Virus corona SARS đời thứ 2 (SARS-CoV-2) bùng phát tại Vũ Hán, dẫn tới dịch viêm phổi (COVID-19, tên thông thường là ‘Viêm phổi Vũ Hán’) đang không ngừng lan nhanh ra các nước trên thế giới. Nhưng Triều Tiên, nước láng giềng của Trung Quốc tính đến nay, vẫn chưa báo cáo có bất cứ trường hợp nào lây nhiễm. Theo đài truyền hình Al Jazeer, chuyên gia y tế cho rằng những người lây nhiễm trong biên giới của đất nước Triều Tiên nghèo khổ, sẽ rất khó được phát hiện.

Kaesong Trieu Tien
(Ảnh: Michal Huniewicz )

Dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ đã lan ra khắp 32 nước bao gồm cả Trung Quốc (theo SCMP), trong đó có 346 trường hợp tại Hàn Quốc (sáng ngày 22/2). Nhưng theo tờ báo “Rodong Sinmun” của Đảng Cộng sản cầm quyền Bắc Triều Tiên vào ngày 18/2 đã đưa tin rằng, 25 triệu người dân trên toàn quốc đều chưa có ai lây nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong cùng ngày cũng ủng hộ cách nhìn này. Quan chức WHO tại Geneva cũng biểu thị với phóng viên rằng “không có dấu hiệu cho thấy” Triều Tiên đã xuất hiện dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’.

Hãng truyền thông của Triều Tiên đăng tải hình ảnh cho thấy, nhân viên mặc quần áo bảo hộ đang tiến hành khử trùng tại nơi công cộng, còn có nhân viên y tế đang giáo dục cho người dân về tính chất nguy hiểm của virus corona SARS đời thứ 2. Triều Tiên sớm đã ngừng bay với Trung Quốc, hơn nữa còn tiến hành sàng lọc các du khách đến Bình Nhưỡng. Thậm chí quy định người Trung Quốc nhập cảnh từ Trung Quốc vào nước này nhất loạt đều phải cách ly một tháng, ngay cả quan chức ngoại giao và nhân viên cứu trợ cũng không ngoại lệ.

Mặc dù Trung Quốc chiếm khoảng 90% giao dịch ngoại thương của Bắc Triều Tiên, nhưng Triều Tiên vẫn đóng cửa đường biên giới dài 1.400 km giữa hai nước này. Liên đoàn quốc tế của Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ (IFRC), tuần trước cho biết, đã huy động 500 tình nguyện viên tới hỗ trợ kiểm dịch và công tác y tế tại 4 tỉnh giáp ranh biên giới của nước láng giềng Trung Quốc.

Đài truyền hình Al Jazeera trích dẫn bản tin của hãng truyền thông Hàn Quốc, chỉ ra rằng vài ngày gần đây, một vài người Triều Tiên đã tử vong với các triệu trứng tương tự như bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’, nhưng bản tin này không thể kiểm chứng. Một cựu quan chức ngoại giao vào năm 2016 đã rời khỏi Bắc Hàn, cũng cảm thấy ngờ vực về số liệu của giới chức Triều Tiên. Vì thông tin nội bộ và người dân Triều Tiên đều bị chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un kiểm soát chặt chẽ, nên các tổ chức quốc tế khó có thể kiểm chứng.

Tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Cát Lâm giáp ranh với Triều Tiên, tổng cộng đã có hơn 200 trường hợp chẩn đoán nhiễm ‘viêm phổi Vũ Hán’ được thông báo. Hơn nữa những người nhập cảnh hợp pháp và bất hợp pháp từ Trung Quốc vào Triều Tiên tương đối thường xuyên. Thêm vào đó, thời gian đầu Bắc Kinh đã trì hoãn thông báo về tình hình dịch bệnh, loài virus đáng ngại này e rằng sớm đã bất ngờ lây lan tới Triều Tiên?

Nicholas David Thomas, phó giáo sư trường đại học thành phố Hồng Kông kiêm chuyên gia an ninh y tế châu Á cho biết, mạng lưới chợ đen vùng biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc tương đối nhộn nhịp. Vậy nên chỉ cần một trong số những người buôn lậu mắc bệnh, cũng đủ lây lan, hơn nữa hai nước Trung Quốc và Triều Tiên đều không thể phát hiện ngay lập tức những trường hợp này.

Có phân tích cho rằng một khi virus thực sự xâm nhập vào Triều Tiên, chúng sẽ nhanh chóng phát tán. Hơn nữa ngoài thủ đô Bình Nhưỡng, thiết bị trong các cơ cấu y tế tại các khu vực khác đều thiếu hụt. Sự diễn biến của tình hình dịch bệnh sẽ khiến những người nào vốn sức khỏe yếu, dinh dưỡng kém sẽ rơi vào một nguy cơ lớn hơn.

John Linton, giám đốc Trung tâm Y tế Quốc tế Đại học Yonsei Hàn Quốc cho biết, nếu virus ‘viêm phổi Vũ Hán’ vào được Triều Tiên, một quốc gia vốn đã mất cân bằng và thiếu sự chăm sóc y tế, thì tỷ lệ tử vong sẽ được đẩy lên đáng kể. Hơn nữa, người dân địa phương bình thường dinh dưỡng đã kém, sẽ khiến tình hình nghiêm trọng hơn rất nhiều so với Trung Quốc.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, có 43% người Triều Tiên ở trong tình trạng dinh dưỡng kém, tổng cộng có khoảng 11 triệu người. Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm không được đảm bảo một cách phổ biến, thậm chí rất nhiều người còn thiếu nguồn nước sạch.

Theo chỉ số sức khỏe an toàn toàn cầu năm 2019 được trường Đại học Johns Hopkins của Mỹ công bố, Triều Tiên đứng cuối bảng trong 195 quốc gia về khả năng đáp ứng nhanh và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh. Nguồn năng lượng và an toàn y tế tổng thể của nước này cũng được xếp hạng 193.

Nhưng Edwin Ceniza Salvador, đại diện của WHO trú tại Bắc Hàn, biểu thị, WHO năm ngoái đã huấn luyện cho kỹ thuật viên và chuyên gia phòng thực nghiệm của Triều Tiên cách tiến hành xét nghiệm dịch cúm tại Hồng Kông. Từ ngày 30/12 năm ngoái tới 9/2 năm nay, Bộ Y tế Triều Tiên tổng cộng đã sàng lọc được 7.281 du khách nhập cảnh. Nhưng trong thời gian một tháng trước, từng phát hiện có 141 người bị sốt, những người này đều cho kết quả âm tính với virus ‘viêm phổi Vũ Hán’. Mặt khác, WHO cũng đã cung cấp những thiết bị như kính bảo hộ, khẩu trang và áo choàng phẫu thuật cho Triều Tiên.

Richard Blewitt, quan sát viên thường trú của Liên Hiệp Quốc về Liên đoàn quốc tế của Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ (IFRC) thẳng thắn chia sẻ rằng, Triều Tiên không có đủ tài nguyên đầy đủ để kháng cự lại bất kỳ dịch bệnh nào. Ông xác nhận là Chính phủ Bình Nhưỡng có một chút thuốc men và khẩu trang, nhưng số lượng thiết bị cần thiết để đối phó với bất kỳ dịch virus corona nghiêm trọng nào, về căn bản đều thiếu hụt. Do vậy chúng ta cần phải huy động.

Blewitt nói, IFRC đang xin dỡ bỏ chế tài để thuốc thử xét nghiệm, nhiệt kế và những thiết bị bảo hộ như quần áo bảo hộ, kính bảo hộ, khẩu trang được nhập vào Triều Tiên.

Do Triều Tiên bị Liên Hiệp Quốc và Mỹ chế tài, nên thậm chí máy tính cao cấp hơn bộ xử lý 486, cũng đều không được phép nhập vào nước này, mà đây là công nghệ xuất hiện vào cuối những năm 1980. Huống hồ máy tính là thiết bị cần thiết cho công nghệ y khoa tiên tiến.

Tuy nhiên, chính quyền Bình Nhưỡng lại áp dụng biện pháp mạnh, cấm người nước ngoài rời khỏi nhà để phòng dịch, cũng khiến đoàn viện trợ không còn đất dụng võ.

Minh Tú