Sau khi Hạ viện Dân chủ chính thức bỏ phiếu đơn đảng thông qua nghị quyết điều tra hướng tới phế truất Tổng thống Mỹ Donald Trump, đảng Cộng hòa đang thúc giục phe Dân chủ phải công khai danh tính của người tố giác ẩn danh.

Embed from Getty Images

Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cho rằng việc biết rõ danh tính của người tố giác là quan trọng đối với tiến trình điều tra luận tội, trao cho ông Trump quyền được đối mặt với người cáo buộc ông và tìm hiểu xem người tố giác này có thiên kiến chính trị hay không.

Trong khi đó, đảng Dân chủ tranh luận rằng những nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm công khai danh tính người tố giác là vi phạm luật liên bang và là “trò chơi nguy hiểm” có thể gây tổn hại cho sự an toàn của người tố giác.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cho hay: “Những đồng minh của tổng thống [Trump] không muốn gì hơn ngoài việc giúp tổng thống công khai người tố giác này. Ủy ban của chúng tôi sẽ không tham gia vào việc đó. Họ [những người tố giác] có quyền ẩn danh. Họ chắc chắn không nên phải chịu những cuộc tấn công tàn độc này.

Đảng Dân chủ và luật sư của người tố giác cũng lưu ý rằng các nhân chứng khác đang khai chứng trong cuộc điều tra luận tội đã xác nhận các cáo buộc trong bản khiếu nại ban đầu của người tố giác. Một số nhân chứng thậm chí đã đưa ra thông tin mới vượt ngoài các cáo buộc ban đầu đó.

Đảng Dân chủ nói rằng những quan chức ngoại giao tham gia các buổi khai chứng kín đã đưa ra các thông tin ủng hộ các cáo buộc của người tố giác và điều này giúp loại bỏ lập luận của đảng Cộng hòa cho rằng cáo buộc của người tố giác là không đáng tin cậy vì đó là thông tin thứ cấp. Từ đó, đảng Dân chủ lập luận rằng hiện tại việc khai chứng của người tố giác không còn cần thiết với cuộc điều tra của họ nữa.

Vì chúng tôi đã chứng thực được mọi thứ người tố giác đưa ra, nên nếu người tố giác khai chứng, thì sẽ đặt cuộc sống của anh ta vào tình thế nguy hiểm nghiêm trọng. Và vì vậy câu hỏi đặt ra là… liệu cuộc sống của người tố giác có ít giá trị hơn [một buổi khai chứng] không cần thiết hay không? Và quan điểm của chúng tôi bây giờ là không,” Dân biểu Dân chủ Eric Swalwell, thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện nói với CNN tuần này.

Về phần ông Trump, Tổng thống nói rằng ông sẽ nỗ lực lật mặt danh tính người tố giác, gọi người này là “gián điệp” với mục đích phản quốc. Và các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội cũng nhiệt thành tham gia nỗ lực này của ông Trump.

Tranh cãi về công khai hay giữ bí mật danh tính của người tố giác có lẽ sẽ leo thang trong vài tuần tới khi các cuộc khai chứng tại Hạ viện chuyển từ kín sang công khai.

Theo The Hill, hai ông Andrew Bakaj và Mark Zaid, luật sư của người tố giác mới đây phát đi tuyên bố khẳng định rằng họ sẽ “không xác nhận hoặc phủ nhận” danh tính khách hàng của họ.

Cả luật người tố giác liên bang và Đạo luật Quyền Riêng tư 1974 đều bảo vệ ẩn danh cá nhân trong nhánh hành pháp, luật sư Zaid nói.

Tuy nhiên, không điều gì trong luật pháp Mỹ cấm các thành viên Quốc hội, hoặc bản thân Tổng thống tiết lộ danh tính của một người tố giác ẩn danh nếu cá nhân này không phải là một điệp viên bí mật. Điều đó có nghĩa rằng các nhà lập pháp Mỹ hoàn toàn có thể lựa chọn việc công khai danh tính của người tố giác tổng thống Trump, nếu họ lựa chọn cách làm đó.

Dân biểu Cộng hòa Mark Meadows, Kevin McCarthy và các đồng minh khác của ông Trump đã tuyên bố rằng chỉ duy nhất một thành viên trong Quốc hội Mỹ biết danh tính của người tố giác, đó là ông Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, người lãnh đạo cuộc điều tra luận tội ông Trump. Ông Schiff được là biết rõ người tố giác bởi vì nhân vật ẩn danh này sau khi liên lạc với luật sư của CIA, đã dấy lên các quan ngại với một nhân viên của ông Schiff tại Ủy ban Tình báo. Tất cả những liên lạc này đều được thực hiện trước khi người tố giác ẩn danh chính thức nộp bản khiếu nại vào ngày 12/8.

Xuân Thành

Xem thêm: