Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội đàm tại Nhà Trắng vào ngày 21/5 và đưa ra “Tuyên bố Chung của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ – Hàn Quốc”. Cả hai bên đã đạt sự đồng thuận về một số vấn đề bao gồm việc cung cấp vắc-xin COVID-19, tình hình Bán đảo Triều Tiên, và đầu tư kinh tế.

Embed from Getty Images

Theo tuyên bố chung, cả hai quốc gia đã nhất trí hợp tác để tăng cường khả năng phục hồi trong “các chuỗi cung ứng, bao gồm các lĩnh vực ưu tiên như chất bán dẫn, pin xe điện thân thiện với môi trường, những nguyên vật liệu chiến lược quan trọng, và dược phẩm”.

Ông Biden và ông Moon đã đồng ý đẩy mạnh quan hệ đối tác về các công nghệ quan trọng mới nổi, cũng như “giám sát kỹ lưỡng các khoản đầu tư nước ngoài và hợp tác kiểm soát xuất khẩu” các công nghệ đó.

Vài giờ trước hội nghị thượng đỉnh, bốn công ty lớn của Hàn Quốc, bao gồm Samsung Electronics, SK Group, LG Energy Solution, và Hyundai Motor Company, đã công bố các kế hoạch đầu tư 39,4 tỷ đô la vào Hoa Kỳ trong một hội nghị kinh doanh bàn tròn. Theo tờ Yonhap News, các kế hoạch đầu tư này liên quan đến chất bán dẫn và pin xe điện – hai lĩnh vực cốt lõi mà Hoa Kỳ coi là yếu tố cơ bản quan trọng để xây dựng lại các chuỗi cung ứng nhằm đối phó với sự thống trị của Trung Quốc, đồng thời giải quyết các lỗ hổng trong sản xuất đã được phơi bày trong đại dịch virus corona.

Ưu thế về chất bán dẫn

Nhà Trắng đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng trước với 19 doanh nghiệp đa quốc gia để giải quyết tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu. Trong hội nghị truyền hình này, ông Biden đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư vào ngành công nghiệp chất bán dẫn cũng như việc mở rộng các chuỗi cung ứng lấy Hoa Kỳ làm trung tâm.

Trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Hàn Quốc, một số chuyên gia dự đoán rằng vấn đề chuỗi cung ứng nằm trong bốn lĩnh vực cốt lõi, bao gồm chất bán dẫn, sẽ là trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh.

Ông Cho Dong-geun, một giáo sư kinh tế danh dự của Đại học Myongji, Hàn Quốc, nói với The Epoch Times rằng Hoa Kỳ là cường quốc công nghệ về chất bán dẫn, nhưng việc sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ lại phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sản xuất nước ngoài.

Hồi tháng 2, Hiệp hội ngành Công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ đã gửi một lá thư cho ông Biden, thúc giục ông cung cấp “nguồn tài chính đáng kể để khuyến khích việc sản xuất chất bán dẫn [tại Mỹ]” như là một phần trong kế hoạch phục hồi kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng của ông, bởi vì thị phần sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ đã giảm từ 37% trong năm 1990 xuống 12% trong năm nay.

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đã buộc các nhà sản xuất ô-tô Hoa Kỳ phải cắt giảm sản xuất. Vì vậy, Hoa Kỳ đang làm việc với các liên minh công nghệ để giúp giải quyết nhu cầu về chip của Hoa Kỳ. Hàn Quốc, nhà cung cấp bộ nhớ bán dẫn hàng đầu thế giới, và Đài Loan, nhà cung cấp khuôn bán dẫn hàng đầu thế giới, đã trở thành hai cơ sở sản xuất chất bán dẫn lớn của thế giới.

Ông Cho nhấn mạnh: “Tự chủ trong việc thống trị hệ sinh thái chất bán dẫn là điều khó khăn đối với Hoa Kỳ, do đó Hoa Kỳ rất mong muốn Hàn Quốc triển khai việc sản xuất khuôn [chất bán dẫn].”

Hoa Kỳ hành động để ngăn chặn Trung Quốc thống trị chất bán dẫn

Trong khi Hoa Kỳ tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước, đồng thời nước này cũng đang nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc chiếm lấy vị trí bá chủ về chất bán dẫn. Ông Cho tin rằng cuộc chiến Trung – Mỹ giành quyền bá chủ về chất bán dẫn là một “cuộc chiến có thể thấy trước” và không thể tránh khỏi.

Ông Cho cho biết: “Khái niệm về bẫy Thucydides cảnh báo rằng khi một cường quốc đang trỗi dậy đe dọa một cường quốc hiện có, cả hai quốc gia này sẽ đi đến một lộ trình xung đột dẫn đến chiến tranh.”

“Khi chế độ cộng sản Trung Quốc hiện thực hóa cái gọi là Giấc mơ Trung Hoa của mình bằng cách quảng bá ý thức hệ cộng sản và ‘chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc’ ra toàn thế giới, điều đó đi ngược lại với các giá trị của Mỹ, gây nên sự cảnh báo. Chiến tranh là điều không thể tránh khỏi và đang lờ mờ ở phía chân trời.”

Theo ông Cho, trong lĩnh vực chất bán dẫn, điểm yếu chết người của ĐCSTQ là thiếu năng lực nghiên cứu và phát triển cũng như khả năng đổi mới.

Ông Cho nói thêm: “Về cơ bản, thành công của việc nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn không thể đạt được trong một sớm một chiều. Ngành công nghiệp chất bán dẫn của Hoa Kỳ đã dần dần phát triển cho đến mức độ này trong khi ĐCSTQ chỉ mới bắt đầu gần đây. Sức mạnh công nghệ của Trung Quốc dường như quá nhỏ bé so với sức mạnh công nghệ mạnh mẽ của Hoa Kỳ và sự phát triển các công nghệ tiên tiến cần phải có thời gian.”

Ông Cho bổ sung: “Mặc dù chế độ cộng sản Trung Quốc đã rót một lượng vốn khổng lồ để thúc đẩy ngành công nghệ chất bán dẫn của mình, nhưng các chuyên gia tin rằng với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, ĐCSTQ không có khả năng giành được quyền bá chủ trong ngành công nghệ chất bán dẫn. Chưa kể đến việc Hoa Kỳ đã làm chủ hầu hết các công nghệ cốt lõi về chất bán dẫn mà ĐCSTQ không thể bắt kịp.”

Chọn Hoa Kỳ vì an ninh, chọn Trung Quốc vì kinh tế?

Ông Cho tin rằng nếu Hàn Quốc không thể tham gia vào mạng lưới cung cấp chất bán dẫn do Mỹ lãnh đạo, ngành công nghiệp chất bán dẫn của nước này sẽ bị ảnh hưởng bất lợi trong bối cảnh chiến tranh công nghệ Trung – Mỹ. Hơn nữa, ông Biden đã ký một lệnh hành pháp để xem xét các chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ vào tháng 2 đối với bốn sản phẩm cốt lõi: chip bán dẫn, pin cho xe điện, khoáng chất đất hiếm, và dược phẩm. Kết quả việc xem xét sẽ được công bố vào tháng 6.

Ông Cho nhận định: “Nói về chuỗi cung ứng chất bán dẫn và chuỗi giá trị chất bán dẫn, xét từ góc độ kinh tế, việc tham gia vào liên minh sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho Hàn Quốc. Nếu nước này tách khỏi liên minh, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) sẽ lấy đi công việc và Hàn Quốc sẽ không có một chút lợi ích nào. Ngược lại, nếu TSMC, Intel và Samsung hình thành một liên minh, giống như các máy bay chiến đấu đang hoạt động, Hàn Quốc sẽ hưởng lợi từ việc đó.”

Cuộc chiến chất bán dẫn hiện nay đã đặt ra một thách thức mới cho Hàn Quốc, bởi vì nước này đang sử dụng quan điểm mơ hồ về mặt chiến lược được gọi là “anmi gyeongiung” có nghĩa là hợp tác “với Hoa Kỳ vì an ninh, với Trung Quốc vì kinh tế”. Tuy nhiên, ông Cho cho rằng Hàn Quốc nên khôi phục lại một liên minh các giá trị dựa trên nền dân chủ tự do và kinh tế thị trường tự do.

Ông khẳng định: “Lập luận về việc liên minh an ninh với Hoa Kỳ và sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc thật nực cười. Nhà nước chuyên chế xã hội chủ nghĩa nào phát triển mạnh? Có tự do, nền kinh tế sẽ phát triển, văn hóa sẽ phồn vinh, quốc gia sẽ mạnh mẽ hơn, và hệ thống chính trị sẽ lành mạnh hơn. Vì vậy, hệ thống sẽ chỉ phát triển khi mọi người được thực hiện quyền tự do của mình. Chẳng phải quốc gia với hệ thống chính trị lành mạnh hiện đang thống trị nền kinh tế và chính trị toàn cầu hay sao?”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: