Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói kết thúc chiến tranh ở Ukraine quan trọng hơn thắng thua. Ông đã cam kết, nếu được bầu làm tổng thống, sẽ gây áp lực để cả hai bên chấm dứt hành động thù địch và giải quyết xung đột nhanh chóng.

Donald Trump on CNN
Vào Thứ Tư (10/5), cựu Tổng thống Mỹ Trump đã tham dự sự kiện của CNN tại Tòa thị chính bang New Hampshire. (Ảnh chụp màn hình CNN)

Ngày 10/5, ông Trump tham gia chương trình “Hội nghị Tòa thị chính” do CNN tổ chức tại New Hampshire, ông nói: “Nếu tôi là tổng thống, tôi sẽ giải quyết cuộc chiến này trong một ngày, giải quyết trong 24h.”

“Làm thế nào để ông giải quyết cuộc chiến này trong một ngày?”, người dẫn chương trình Kaitlan Collins hỏi.

Ông Trump cho biết ông sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ông nói: “Cả hai bên đều có điểm yếu và điểm mạnh, và trong vòng 24h, cuộc chiến này sẽ được giải quyết. Tất cả sẽ kết thúc.”

“Ông có muốn Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến không?”, người dẫn chương trình Kaitlan Collins hỏi.

Ông Trump trả lời: “Tôi không lấy thắng thua để nghĩ [về cuộc chiến này], điều tôi nghĩ là giải quyết nó, để chúng ta ngừng việc giết chóc những người này.”

Quan điểm của ông Trump hoàn toàn trái ngược với phần lớn phe chính trị kiến chế (The Establishment), vốn đã bị mắc kẹt trong sự phân đôi mâu thuẫn.

Thay vì trực tiếp khẳng định hoặc bác bỏ sự phân đôi này, lập trường của ông Trump ưu tiên cuộc sống của những người dân thường Ukraine và Nga. Họ đều không phải là những người phát động chiến tranh và có thể không muốn cuộc chiến này.

Khán giả chương trình bao gồm cả các đảng viên Cộng hòa và cử tri trung dung ở New Hampshire, đã cổ vũ và tán thưởng câu trả lời này của ông Trump.

Người dẫn chương trình Kaitlan Collins ngắt lời ông Trump để hỏi một câu hỏi tiếp theo. Tuy nhiên, khi ông Trump ngầm đồng ý, cô đã không theo dõi câu trả lời của ông ấy. Thay vào đó, cô quay trở lại mô thức phe kiến chế, lặp lại cùng một câu hỏi: “Ông muốn Ukraine hay Nga chiến thắng trong cuộc chiến?”

“Tôi hy vọng không còn ai chết nữa, họ đang chết dần, [cả] người Nga và Ukraine”, ông Trump nói.

Trump đã nhắc lại quan điểm trước đó trong cuộc trò chuyện, tức nếu ông ấy còn ở Nhà Trắng, thì ông Putin sẽ không xâm lược Ukraine.

“Tất cả những người đã chết, cho dù họ là người Nga hay Ukraine, hôm nay họ sẽ không chết, tất cả những thành phố bị ném bom, bị san bằng –  tất cả những điều này sẽ không xảy ra [nếu tôi còn ở Nhà Trắng].”

Cô Kaitlan Collins hỏi ông Trump rằng liệu ông có coi ông Putin là “tội phạm chiến tranh” không.

Ông Trump trả lời: “Tôi cho rằng hiện tại không nên thảo luận về vấn đề này. Vấn đề này nên để thảo luận sau.”

Ông Trump giải thích: “Nếu ông ấy là một tội phạm chiến tranh, vậy thì việc ngăn chặn chiến tranh sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vì nếu ông ấy là tội phạm chiến tranh, người ta sẽ bắt và xử tử ông ấy, nên ông ấy sẽ chiến đấu quyết liệt hơn so với hiện giờ. Cho nên đó là chuyện sau này thảo luận. Hiện giờ, chúng ta cần giải quyết cuộc chiến này.”

Cuối cùng, cô Collins không thể thuyết phục ông Trump nói rõ quan điểm của mình theo cách cô mong muốn.

Ảnh hưởng toàn cầu

Cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra ảnh hưởng đến toàn cầu. Ngoài những gì như ông Trump nói là thiệt hại nhân mạng (điểm này bị đánh giá thấp), cuộc chiến đã ảnh hưởng đến thương mại ngũ cốc và phân bón, trong đó Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu quan trọng. Chiến tranh cũng đẩy giá dầu ở phương Tây lên cao, đồng thời khiến dầu của Nga rẻ hơn với các nước vẫn nhập khẩu dầu Nga, đặc biệt là Trung Quốc.

Mỹ và Liên minh Châu Âu đã đầu tư các nguồn tài chính và quân sự đáng kể vào cuộc xung đột, ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của chính họ để đối mặt với các kẻ thù khác, đặc biệt là Trung Quốc Cộng sản, nước vẫn luôn nhăm nhe xâm chiếm Đài Loan.

Ông Trump nói về những vấn đề này từ hai góc độ.

Đầu tiên, ông nói, “Chúng ta đã cung cấp quá nhiều thiết bị quân sự (cho Ukraine) đến nỗi chính chúng ta cũng cạn kiệt đạn dược.”

Sau đó, ông chỉ trích cam kết ủng hộ của EU đối với Ukraine là một phần nhỏ so với Mỹ.

Ông nói: “Tôi muốn châu Âu lấy ra nhiều tiền hơn vì họ đang cười nhạo chúng ta. Họ nghĩ chúng ta là một lũ ngốc, chúng ta đang trao 170 tỷ USD cho một quốc gia ở rất xa, còn họ thì ở ngay bên cạnh. Họ chỉ chi 20 tỷ đô la. Tôi không nghĩ là nên [chỉ bỏ ra] như vậy.”

Bản chất của chính sách đối ngoại của ông Trump

Mặc dù Trump không nêu chi tiết kế hoạch giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng ông đã vạch ra một phương hướng. Đó là đặt mạng sống lên hàng đầu, thay vì tuyên bố kẻ thắng người thua.

Nếu chỉ đơn giản coi chấm dứt chiến sự là mục tiêu cuối cùng, Mỹ có sức ảnh hưởng đối với cả Ukraine và Nga. Ukraine có thể không thể tiếp tục chiến đấu nếu không có sự hỗ trợ tài chính và quân sự của Mỹ.

Về phía Nga, ông Trump đã thúc đẩy Liên minh châu Âu chi nhiều tiền hơn cho các cuộc chiến, đây có thể là một con bài mặc cả với ông Putin.

Hiển nhiên, việc ông Trump sẵn sàng nói chuyện với ông Putin là một dấu hiệu nữa cho thấy ông sẵn sàng chấp nhận ông Putin như một bên của cuộc hòa giải.

Trong khi thái độ của ông Trump đối với ông Putin dường như trở nên tồi tệ, nhưng ông không kêu gọi lật đổ ông Putin.

“Theo tôi, Putin đã phạm một sai lầm nghiêm trọng”, ông nói trong chương trình.

“Ông ấy đã phạm sai lầm gì?”, người dẫn chương trình hỏi.

Ông trả lời: “Sai lầm của ông ấy là phát động chiến tranh. Nếu tôi là tổng thống, ông ấy đã không phát động chiến tranh. Chúng tôi đã từng thảo luận về vấn đề này”.

Ông Trump cũng trích dẫn một loạt thành tựu chính sách đối ngoại của chính mình.

Bắc Triều Tiên rất khiêu khích khi ông Trump mới nhậm chức. Theo báo cáo, cựu Tổng thống Barack Obama trong cuộc trò chuyện riêng tư với ông Trump, đã nói rằng Triều Tiên là “vấn đề cấp bách nhất” mà ông Trump sẽ phải đối mặt.

Đầu tiên, ông Trump leo thang tình hình, trao đổi những lời chế nhạo và đe dọa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Sau đó, ông mở ra các cuộc đàm phán và giảm leo thang tình hình, và đến cuối nhiệm kỳ của mình, Triều Tiên không còn là mối lo ngại của Mỹ. Ông được biết đến là tổng thống đầu tiên bước vào khu vực phi quân sự giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

Trong một thành tựu quan trọng khác, chính quyền của ông đã đàm phán Hiệp định Abraham, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập. Trước đây, giới hoạch định chính sách đối ngoại phe kiến chế nhìn chung đã bác bỏ một việc lớn như vậy là không khả thi.

Về phía Nga, ông Putin đã đạt được rất ít tiến triển trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump. Đây là một thực tế mà ông Trump đã nhiều lần viện dẫn để ủng hộ tuyên bố của ông rằng ông Putin không xâm lược Ukraine trong nhiệm kỳ của mình.

Một yếu tố quan trọng là ông Trump đã cố gắng giữ giá dầu ở mức thích hợp trong phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của mình, ngăn cản Nga tăng doanh thu đáng kể.