Nga đang phát triển một loạt nền tảng vũ khí tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là một phần của nỗ lực đầy tham vọng được hỗ trợ bởi hợp tác công nghệ cao với nước láng giềng Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Phạm vi ưu tiên của Nga trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm hiện đại hoá quân đội đã được mô tả nổi bật trong một báo cáo có tiêu đề “Trí tuệ nhân tạo với quyền tự chủ ở nước Nga,” được công bố hôm thứ Hai bởi nhóm phân tích và nghiên cứu phi lợi nhuận CNA đặt tại Arlington, Virginia. 

“Các nhà chiến lược quân sự Nga đặt ưu tiên đặc biệt cho việc thiết lập điều họ gọi là “ưu thế của thông tin trong chiến trận,” báo cáo tuyên bố, “và các công nghệ AI được tăng cường hứa hẹn sẽ lợi dụng dữ liệu có sẵn trong chiến tranh hiện đại để bảo vệ quân đội của nước Nga.”

Mặc dù có những thách thức đáng kể và một số quan điểm dè dặt đối với việc nhường khả năng ra quyết định quan trọng cho trí tuệ nhân tạo và tránh dùng trí tuệ con người, báo cáo cho biết đã có những tín hiệu cho thấy nỗ lực của Nga nhằm giới thiệu các khả năng tiên tiến như vậy đang được tiến hành rất tốt. 

Báo cáo cũng tiết lộ nơi cung cấp các dữ liệu quan trọng đến từ Trung Quốc, được ghi nhận là “đối tác chính của Nga trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng.”

Sự hợp tác này nằm trong quan hệ đối tác chiến lược đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tạo điều kiện thuận lợi, bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn các đối thủ bằng nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau.

Samuel Bendett, từng là cố vấn cho báo cáo và là thành viên của trung tâm CNA về tự động và AI, cho rằng phần lớn sự hợp tác của Moscow và Bắc Kinh diễn ra bên ngoài lĩnh vực quốc phòng.

Đồng thời, quan hệ quân sự ngày càng gia tăng của hai nước đã mở cánh cửa cho việc cùng hợp tác toàn diện hơn.

“Hầu hết tác động của mối quan hệ này được thấy trong lĩnh vực dân sự,” ông Bendett nói với Newsweek. “Đồng thời, có bằng chứng về các cuộc tiếp xúc song phương ngày càng phát triển trong lĩnh vực quân sự nói chung, như tham gia các cuộc tập trận cấp chiến lược như Vostok.” 

Ông nhấn mạnh việc Nga hợp tác giúp Bắc Kinh xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm cho tên lửa như một ví dụ về mức độ tin tưởng đã được nâng cao giữa hai nước vốn từng đối đầu thời Chiến tranh Lạnh. 

Triển vọng của việc tích hợp AI ở đây “nên được giám sát chặt chẽ, khi cả hai nước đang tìm cách tăng cường C4ISR của mình [một từ viết tắt đề cập đến khả năng chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát], và khi cả hai nước công bố con số các cuộc diễn tập và tập trận quân sự song phương ngày càng tăng,” ông Bernett cho biết.

Nhưng khi các dự án chung được thúc đẩy trong hiệp ước lịch sử giữa Putin và Tập, nhà nghiên cứu khoa học cấp cao Jeffrey Edmonds lưu ý rằng ngày càng khó đoán một cách chính xác hai cường quốc đang thực sự làm điều gì. “Điều chúng tôi đang nhận thấy là hợp tác quốc phòng đang ngày càng sâu sắc, nhưng dường như cũng trở nên ngày càng kín đáo hơn.”

Báo cáo của Bendett và Edmonds bao gồm một danh sách khoảng hai chục nền tảng đang được giới quân sự Nga phát triển, trong dó có tích hợp mức độ AI và tự động hóa nào đó. Chúng gồm các phương tiện trên đất, trên không và trên biển, cũng như các loại thuỷ lôi chuyên dụng và thậm chí một người máy nhân tính hoá được cho là có khả năng bắn súng với cả hai tay, lái xe và di chuyển trên không.

Đồng thời, báo cáo cũng liệt kê những bổ sung kết nối AI với những phức hệ quản lý thông tin và ra quyết định, các thiết bị và cung ứng hậu cần cho quốc phòng, và các hệ thống huấn luyện và gia công quân sự của quân đội Nga. 

Báo cáo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo rằng đất nước đã bắt đầu sản xuất người máy có các khả năng quân sự được tự động hoá. 

Theo hãng tin nhà nước Tass của Nga, ông Shoigu cho biết trong cuộc thi kiến thức trực tuyến Knew Knowledge rằng Nga “đã bắt đầu sản xuất hàng loạt người máy chiến đấu. Đó không chỉ đơn giản là thử nghiệm, mà những người máy này giống như xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, vì chúng có khả năng tự chiến đấu.”

Ông đồng thời đề cập đến sự phát triển của “cái gọi là vũ khí của ngày mai,” điều được ông cho là “đang được tiến hành trên quy mô lớn.”

Có lẽ thứ đáng chú ý nhất trong kho vũ khí đang được nâng cấp của Nga là loạt vũ khí có khả năng hạt nhân được ông Putin giới thiệu trong bài phát biểu “bốc lửa” hồi tháng 3/2018, quảng bá loại công nghệ có thể vượt trội hơn và thắng được cả những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất thế giới. Chúng bao gồm phương tiện lượn vượt âm Avangard, ngư lôi trang bị thiết bị không người lái dưới nước Poseidon và tên lửa đạn đạo siêu thanh phóng trên không Kinzhal.

Báo cáo của CNA cho biết việc tích hợp AI và các tính năng tự động khiến các loại vũ khí trở nên nguy hiểm hơn, và cũng đặt ra nhiều chướng ngại mới nhằm ngăn chặn những khả năng như vậy. 

CNA trích dẫn một báo cáo gần đây của Viện Vật lý và Công nghệ Moscow, cho biết doanh thu phát sinh từ hoạt động liên quan đến AI tại Nga đang tăng với tốc độ nhanh gấp 10 lần GDP của đất nước. Tuy vậy, con số này chưa là gì so với Trung Quốc, nước này tài trợ cho nghiên cứu về AI ở mức cao hơn Nga 350 lần, và chỉ đứng sau Mỹ về việc làm trong lĩnh vực AI. 

Mức độ cả Nga và Trung Quốc chạy đua để nắm được những năng lực mới của AI đã khiến một số nhà lập pháp Mỹ lo lắng. Năm 2018, Uỷ ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ nhân tạo được thiết lập nhằm xem xét toàn cảnh mối đe dọa khi bàn đến các đối thủ cạnh tranh đang vũ khí hoá AI. 

Và trong khi một số nhà phân tích tiên đoán mối quan hệ nồng ấm của Moscow và Bắc Kinh có khả năng hạ nhiệt, báo cáo kết luận rằng “chưa có một dấu hiệu bất hoà nào cho tới nay,” và trên thực tế, quỹ đạo các hợp tác chung của hai nước đang ngày càng tích cực ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Xuân Lan (theo Newsweek)

Xem thêm: