Dịch COVID-19 đã lan tới Châu Phi hạ Sahara, giới chức y tế Nigeria xác nhận hôm 28/2.

Embed from Getty Images

Theo The Guardian, Bộ trưởng Y tế Nigeria Osagie Ehanire nói rằng ca COVID-19 đầu tiên tại khu vực Châu Phi hạ Sahara là một công dân Ý làm việc tại Nigeria và đã từ Ý tới Lagos vào ngày 25/2.

Bệnh nhân này đang có điều kiện lâm sàng ổn định, không có triệu chứng nghiêm trọng và đang được chăm sóc tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm tại Yaba, Lagos”, ông Ehanire nói.

Đây mới là trường hợp thứ ba tại Châu Phi được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới (nCoV) cho dù khu vực này có mối liên kết chặt chẽ với Trung Quốc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhiều lần cảnh báo rằng hệ thống y tế mong manh của Châu Phi khiến cho mối đe dọa COVID-19 với châu lục này là “rất đáng kể”.

Ai Cập là nước đầu tiên tại Châu Phi xác nhận có ca nhiễm nCoV vào ngày 14/2. Algeria thông báo nước này có người bệnh nhiễm loại virus chết người này vào ngày 25/2. Đây cũng là một công dân Ý đến Algeria vào ngày 17/2.

Với các ca nhiễm bệnh liên tiếp tại Châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc WHO tại khu vực này đã đưa ra cảnh báo rằng “cửa sổ cơ hội mà lục địa này đã đang có để chuẩn bị đối phó với dịch virus corona đang khép lại”.

Cảnh báo của bà Moeti được Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định lại vào hôm 27/2 với tuyên bố rằng dịch COVID-19 đã ở vào “điểm quyết định toàn cầu” và nó có thể “vượt ngoài tầm kiểm soát” nếu các nước đã bị ảnh hưởng không nhanh chóng hành động để kiềm chế dịch bệnh lây lan.

Những gì đang xảy ra ở phần còn lại của thế giới bây giờ là mối quan ngại của chúng tôi”, ông Tedros nói.

Trong ngày 28/2, các nước Lithuania, New Zealand và Áo cũng xác nhận có trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Cả hai trường hợp nhiễm nCoV tại New Zealand và Áo đều liên quan tới Iran, trong khi trường hợp tại Lithuania có liên quan tới Ý.

Bộ Y tế New Zealand cho biết đây là một bệnh nhân trong độ tuổi 60 và vừa trở về từ Iran. Bệnh nhân hiện đang được điều trị tại bệnh viện thành phố Auckland và tình trạng sức khỏe đang được cải thiện.

Truyền thông Áo hôm 27/2 đưa tin một nhân viên Bộ Ngoại giao nước này trong đoàn tới thăm Iran vào ngày 22/2 đã nhiễm COVID-19, và đang được cách ly ở một bệnh viện tại thủ đô Vienna.

Nhân viên Bộ Ngoại giao Áo nhiễm bệnh nói trên ở Iran cho tới ngày 24/2, và đến lúc này ông đã có triệu chứng. Tuy nhiên khi về Áo, tới ngày 27/2 người này mới được giới chức đưa tới bệnh viện cách ly và điều trị.

Chính phủ Lithuania hôm 28/2 phát đi thông báo cho biết trường hợp COVID-19 đầu tiên tại nước này là một phụ nữ vừa trở về nước tuần này sau chuyến thăm thành phố Verona, miền bắc nước Ý.

Tuyên bố của chính phủ Lithuania nói rằng bệnh nhân nêu trên đã được cách ly tại một bệnh viện ở thị trấn Siauliai, miền bắc Lithuania ngay từ khi bà này từ Ý trở về nước hôm thứ Hai (24/2).

Cho tới hết ngày 27/2, giới chức Ý xác nhận nước này có 655 ca COVID-19 và 17 ca tử vong. Hơn 400 ca COVID-19 là tại vùng Lombardy, miền bắc nước Ý.

Trong khi đó, Iran đang có tổng 245 ca nhiễm và 26 ca tử vong, theo Bộ Y tế Nhà nước. 4 quan chức cấp cao Iran đã được xác nhận nhiễm bệnh, gồm Phó Tổng thống phụ trách Bộ Phụ nữ và Gia đình, Chủ tịch ủy ban đối ngoại và an ninh quốc gia Iran, Thứ trưởng Bộ Y tế, Nghị sĩ quốc hội.

Đáng lo ngại là trước khi được xác nhận nhiễm bệnh, bà Phó Tổng thống đã tham gia cuộc họp nội các và ngồi rất gần Tổng thống Iran. Giáo sĩ kiêm cựu đại sứ Iran ở Vatican cũng bị nhiễm COVID-19 và đã tử vong ngày hôm 27/2.

Xuân Thành

Xem thêm: