Báo cáo độc quyền của CNN ngày 14/6 cho biết, chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc đang nâng cao các giới hạn có thể chấp nhận được đối với việc phát hiện bức xạ bên ngoài Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) ở tỉnh Quảng Đông để tránh phải đóng cửa nhà máy này. Một công ty của Pháp sở hữu và tham gia vận hành nhà máy điện hạt nhân đã cáo buộc có “rò rỉ chất phóng xạ” và cảnh báo rằng “mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra.”

Taishan
Nhà máy điện hạt nhân Taishan Quảng Đông (Nguồn: Chụp màn hình video)

Công ty Framatome của Pháp đã đệ trình đơn xin hỗ trợ vận hành an toàn đầu tiên lên Bộ Năng lượng Hoa Kỳ vào ngày 3/6, chính thức yêu cầu lệnh miễn trừ, cho phép họ xử lý “vấn đề an toàn khẩn cấp” của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, và cảnh báo các quan chức Hoa Kỳ rằng “lò phản ứng hạt nhân đang bị rò rỉ khí phân hạch”. Vào ngày 8/6, Framatome đã viết thư cho Bộ Năng lượng Hoa Kỳ một lần nữa, nói rằng “tình huống này tạo thành một mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra đối với hiện trường và người dân bên ngoài nhà máy.” Công ty Framatome khẩn cấp yêu cầu được phép chuyển giao dữ liệu kỹ thuật và hỗ trợ, đồng thời cáo buộc chính quyền Trung Quốc coi thường vấn đề an toàn dân cư xung quanh, cơ quan an toàn của họ vẫn tiếp tục tăng các giới hạn có thể chấp nhận được đối với việc phát hiện bức xạ bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn.

Framatome cũng chỉ ra rằng “tiêu chuẩn phát hiện chất phóng xạ” ban đầu của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn là phù hợp với tiêu chuẩn được quy định bởi cơ quan an toàn của Pháp, nhưng “do số lượng lỗi gia tăng”, Cục Quản lý An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (NNSA) đã sửa đổi giới hạn gấp đôi so với ban đầu, “do đó làm tăng rủi ro bên ngoài cơ sở cho người dân và nhân viên tại cơ sở”. Framatome nghi ngờ rằng chính quyền Trung Quốc có thể sẽ nâng giới hạn một lần nữa để giữ cho lò phản ứng bị rò rỉ được tiếp tục hoạt động.

Báo cáo của CNN dẫn các nguồn tin cho biết, mặc dù lá thư của Framatome là “đáng báo động”, nhưng chính quyền Biden tin rằng nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn vẫn chưa đạt đến “mức khủng hoảng”.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc trên, cho biết Tổ máy số 2 đã hoàn thành “đại tu” theo kế hoạch và kết nối thành công với lưới điện vào ngày 10/6/2021. Hiện tại, Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn và môi trường xung quanh đang “bình thường.” Cư dân mạng cho rằng trọng tâm là vấn đề “đại tu”!

Theo báo cáo, mặc dù chính quyền Biden tin rằng “tình huống này sẽ không có nhiều khả năng trở thành thảm họa”, tuy nhiên tình huống mà khi đối tác thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc còn chưa xác nhận, nhưng công ty nước ngoài đã đơn phương tìm kiếm sự giúp đỡ từ Chính phủ Mỹ là “rất bất thường”. Nếu vụ rò rỉ vẫn tiếp diễn hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, nó sẽ đẩy Hoa Kỳ rơi vào một “tình huống phức tạp.”

Theo nhà khoa học hạt nhân người Mỹ đã nghỉ hưu Cheryl Rofer cho biết: “Không có gì ngạc nhiên khi người Pháp yêu cầu hỗ trợ. Nói chung, điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nhất là khi họ nghĩ rằng bạn đặc biệt có khả năng giúp đỡ. Nhưng Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn thích thông báo rằng mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, thường xuyên làm như vậy.”

Ngoài ra, báo cáo dẫn lời một nguồn tin cho biết, kể từ khi nhận được lá thư thứ hai từ Framatome vào ngày 8/6, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã dành một tuần qua để tổ chức nhiều cuộc họp về vụ “cáo buộc rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn”. Các chuyên gia kỹ thuật từ Chính phủ Biden, Chính phủ Pháp và Bộ Năng lượng cũng thảo luận về tình hình liên quan. Một quan chức Hoa Kỳ cũng tiết lộ rằng Hoa Kỳ cũng đã liên hệ với Trung Quốc, mặc dù mức độ của cuộc tiếp xúc đó là chưa rõ ràng.

Theo báo cáo, hiện tại, các quan chức từ Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng chỉ tuyên bố rằng nếu người dân Trung Quốc gặp bất kỳ rủi ro nào, Hoa Kỳ có trách nhiệm công bố sự việc theo các hiệp ước hiện hành liên quan đến tai nạn hạt nhân. 

Kể từ khi xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn Quảng Đông, thông tin về rất nhiều vụ tai nạn về chất lượng kỹ thuật và rò rỉ hạt nhân đã bị truyền ra bên ngoài.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, vào tháng 6/2018, trang web chính thức của Cục An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc xác nhận rằng nắp trên bình áp lực của Tổ máy 1 Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn có hàm lượng carbon quá mức, cho thấy phương pháp kiểm tra an toàn của nắp trên là vẫn đang được nghiên cứu. Trước khi tìm ra phương pháp phát hiện hiệu quả, nắp trên của bình áp lực sẽ tiếp tục được sử dụng trong 7 năm đến tháng 4/2025 và sẽ chỉ được thay thế nếu không tìm thấy phương pháp phát hiện an toàn trước thời hạn.

Vào tháng 4/2020, nhà sản xuất thiết bị điện hạt nhân của Pháp Areva đã đệ trình một báo cáo thừa nhận rằng trong 51 năm qua, khoảng 400 bộ phận đã được kiểm tra không đúng cách, bao gồm các kết quả kiểm tra và chức năng đã bị sửa đổi (modifications), thiếu sót (omissions), hoặc dữ liệu không nhất quán (inconsistencies). Areva vẫn chưa đưa ra chi tiết cụ thể về 400 thành phần có vấn đề, ngoại trừ 50 trong số đó đang được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân của Pháp, thì 350 thành phần còn lại vẫn chưa rõ đích đến. Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp đã chỉ đích danh để cảnh báo rằng bình tích áp Areva tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn có thể gặp vấn đề tương tự.

Được biết, nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn nằm cách Hồng Kông 136 km về phía Tây, Tổ máy số 1 chính thức đi vào hoạt động vào ngày 17/12/2018, được gọi là Lò phản ứng nước áp lực châu Âu (EPR) thế hệ thứ ba chính thức hoạt động đầu tiên trên thế giới, với công suất phát điện là 1.750 megawatt (MW), đây cũng là công suất cao nhất trên thế giới.

Văn Lệ, Vision Times

Xem thêm: