Tuần trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có động thái khiến cộng đồng quốc tế chú ý khi nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Qua phản ứng và kiến giải từ nhiều bên cho thấy, hiện nay CPTPP đã trở thành chiến trường giữa Trung Quốc và Mỹ. Hôm thứ Tư (22/9), Đài Loan cũng tham gia vào trận chiến này khi nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

CPTPP
Vào tuần trước ĐCSTQ khiến cộng đồng quốc tế chú ý khi nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Qua phản ứng và kiến giải từ nhiều bên cho thấy hiện nay CPTPP đã trở thành sàn đấu Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Chụp màn hình video).

Tiền thân của CPTPP là “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP) được cựu Tổng thống Mỹ Obama thúc đẩy trong nhiệm kỳ. Dự án này thúc đẩy mạnh mẽ tự do hóa thương mại. Nhưng vào năm 2017, người kế nhiệm là Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận. Sau đó, quá trình đàm phán CPTPP do Nhật Bản dẫn dắt cải tổ. Năm 2018, có 11 nước bao gồm như Úc, Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico và New Zealand đã ký kết CPTPP tại Santiago, Chile.

Trớ trêu thay, ý định ban đầu của thỏa thuận là nhằm đối trọng với ảnh hưởng của ĐCSTQ, nhưng giờ đây ĐCSTQ lại nộp đơn xin gia nhập.

Đơn xin gia nhập CPTPP của ĐCSTQ có chủ ý nhắm vào Mỹ

Giới quan sát phổ biến cho rằng với các chính sách kinh tế hiện nay thì ĐCSTQ có rất ít hy vọng vượt qua được đánh giá tiêu chuẩn cao của CPTPP. Là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao nhất thế giới, CPTPP có nhiều quy định về các vấn đề lao động, bảo vệ môi trường và giải quyết tranh chấp, những điều khoản liên quan này khiến việc ĐCSTQ muốn gia nhập phải có những cải tổ trong nhiều vấn đề trong nước và cần qua thời gian dài đàm phán. Ngoài ra, CPTPP cấm chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, điều này khác với biểu hiện của ĐCSTQ.

Bắc Kinh cũng biết rằng họ còn cách các tiêu chuẩn của CPTPP khá xa, vì vậy họ âm thầm thúc đẩy tìm kiếm ủng hộ của các nước thành viên CPTPP.

Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Úc (Lowy Institute for International Policy) chỉ ra, động thái ĐCSTQ nộp đơn xin gia nhập CPTPP diễn ra một ngày sau khi Mỹ, Úc và Anh công bố liên minh an ninh 3 bên mới (AUKUS). Không rõ có phải là trùng hợp hay không, nhưng hai sự kiện cho thấy môi trường địa chiến lược đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Có diễn giải cho rằng động thái của Bắc Kinh là nhằm thành lập một liên minh kinh tế lớn hơn để chống lại liên minh AUKUS do Mỹ thành lập gần đây với Úc và Anh. Mục đích của việc này là kiềm chế tham vọng ngày càng tăng của ĐCSTQ ở Thái Bình Dương, trong khi Bắc Kinh muốn tiếp cận từ kinh tế trong nỗ lực làm suy yếu bao vây quân sự của Washington.

Tuy nhiên, CPTPP bị chi phối bởi các đồng minh của Mỹ, trong đó Nhật Bản, Canada và Úc là đồng minh cốt lõi của Mỹ. Thêm nữa là do mối quan hệ quá căng thẳng giữa ĐCSTQ với Nhật Bản và Úc nên quan điểm phổ biến cho thấy không dễ để Bắc Kinh gia nhập được CPTPP, thậm chí không thể được. Vì vậy, nghi ngờ việc Bắc Kinh đệ trình đơn xin gia nhập có thể là một màn kịch chính trị. Bởi để tham gia CPTPP, Bắc Kinh cần sự ủng hộ của tất cả các thành viên CPTPP.

Chính phủ Nhật Bản đã có tuyên bố rõ rằng cần phải xác minh xem Bắc Kinh có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao mà CPTPP yêu cầu hay không, đặc biệt là về môi trường và lao động.

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào ngày 17/9, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản kiêm Chánh văn phòng Nội các là Kato Katsunobu đã nêu ra một danh sách dài các lĩnh vực chất vấn về tư cách thành viên của Bắc Kinh, bao gồm các vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ của chính phủ đối với doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Ông Katsunobu Kato cho rằng cần phải xác định liệu Trung Quốc có thực sự sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao khi tham gia CPTPP hay không.

Tokyo đã tuyên bố rằng họ sẽ ưu tiên xem xét đơn từ Vương quốc Anh.

Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan ngày 17/9 tuyên bố Úc sẽ phản đối việc Trung Quốc gia nhập CPTPP, trừ khi Bắc Kinh ngừng áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu của Úc và nối lại các cuộc tiếp xúc cấp bộ trưởng giữa hai bên.

Ngày 18/9 tờ Nikkei của Nhật Bản đã đăng một bài phân tích vấn đề tại sao ĐCSTQ vẫn xin gia nhập CPTPP mà không có bất kỳ triển vọng cụ thể nào. Bài viết dẫn lời ông Cổ Khánh Quốc (Jia Qingguo), nguyên chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Bắc Kinh, thành viên Ban Đối ngoại và Ban Thường Chính hiệp Trung Quốc, giải thích vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei vào tháng 11/2020.

Là thành viên của Ban Thường vụ Chính hiệp, quan chức Trung Quốc này tham gia sâu vào việc hoạch định chính sách đối ngoại. Ông nói với Nikkei vào thời điểm đó rằng nếu Bắc Kinh xin gia nhập CPTPP sẽ đặt ra một thách thức đối với Nhật Bản. Bởi vì nếu Nhật từ chối yêu cầu của Trung Quốc có nghĩa là đối đầu với Trung Quốc, nhưng Nhật cũng không thể dễ dàng chấp nhận đơn xin của Trung Quốc vì Mỹ sẽ không bao giờ sẽ đồng ý.

Theo Nikkei, rõ ràng việc Bắc Kinh xin gia nhập CPTPP nhằm chia rẽ Mỹ và Nhật Bản. Ba ngày sau cuộc phỏng vấn Cổ Khánh Quốc, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố tại hội nghị cấp cao trực tuyến của Diễn đàn APEC rằng Trung Quốc sẽ tích cực xem xét việc tham gia CPTPP.

 

Nghị sĩ lưỡng Đảng muốn Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á – Thái Bình Dương

Đối với vấn đề xin gia nhập CPTPP của ĐCSTQ, Chủ tịch Tiểu ban Tài chính Thượng viện về Thương mại Quốc tế, Hải quan và Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Senate Finance Subcommittee on International Trade, Customs, and Global Competitiveness) là Thượng nghị sĩ Dân chủ Tom Carper và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Cornyn (John Cornyn) đều đưa ra cảnh báo.

Ông Caper và ông Cornyn tuyên bố trong một thông cáo báo chí vào ngày 20/9 rằng, “Động thái của ĐCSTQ không gây ngạc nhiên cho bất cứ ai, do Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thực hiện các biện pháp để tăng cường sức mạnh thương mại toàn cầu của họ. Chúng tôi đã luôn nghi ngờ về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP và có động thái để cảnh báo… Vào tuần trước chúng tôi đã thấy họ thực hiện một bước dứt khoát theo hướng đáng lo ngại này”.

“Lâu nay, chúng tôi luôn thấy rằng vai trò lãnh đạo thương mại của Mỹ là quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của đất nước chúng ta… Mỹ không thể lại tiếp tục chờ đợi ở hành lang nữa, chúng ta phải cùng các đồng minh ở Thái Bình Dương giành lại vị trí của mình trên bàn đàm phán về các vấn đề thương mại.” 

Tại phiên điều trần về Chính sách Thương mại châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức vào tháng Sáu năm nay, ông Carper cảnh báo ý định tham gia CPTPP của ĐCSTQ. Ông Carper nói rằng Mỹ cần nghiêm túc xem xét hứng thú của ĐCSTQ trong việc gia nhập CPTPP, qua đó bắt đầu nỗ lực xây dựng một chính sách toàn diện chú trọng liên kết hợp tác với các đồng mình của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tháng Năm năm nay, ông Cornyn đã viết thư cho Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai yêu cầu bà đưa ra phương hướng để Mỹ tham gia với các đồng minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“An ninh quốc gia của chúng tôi phải là ưu tiên hàng đầu”, ông Cornyn cho biết trong một phiên điều trần hồi tháng Sáu. “Chúng tôi phải xác định các biện pháp dân chủ và sáng suốt; biện pháp này phải chú trọng xem xét các hoạt động thương mại không công bằng, vấn đề nhân quyền và lạm dụng kiểm duyệt của đối thủ; đồng thời chú ý đầu tư có mục tiêu vào quan hệ thương mại với các đồng minh tuân theo hệ thống thương mại quốc tế.”

 

Đài Loan xin gia nhập CPTPP

Chưa đầy một tuần sau khi ĐCSTQ nộp đơn xin gia nhập CPTPP, hôm thứ Tư (22/9) Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết rằng Đài Loan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

Trước đó, Đài Loan bày tỏ sự ngạc nhiên về thông tin ĐCSTQ bất ngờ muốn tham gia CPTPP, đồng thời cho biết họ hy vọng động thái sẽ không ảnh hưởng đến đơn của Đài Loan.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan, bà Vương Mỹ Hoa (Wang Mei-hua) nhấn mạnh gần đây nhiều chính sách của ĐCSTQ vi phạm nguyên tắc kinh tế tự do và thiếu minh bạch, ví dụ cấm nhập khẩu đối với Đài Loan mà không có lý do chính đáng, như vậy ĐCSTQ khó đáp ứng “tiêu chuẩn cao” của CPTPP.

“Chúng tôi sẽ dõi theo chặt chẽ phản ứng của các nước thành viên đối với đơn xin gia nhập của Trung Quốc (ĐCSTQ), hy vọng rằng điều này sẽ không ảnh hưởng đến đơn xin gia nhập của chúng tôi”, bà Vương Mỹ Hoa cho biết.

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times