Sau Tesco, tập đoàn thương hiệu thời trang lớn nhất của Úc – Cotton On, vốn có mối quan hệ hợp tác với Công ty TNHH In ấn Vân Quảng ở Chiết Giang, Trung Quốc, cũng đã bắt đầu điều tra về nhà cung cấp nghi vấn sử dụng lao động nô lệ này.

Lao động nô lệ
Vấn đề sử dụng lao động nô lệ ở Trung Quốc mới đây đã tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. (Ảnh chụp màn hình video)

Hãng phát thanh truyền hình Úc (ABC) đã trích dẫn một tuyên bố từ Cotton On hôm thứ Hai nói về việc tập đoàn này đã triển khai một cuộc điều tra về Công ty in ấn Vân Quảng, Chiết Giang. “Quy tắc dành cho nhà cung cấp hàng chính là không khoan nhượng đối với bất kỳ hình thức nô lệ hiện đại nào, kể cả lao động cưỡng bức.”

Cotton On là chuỗi thương hiệu thời trang lớn nhất của Úc. Tập đoàn này sở hữu các thương hiệu bán lẻ như Cotton On, Typo và Supre ở Úc. Công ty In ấn Vân Quảng Chiết Giang là một trong những nhà cung cấp chính thức của Cotton On. Công ty In ấn Vân Quảng Chiết Giang cũng tuyên bố trong một video trên trang web của mình rằng họ sản xuất các sản phẩm cho các thương hiệu Úc. Trong video này, Công ty In ấn Vân Quảng Chiết Giang đã liệt kê Cotton On là một trong những đối tác quốc tế lớn nhất của mình, ngang với Tesco, Disney và một số công ty khác.

Hồi tháng 10, ABC cũng từng đăng bài báo có tiêu đề “Cotton On và Target của Úc dừng thu mua bông vải từ Tân Cương trên cơ sở những quan ngại về nhân quyền”. Theo đó, Cotton On và Target, hai hãng thời trang lớn của Úc đã tiến hành điều tra chuỗi cung ứng vải bông từ Tân Cương thông qua các nhà thầu cung ứng ở Trung Quốc. Cotton On phát hiện rằng, một nhà cung cấp hàng cho công ty dệt may của họ chỉ cách trại cải tạo lao động quy mô lớn ở Tân Cương khoảng 6km. Phía Target cũng nhận thấy nguyên liệu cung ứng cho công ty Hoa Phu ở Tân Cương tiềm ẩn nhiều nghi ngờ.

Sau khi xem xét và đánh giá kết quả điều tra, cả Cotton On và Target đều nhanh chóng quyết định ngừng nhập nguyên liệu bông vải có nguồn gốc từ Tân Cương, mặc dù việc tìm nguồn hàng thay thế rất khó khăn và có nguy cơ bị đội giá thành lên cao, gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường của Cotton On và Target, vốn trước nay nhằm vào các mặt hàng giá rẻ. Cotton On tuyên bố “cam kết hoàn toàn sử dụng chuỗi cung ứng phù hợp với chuẩn tắc đạo đức”. 

Một trong những lý do thúc đẩy Cotton On tiến hành điều tra về Công ty In ấn Vân Quảng Chiết Giang lần này chính là sự kiện tấm thiệp Giáng sinh được bán tại hệ thống siêu thị Tesco của Anh có chứa bức thư cầu cứu. Thông điệp trong một tấm thiệp viết: “Chúng tôi là các tù nhân nước ngoài tại Nhà tù Thanh Phố ở Thượng Hải Trung Quốc. Chúng tôi bị cưỡng bức lao động. Xin hãy giúp chúng tôi và thông báo cho tổ chức nhân quyền.”

Sau khi tin tức được công bố, Tesco ngay lập tức ngừng tiếp nhận nguồn cung từ Công ty In ấn Vân Quảng Chiết Giang và bắt đầu tiến hành điều tra. Đáng chú ý là phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã hoàn toàn bác bỏ chuyện lao động cưỡng bức tù nhân trong nhà tù Thanh Phố. 

Tuy nhiên, ông Peter Humphrey, cựu nhà báo Anh Quốc và là nhà điều tra gian lận doanh nghiệp từng bị giam giữ ở Nhà tù Thanh Phố Trung Quốc khẳng định rằng “chắc chắn họ là những tù nhân Thanh Phố, những người đã biết tôi trước khi tôi được thả tự do vào tháng 6/2015 khỏi nhà tù ở vùng ngoại ô mà tôi đã bị giam giữ trong 23 tháng”. Ông cũng xác nhận rằng, tù nhân trong nhà tù này từng làm thiệp Giáng sinh và thẻ quà tặng cho Tesco.

Trương Lâm, một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc từng bị giam giữ trong các nhà tù và trại lao động ở An Huy và Quảng Châu, kể với Đài Á Châu Tự do trải nghiệm của mình, ông từng bị Trung Quốc ép buộc lao động cường độ cao trong tù và khi có bất cứ ai từ chối hợp tác, họ đều bị nhân viên quản giáo đánh đập tàn bạo. Ông Trương tin rằng, tình huống trong các nhà tù ở Thượng Hải đều giống nhau, bao gồm cả nhà tù Thanh Phố.

Minh Ngọc

Xem thêm: