Gần đây, một công ty công nghệ Hoa Kỳ đã kiện Huawei vì tội ăn cắp bí mật thương mại, và cáo buộc Huawei gây áp lực buộc họ phải cài đặt “cửa sau” trong phần mềm của Chính phủ Pakistan, nhằm mục đích lấy được thông tin nhạy cảm ở nước này.

shutterstock 1430577905
(Nguồn: Shutterstock)

Tờ Wall Street Journal ngày 14/8 đưa tin, công ty phần mềm Mỹ BES (Business Efficiency Solutions LLC), đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án quận Hoa Kỳ ở Santa Ana, California vào ngày 11/8, cáo buộc Huawei yêu cầu hãng này thiết lập một hệ thống ở Trung Quốc, cho phép Huawei truy cập thông tin nhạy cảm về an ninh quốc gia của Pakistan và dữ liệu cá nhân của công dân nước này.

Bộ An ninh Pakistan cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về vấn đề trên.

Theo hãng tin công nghệ Anh The Register đưa tin vào ngày 13/8, công ty BES đã chỉ ra trong đơn kiện rằng công ty bắt đầu hợp tác với Huawei từ năm 2016 để đại tu các hệ thống CNTT có sẵn cho Bộ Chỉ huy Tích hợp Cảnh sát Punjab, Trung tâm Điều khiển và Truyền thông (PPIC3) của Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab của Pakistan. Hồ sơ pháp lý tuyên bố, Huawei đã sử dụng Hệ thống trao đổi dữ liệu của BES “để tạo ra một cửa hậu nhằm lấy dữ liệu an ninh quốc gia quan trọng ở Pakistan và giám sát công dân Pakistan.” 

Trong số các bằng chứng kiện tụng, có một email ngày 28/3/2017 của người sáng lập và Giám đốc điều hành BES Javed Nawaz, yêu cầu Huawei phải được cảnh sát Punjab (PPIC3) chấp thuận bằng văn bản rằng họ đồng ý lưu trữ dữ liệu ở Trung Quốc, đồng thời nhân viên BES sẽ chờ hướng dẫn trước khi cập nhật hệ thống trao đổi dữ liệu của máy chủ Trung Quốc.

Thư trả lời nhận được vào ngày hôm sau, Huawei nói rằng “không cần thiết phê duyệt”. Đơn khiếu nại chỉ ra rằng Huawei sau đó cho biết họ đã nhận được sự chấp thuận từ Chính phủ Pakistan, nhưng không cung cấp tài liệu nào về việc đó.

“Huawei đe dọa rằng nếu BES không cài đặt ‘cửa hậu’ ở Trung Quốc, họ sẽ chấm dứt hợp đồng và ngừng thanh toán các khoản nợ”, đơn kiện cho biết. “Trước những tuyên bố khẳng định của Huawei rằng họ đã được sự chấp thuận của Chính phủ Pakistan, hệ thống DES trùng lặp đã được lắp đặt tại Trung Quốc.”

Đơn kiện đề cập rằng mục đích ban đầu của dự án PPIC3 là hiện đại hóa hơn nữa công nghệ có sẵn của cảnh sát địa phương. Các công ty như Motorola và Nokia cũng tham gia quá trình đấu thầu dự án.

Huawei bị đánh giá là thiếu khả năng kỹ thuật để đấu thầu, nhưng tại thời điểm đó, Huawei và BES đã đạt được thỏa thuận hợp tác – Huawei đã ký hợp đồng phụ công việc phát triển hệ thống cho BES. Sự tham gia của BES đóng một vai trò lớn trong lý do tại sao Huawei có thể có được dự án phát triển trị giá 150 triệu USD này.

BES cũng cáo buộc Huawei đánh cắp bí mật thương mại: “Sau khi Huawei có được bí mật thương mại có giá trị của BES và các quyền sở hữu trí tuệ khác, Huawei đã sử dụng kiến ​​thức về công nghệ của BES để bắt đầu bí mật mua sắm một số phần nhất định của hệ thống phần mềm BES từ các nguồn khác – bao gồm từ các nhà cung cấp mà BES đã xác định cho Huawei”, đơn kiện cho biết.

Trong những năm qua, việc Huawei lắp đặt “cửa hậu” trên thiết bị của mình và đánh cắp bí mật thương mại đã là vấn đề gây lo ngại.

Tờ Wall Street Journal của Hoa Kỳ đưa tin vào tháng 2/2020 rằng Hoa Kỳ có bằng chứng cho thấy Huawei đã giữ lại “cửa hậu” trong thiết bị viễn thông của mình kể từ kỷ nguyên 4G vào năm 2009, nhưng các công ty viễn thông mua thiết bị của Huawei không biết gì về điều đó.

Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đang tháo dỡ thiết bị của Huawei, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Vương quốc Anh, Canada, Pháp… 

Hoa Kỳ đã thông qua chương trình trợ cấp 1,9 tỷ USD vào giữa tháng Bảy để hỗ trợ các công ty viễn thông Hoa Kỳ tháo dỡ thiết bị từ các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE – các công ty được coi là đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, để đối phó với hành vi trộm cắp bí mật thương mại của Huawei và Quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu hạn chế các công ty Hoa Kỳ và các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ và thiết bị của Hoa Kỳ cung cấp chip cho Huawei vào ngày 15/9/2020.

Theo Trương Ngọc Khiết, Epoch Times

Xem thêm: