Ngày 2/5, Điều III Đạo luật Helms-Burton chính thức có hiệu lực, cho phép công dân Mỹ gốc Cuba khởi kiện các tổ chức và cá nhân nước ngoài về tài sản bị chính quyền Fidel Castro tịch thu kể từ khi lên cầm quyền. Đã có những đơn kiện đầu tiên.

Dai su quan My tai Cuba
Đại sứ quán Mỹ tại Havana, Cuba (Ảnh qua WT News)

Điều III Đạo luật Helms-Burton là gì?

Quyền khởi kiện tài sản bị chính quyền Cuba tịch thu sau cuộc cách mạng năm 1959 là một trong những yêu sách lâu dài của các thế hệ người Mỹ gốc Cuba lớn tuổi.

Nội dung trên nằm trong Điều III, Đạo luật Helms–Burton, cho phép công dân Hoa Kỳ truy tố các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động đầu tư, buôn bán trên tài sản của họ nhưng bị chính quyền Cuba tịch thu sau cuộc cách mạng XHCN năm 1959.

Đạo luật cũng trao cho Tổng thống Mỹ thẩm quyền đình chỉ các điều khoản kiện trong thời hạn 6 tháng nếu cần thiết cho lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Kể từ khi được thông qua vào năm 1996, do “tính chất nhạy cảm” vì khả năng gây chia rẽ đối với các đồng minh và lo ngại có thể tạo ra hỗn loạn trong hệ thống toà án, các đời Tổng thống Mỹ kể từ Bill Clinton đã liên tiếp ký lệnh đình chỉ Điều III với thông lệ 6 tháng/ lần.

Đầu tháng 5/2019, Tổng thống Donald Trump sau nhiều lần cân nhắc đã quyết định không ký đình chỉ Điều III nữa, có nghĩa là từ 2/5, Điều III chính thức có hiệu lực.

Việc kích hoạt lại đạo luật sau ngày 1/5 được dự báo sẽ khiến các đơn kiện liên quan đến hàng tỉ USD đổ về các tòa án Mỹ, mặc dù nó có thể làm phật lòng các đối tác liên minh châu Âu và Canada do những nước này có nhiều cổ phần ở Cuba.

Đây được cho là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế kế hoạch tập trung đang đình trệ và đầy khủng hoảng của Cuba, trong bối cảnh nước này đang cần đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết.

>> Mỹ xem xét việc tái khởi động Đạo luật cấm vận nặng nề với Cuba

Đã có những đơn kiện đầu tiên

Sau khi Điều III chính thức có hiệu lực, đã có những đơn kiện đầu tiên được gửi cho Toà án Mỹ.

Các nguồn tin cho biết, một tòa án liên bang ở Miami, thủ phủ bang Florida, Mỹ, đã tiếp nhận 2 đơn kiện chống lại Carnival Cruise Lines của công dân Javier Garcia Bengochea, công dân Mỹ gốc Cuba, người được xác định là chủ sở hữu của bến cảng tại tỉnh miền Đông Santiago de Cuba.

Ngoài ra, tòa án này cũng tiếp nhận một đơn kiện khác của một công ty mang tên Havana Docks Corporation, doanh nghiệp nhận là “chủ sở hữu hợp pháp của hàng trăm bất động sản thương mại” tại Cảng La Habana.

Cũng trong ngày 2/5, Tập đoàn Dầu khí Mỹ Exxon Mobile cũng nộp đơn lên tòa án liên bang ở thủ đô Washington kiện Tập đoàn thương mại nhà nước Cuba và Công ty dầu mỏ nhà nước Cuba (Cupet). Exxon Mobile tuyên bố có chứng nhận của Ủy ban giải quyết các khiếu nại đòi bồi thường, trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, đối với các tài sản bị quốc hữu hóa ở Cuba, bao gồm các nhà máy lọc dầu và các trạm dịch vụ xăng dầu mà hiện tại vẫn đang hoạt động tại Cuba.

Chính phủ Cuba đã phát động làn sóng tịch thu và quốc hữu hóa sau cuộc cách mạng năm 1959. Những dải đất rộng lớn của hòn đảo đã bị Nhà nước dưới thời Fidel Castro tịch thu từ các tập đoàn của Hoa Kỳ, công dân Hoa Kỳ và người Cuba.

Nhiều trong số những tài sản đó, từ khách sạn lớn đến đồn điền, đường xá, cảng và sân bay hiện được sử dụng trong các liên doanh giữa chính phủ Cuba và các công ty, chủ yếu là châu Âu và châu Á.

Phản ứng trước sự việc trên, Chính phủ Cuba đã liên tiếp bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. La Habana khẳng định điều luật ngoài lãnh thổ trên của Mỹ là bất hợp pháp, vi phạm Luật Quốc tế, không thể thực thi và cũng không có giá trị pháp lý hay hiệu lực tại Cuba.

Bảo Minh

Xem thêm: