Thủ tướng Đức Angela Merkel trông kiệt sức, căng thẳng khi bà đến trụ sở chính của đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) dự tiệc mừng chiến thắng sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

Người dân Berlin biểu tình chống lại đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) sau khi đảng này lần đầu có ghế tại quốc hội. 

Như thường lệ bà Merkel dành nụ cười đầu tiên cho cánh phóng viên khi bước xuống từ xe riêng và sau đó là những nụ cười đáp lễ đám đông người ủng hộ trung thành đang tập hợp tại trụ sở CDU.

Thủ tướng Đức đã biết chắc chắn bà sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, thực tế không phải là một chiến thắng trọn vẹn như bà Merkel và đảng của bà đã kỳ vọng. Đây được coi là kết quả bầu cử tệ hại nhất của liên minh CDU dưới sự lãnh đạo của bà Merkel trong suốt 12 năm qua. Có lẽ đó là hình phạt cho quyết định của bà trong việc mở cửa biên giới nước Đức cho một triệu người tị nạn.

Phát biểu tại bữa tiệc, bà Merkel đã thừa nhận rằng đã gặp khó khăn trong 4 năm qua. Tuy nhiên dù sao đảng CDU vẫn đạt được mục tiêu đề ra của mình – kết thúc ở vị trí dẫn đầu.

Tiếng hò reo của tiệc mừng chiến thắng có chút âm thanh của sự trống rỗng. Bởi vì câu chuyện chiến thắng thực sự của cuộc bầu cử năm nay thực tế đang thuộc về đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD).

Bên trong thành phố Berlin, trong một căn phòng với đầy những quả bóng khí màu xanh dương và trắng, các thành viên của đảng chống nhập cư, bài EU mở tiệc chúc mừng vì họ rõ ràng đã không chỉ lần đầu có ghế tại quốc hội Đức, mà họ còn chiếm số ghế nhiều thứ ba tại cơ quan lập pháp Bundestag, chỉ xếp sau đảng CDU của bà Merkel và đối thủ lớn nhất của Thủ tướng Đức, đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Ông Alexander Gauland, một trong những lãnh đạo của AfD – và bây giờ là một nghị sĩ quốc hội, phát biểu một cách đầy tự hào trước đám đông đang hân hoan rằng đảng của ông sẽ giám sát chặt chẽ bà Merkel.

Lấy lại đất nước và con người” – một khẩu hiệu tranh cử của AfD, là một lời hùng biện bất thường đối với nước Đức hậu Thế chiến II.

Chiến dịch tranh cử cực đoan công khai của AfD, tiến hành những hoạt động gây hấn, làm ảnh hưởng tới một số buổi tập trung chiến dịch của bà Merkel, tất cả đều là những điều gần như không có tiền lệ. Nước Đức có thể đang phải đón nhận một thời điểm bước ngoặt. Bên ngoài bữa tiệc chiến thắng, các sĩ quan cảnh sát phải giám sát chặt chẽ những người biểu tình chống AfD – họ đang bày tỏ thái độ chống lại cái mà nhiều người Đức cho là một sự phát triển chính trị gây sốc.

Đã có chia rẽ, bất mãn xảy ra tại Berlin – trái tim của nước Đức sau cuộc tổng tuyển cử năm nay. Trong số đám đông người dân đang xem một cuộc thi chạy marathon do chính quyền Berlin tổ chức trong ngày bầu cử, một người đàn ông đã nói với phóng viên BBC rằng ông thực sự cảm thấy kinh hoàng với sự nổi lên của những người dân tộc cánh hữu.

Người đàn ông này nói rằng: “Họ giống như Đức Quốc xã dưới thời Hitler vậy. Tôi sinh vào năm 1939. Tôi là một đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh. Tôi đã lớn lên trong tàn tích và bây giờ chúng tôi lại nhận được điều tương tự một lần nữa. Họ là tội phạm. Tôi đã luôn luôn bỏ phiếu cho CDU và tôi ủng hộ bà Angela Merkel”.

Bà Merkel hiện tại sẽ phải tìm các đối tác để thành lập chính phủ liên minh. Tất nhiên bà sẽ không mời AfD. Bà cũng phải thuyết phục nhân dân Đức – có lẽ cả một số người trong nội bộ CDU – rằng bà vẫn là người phụ nữ phù hợp đảm nhận vai trò Thủ tướng.

Trải qua một chiến dịch tranh cử dài và khó khăn, bà Merkel đã có thể chiến thắng, nhưng đó không phải là một chiến thắng trọn vẹn đáng lẽ phải đến theo dự kiến của bà.

Cuộc bầu cử này với nhiều người Đức có thể là một bước lùi của lịch sử vì hai lý do. Bà Angela Merkel có thể đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp nhưng đây là kết quả tổng tuyển cử tệ hại nhất mà bà từng trải qua. Và sau đó là sự nổi lên của những người dân tộc chủ nghĩa cánh hữu, bây giờ họ đã là một phần của quốc hội Đức.

Những điều là chuẩn mực chính trị trong nhiều quốc gia Châu Âu khác đã từng được coi là không thể tưởng tượng nổi nếu diễn ra ở nước Đức hậu Thế chiến II, bây giờ đã không còn là điều xa lạ với đất nước này nữa.

Yên Sơn (theo BBC)

Xem thêm: