Gần đây, Cục trưởng Ken McCallum của Cục An ninh Quốc gia Anh (MI5) đã nhận phỏng vấn độc quyền với Daily Mail (Anh) và có tiết lộ hiếm hoi về những lực lượng nguy hiểm: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga đang là nguy cơ nghiêm trọng với Anh và các đồng minh, là hiểm họa khó lường của phương Tây.

B51I1504
Cục trưởng Ken McCallum của Cục An ninh Quốc gia Anh (MI5) – Nguồn: mi5.gov.uk

“Chúng tôi đang đấu tranh cho lối sống phương Tây”

Ông McCallum nói với Daily Mail rằng Nga và ĐCSTQ đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết “cuộc chạy đua” bá quyền quốc tế. Thủ đoạn của họ đối với các nước phương Tây là nỗ lực thâm nhập nghị viện, các công ty, trường đại học, thúc đẩy tuyên truyền gây ảnh hưởng trong công chúng. Từ đó ông cảnh báo: “Chúng tôi đang đấu tranh cho lối sống phương Tây, đây cũng là cuộc chiến giữa tự do dân chủ và chủ nghĩa độc tài”.

Daily Mail cho biết, đây là chia sẻ rất bất ngờ từ chính người lãnh đạo MI5 liên quan đến nguy cơ mà phương Tây cũng như nước Anh phải đối mặt từ những nước hiếu chiến này (Trung Quốc và Nga).

Ông McCallum nói: “Quan trọng là không quy vấn đề này vào một cuộc chiến tranh Lạnh mới, nhưng đồng thời cũng cần nhận thức rõ rằng chúng ta đang ở trong một trận chiến. Chúng ta cần đấu tranh cho các giá trị phương Tây, cho thể chế chính trị cùng lối sống dân chủ của chúng ta”.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà các quan chức Anh và phương Tây tin rằng Putin sẽ quyết tâm xâm lược, trong khi động thái này là nguy cơ gây mất ổn định sườn phía đông của NATO. Ông McCallum cũng cho biết, cả Nga và ĐCSTQ đều nỗ lực tìm kiếm thân tín trong nghị trường phương Tây bằng cách nhắm vào các nghị sĩ và cố vấn của họ.

Những người thân cận với chiếc ghế quyền lực đều không ngừng bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng cũng không ngừng gia tăng, ví dụ giới cố vấn của Thủ tướng là đối tượng mà Nga và ĐCSTQ đều cố gắng tiếp cận… Những người đang cố gắng ảnh hưởng đến đời sống chính trị của Anh luôn muốn tác động đến các cố vấn này để quan điểm của họ được lắng nghe. Bản thân những cố vấn cũng thường nhận thức rõ những vấn đề không hay ho này.

Những tiết lộ đáng sợ của McCallum về các mối đe dọa mà Anh và các đồng minh NATO phải đối mặt bao gồm:

– Hiểm họa tiềm tàng đối với Vương quốc Anh từ các thù địch như ĐCSTQ và Nga hiện có thể so sánh với chủ nghĩa khủng bố’;

– Kể từ khi điệp viên ĐCSTQ Christine Lee bị MI5 vạch trần vào tháng trước, các nghị sĩ đã chia sẻ cho MI5 thêm nhiều thông tin liên quan hoạt động gián điệp của các nước thù địch.

– Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, hoạt động gián điệp, tấn công mạng và gây nhiễu của Nga nhắm vào Anh đặc biệt mạnh mẽ hơn hết;

– Giới gián điệp của nước địch thủ thường dùng các mạng xã hội chuyên nghiệp như LinkedIn tập trung vào công chúng Anh trên quy mô rộng rãi.

Ông McCallum cho biết, MI5 ngày càng khó quyết định nên ưu tiên nhiệm vụ nhắm vào phần tử khủng bố trong nước hay giới gián điệp nước ngoài mà tập trung chủ yếu là giới đặc vụ của Nga và ĐCSTQ.

“Mỗi sáng thứ Hai, tôi điều triệu tập một nhóm cấp cao để cùng tập trung xem xét các nguy cơ mà đất nước đang đối mặt”, ông cho hay.

“Thông thường trong 20 năm qua, phần lớn cuộc trò chuyện bị chi phối bởi các mối đe dọa khủng bố, nhưng thật không may khi vài năm qua phải tập trung vào hàng loạt các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc mà đặc biệt là hoạt động gián điệp đối với nước Anh”.

McCallum cảnh báo “nhiều nước đang cố gắng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, dân chủ, xã hội và các thành phần khác trong cuộc sống của người Anh, chẳng hạn như khu vực công, giới học thuật…”, người Anh cần ý thức rõ và có lựa chọn một cách khôn ngoan trước thực trạng làn sóng định hình lại các giá trị của ĐCSTQ.   

Ông nói: “Chúng ta cần phải nhận rõ rằng thực sự có một cuộc cạnh tranh thay thế đang diễn ra giữa phương Tây dân chủ tự do và các quốc gia độc tài, đôi khi có thể nhìn thấy được và đôi khi là vô hình”.

Cần cải thiện hành lang pháp lý

McCallum cũng bày tỏ thất vọng khi luật pháp lỗi thời của Anh đã ngăn không cho MI5 truy tố gián điệp nước ngoài. Ông thừa nhận: “Khi đối phó với các mối đe dọa quốc gia, chúng tôi đang thực sự hoạt động với một tay bị trói”.

Không giống như Mỹ ngay từ năm 1938 đã có luật ngăn chặn “đại diện nước ngoài không đăng ký”, Vương quốc Anh phải dựa vào “Luật Bảo mật”  (Official Secrets Act) cổ hủ. Điều này có nghĩa quan chức chính phủ có thể bị truy tố vì làm lộ bí mật nhà nước, trong khi gián điệp có thể thoát tội.

Đó là lý do tại sao những điệp viên như Christine Lee vận động cho ĐCSTQ có thể tự do hành động mà không sợ bị bắt dù giúp gia tăng ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Anh, cho thấy luật phản gián hiện tại của Anh rõ ràng không phù hợp với tình hình phức tạp mới ngày nay.

McCallum nói: “Hành lang pháp luật qua thử thách thời gian về vấn đề tội trộm cắp bí mật nhà nước, hiện đã không còn tốt trong ứng phó với thế giới kết nối đa dạng hơn. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không có khả năng truy tố tại các tòa án hình sự, chẳng hạn như hiện tại, việc trở thành ‘đại diện bí mật’ của một thế lực nước ngoài không phải là một hành vi phạm tội. Chúng tôi nghĩ rằng khi những lỗ hổng pháp lý này được lấp đầy thì chúng tôi có thể làm tốt hơn cho đất nước”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trù tính cho một dự luật nhằm cải thiện thực trạng, đó là thiết lập cơ chế đăng ký đại diện nước ngoài theo kiểu của Mỹ, theo đó bất kỳ cá nhân nào làm việc thay mặt cho chính phủ nước ngoài mà không đăng ký thì sẽ phạm tội hình sự.

Tháng trước, MI5 đã có cảnh báo chưa có tiền lệ về vấn đề điệp viên Christine Lee của ĐCSTQ xâm nhập Quốc hội Anh với mục tiêu là các cấp cao nhất của chính phủ, ông McCallum cho biết các nghị sĩ nên hiểu trong tương lai họ sẽ nhận được nhiều hơn những “cảnh báo can thiệp” của nước ngoài.

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: