, thậm chí là chi phí hành chính”, sẽ trở thành khoản chi phí Hàn Quốc không thể gánh nổi. Ngoài ra, ông Kim Byeong-Yeon cũng nói rằng, cần nghiên cứu thêm việc liệu một số lượng lớn người thoát Bắc có khả năng hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc hay không. [10]

Sau khi ông Moon Jae-In thay bà Park Geun-Hye lên nắm quyền, chính sách của Hàn Quốc đối với những người thoát Bắc sẽ có thay đổi như thế nào, sẽ là vấn đề được quan tâm theo dõi.

Screen Shot 2017 08 11 at 2.56.01 PM
Ảnh trong bài (Nhân vật nổi tiếng truyền thông, Park Yeon-Mi, chạy trốn khỏi Bắc Hàn năm 13 tuổi, sau đó thi vào đại học Columbia ở Mỹ)

Thành Đô

Số liệu trong bài lấy từ các nguồn sau:

[1] Ảnh hưởng và sự quốc tế hóa của vấn đề “người thoát Bắc” Triều Tiên, Park Geo-Nil, Ri Ji-Bi. Quan hệ quốc tế hiện đại, kỳ 7 năm 2012

[2] Chào đón kỷ niệm 10 năm viện Hana. Daily NK 10/7/2009

[3] Về tiền hỗ trợ định cư của chính phủ với người thoát Bắc. Daily NK 12/2/2007

[4] Có bao nhiêu người thoát Bắc đang ở Hàn Quốc những năm gần đây, Yang Jin-Do. Sử ký ngắn kỳ 535

[5] Khắc phục nghịch cảnh, những người thoát Bắc đạt được thành công ở Hàn Quốc. Nhật Báo Triều Tiên tiếng Trung 30/5/2016

[6] Tiếng nói của những phụ nữ thoát Bắc đang sống tại quán trà ngõ nhỏ. Nhật Báo Joong Ang Hàn Quốc 27/7/2016

[7] Thanh niên thoát Bắc nhìn thế giới. Tạp chí kinh tế Nhật Bản 21/2/2017

[8] 17 tuổi cao 1.4 mét, giấc mộng thay đổi chiều cao của thiếu niên thoát Bắc. Nhật Báo Triều Tiên tiếng Trung 28/6/2012

[9] Gián điệp Triều Tiên ngụy trang vào Hàn Quốc. Nhật Báo Triều Tiên tiếng Trung 13/9/2012

[10] Hàn Quốc đã chuẩn bị để đón nhận một số lượng lớn người thoát Bắc chưa? Nhật Báo Joong Ang Hàn Quốc 20/10/2016