Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm thứ Tư (2/3) cho biết, ông sẽ ngay lập tức mở cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh có thể xảy ra ở Ukraine, theo yêu cầu của một số lượng lớn các quốc gia thành viên của tòa án.

Embed from Getty Images

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24/2 hiện vẫn chưa lật đổ chính quyền ở Kiev, nhưng hàng nghìn người được cho là đã thiệt mạng hoặc bị thương, theo số liệu thống kê của các quan chức ở cả hai nước và Liên Hợp Quốc.

“Các cuộc điều tra tích cực chính thức bắt đầu ở Ukraine sau khi nhận được đề cử từ 39 quốc gia thành viên,” công tố viên Karim Khan đã viết trên Twitter.

Việc đề cử của các quốc gia thành viên giúp đẩy nhanh tiến độ của cuộc điều tra vì nó cho phép công tố viên không cần phải tìm kiếm sự chấp thuận của tòa án ở The Hague, có thể bỏ qua quy trình vốn có thể kéo dài nhiều tháng. Công tố viên Karim cho biết hôm 2/3, ông mong muốn có được sự chấp thuận của tòa án đối với các cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Văn phòng công tố sẽ bắt đầu thu thập bằng chứng cho “bất kỳ cáo buộc nào trong quá khứ và hiện tại về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người hoặc tội ác diệt chủng được thực hiện trên bất kỳ phần nào của lãnh thổ Ukraine bởi bất kỳ người nào”, ông Khan nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014 và các cuộc giao tranh tiếp theo diễn ra ở miền Đông Ukraine giữa phe ly khai thân Nga và lực lượng Chính phủ Ukraine, Ukraine đã chấp nhận quyền tài phán của ICC đối với các tội ác chống lại loài người và tội phạm chiến tranh trên lãnh thổ của mình kể từ cuối năm 2013.

Vào tháng 12/2020, văn phòng công tố tuyên bố, họ có lý do để tin rằng tội ác chiến tranh và các tội ác khác đã được thực hiện trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, nhưng yêu cầu điều tra đầy đủ đã không được đệ trình.

Nga không phải là thành viên của ICC và đã từ chối quyền tài phán của mình.

Tòa án có thể điều tra các cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người được thực hiện trên lãnh thổ Ukraine, cho dù quốc tịch của những thủ phạm bị nghi ngờ là thuộc nước nào.

Minh Ngọc (Theo Reuters)