Hôm thứ Tư (20/4), Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan nhận định, những thách thức mà Nga phải đối mặt trong suốt cuộc xâm lược Ukraine sẽ buộc Trung Quốc phải thay đổi sách lược xâm lược của mình.

shutterstock 1983547985
Chế độ Trung Quốc đe dọa đưa Đài Loan vào quyền kiểm soát của họ (Ảnh minh họa: Shutterstocks)

Các nhà chiến lược quân sự đều nhất trí rằng, giống như Điện Kremlin, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho một chiến thắng nhanh chóng và gọn gàng khi họ tiến hành sáp nhập đảo quốc Đài Loan láng giềng trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, những khó khăn mà Nga đang trải qua, đặc biệt là sự kháng cự của Ukraine, đã khiến Trung Quốc phải tạm dừng kế hoạch để cân nhắc thêm.

Theo một số nhà phân tích, có khả năng Bắc Kinh sẽ kết luận rằng chỉ có các cuộc tấn công dồn dập mạnh mẽ và ưu thế trên không đối với Đài Loan mới có thể cung cấp lợi thế cho Trung Quốc giúp đưa các lực lượng của họ vượt qua eo biển để tiến hành xâm lược và chiếm đóng các thành phố đông dân cư của đảo quốc này.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng, do cần phải có một thành tựu chính trị để biện minh cho nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba chưa từng có của mình, thay vì tấn công Đài Loan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể chuyển sang sang tấn công và chiếm một hòn đảo xa xôi của Đài Loan, giống như Nga đã làm với bán đảo Crimea của Ukraine. Việc này sẽ ít gặp  phản đối hơn từ phương Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng lưu ý: “Cuộc chiến Nga-Ukraine đã ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, bao gồm cả đất nước chúng ta, và kẻ thù của chúng ta cũng không ngoại lệ. Chúng ta phải tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ. Chúng ta có cơ hội rất tốt để học hỏi, và chúng ta sẽ sử dụng nó.”

Đề cập đến sách lược xâm lược của Trung Quốc, Bộ trưởng Chiu nhấn mạnh: “Nó chắc chắn sẽ thay đổi. Về việc nó thay đổi như thế nào, đó là những gì chúng tôi đang tiếp tục đánh giá.”

Sự phản kháng của công chúng

Sự kháng cự của Ukraine, hiện đang ở tuần thứ tám, cũng có ảnh hưởng đến Đài Loan. Các nhà hoạch định quốc phòng Đài Loan nhận xét, các lực lượng vũ trang được trang bị thông minh, cùng với công chúng có tinh thần chiến đấu cao có khả năng bổ sung thêm một lớp răn đe đối với Trung Quốc, quốc gia giống như Nga có lợi thế đáng gờm về quân số.

Trong nhiều thập kỷ , khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan được xem là yếu tố then chốt. Hoa Kỳ có chủ trương “mập mờ về chiến lược” khiến cả Bắc Kinh và Đài Bắc phải đoán già đoán non về khả năng can thiệp của cường quốc đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc chiến ở Ukraine, một khía cạnh mới đã xuất hiện có thể gây những hậu quả tiềm tàng cho Trung Quốc trong cuộc chiến tương lai, đó là khả năng tình báo và phòng thủ của Đài Loan.

Các quan chức Hoa Kỳ gợi ý, việc hỗ trợ thông tin tình báo dành cho Kyiv, bao gồm cả trong thời gian thực, có thể là một mô hình để giúp Đài Bắc trong cuộc chiến của chính mình trong tương lai. Tuy nhiên, một số người lo sợ rằng Hoa Kỳ có thể chỉ hỗ trợ chia sẻ thông tin tình báo cho Đài Loan, thay vì hỗ trợ vũ khí và quân đội.

Phát biểu trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ vào đầu tháng 3, Giám đốc CIA William Burns đề xuất, tiếp theo là các lệnh trừng phạt của phương Tây, tốc độ và mức độ của các lệnh trừng phạt sẽ khiến các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh “bất an.” Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng có sự tác động đến tính toán của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan.”

Đánh lạc hướng dư luận

Bất kỳ cuộc tấn công giả định nào vào Đài Loan đều sẽ liên quan đến bầu không khí chính trị ở Trung Nam Hải, nơi ở và làm việc của giới lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Giám đốc cơ quan tình báo Đài Loan Chen Ming-tong dự đoán, một cuộc xâm lược khó có thể xảy ra trong tương lai gần bởi ông Tập muốn duy trì sự ổn định của Trung Quốc trong năm nay và năm tới.

Tuy nhiên, hôm 19/4, một quan chức Đài Loan giấu tên nói với tờ Thời báo Đài Bắc (Taipei Times) rằng ông Tập có thể phát động một cuộc tấn công giới hạn sau khi ĐCSTQ trao cho ông ấy nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba chưa từng có tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, có khả năng sẽ diễn ra vào tháng 11.

Quan chức này lưu ý, nhằm đánh lạc hướng [dư luận] khỏi những vấn đề rắc rối trong nước, [như] sự tái bùng phát dịch Covid và sự suy thoái kinh tế, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tìm cách sáp nhập một trong những hòn đảo của Đài Loan, như đảo Kim Môn (Kinmen) và đảo Mã Tổ (Matsu) nằm gần bờ biển Trung Quốc, và đảo Đông Sa (Pratas) hoặc đảo Ba Bình (Itu Aba) nằm đơn độc ở Biển Đông.

Quan chức này giải thích: “Bởi vì việc đánh chiếm Đài Loan sẽ rất khó khăn, do đó các tiền đồn nhỏ hơn có thể sẽ là các mục tiêu dễ đánh chiếm hơn. Trung Quốc cũng có thể lấy lý do về việc Nga công nhận các khu vực ly khai ở Ukraine làm cái cớ cho cuộc xâm lược của họ, và tuyên bố rằng họ đang tìm cách ‘tái gia nhập’ các khu vực ‘thân Trung Quốc’ với đất mẹ.”

Khi được hỏi về dự đoán này, Bộ trưởng Chiu đã không trực tiếp đề cập đến viễn cảnh một cuộc xâm lược giới hạn, nhưng ông nhấn mạnh: “Cho dù [Trung Quốc] tấn công các đảo xa xôi hay đảo chính [của Đài Loan], thì nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang là huấn luyện cho chiến tranh.”

Phát biểu với các phóng viên bên ngoài cơ quan lập pháp Đài Loan, ông lưu ý: “Đây là điều chúng tôi đang đề phòng và việc này sẽ không dừng lại.”

Mặc dù đánh giá chính trị của quan chức giấu tên có thể không đại diện cho suy nghĩ hiện tại của giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đài Loan, nhưng có những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến kéo dài của Nga ở Ukraine đã khiến Trung Quốc phải suy nghĩ rất nhiều.

Bài báo hôm 20/4 của Nikkei Asia đã dẫn lời một thành viên cấp cao của ĐCSTQ cho biết: “Những trận chiến hiện tại của quân đội Nga, quân đội mà chúng tôi ngưỡng mộ từ lâu, đã gây ra làn sóng chấn động lớn trong toàn đảng.”

Một cựu thành viên quân đội Trung Quốc tiết lộ: “Có một nhận thức mới về mức độ khó khăn khi vượt qua eo biển.”

Đài Loan có một loạt radar lớn liên tục dò quét bầu trời và vùng biển xung quanh đảo quốc này để theo dõi sự di chuyển của quân đội Trung Quốc. Lầu Năm Góc được cho là có đường dây trực tiếp kết nối với phần cứng thu thập thông tin tình báo của Đài Loan, một số phần cứng được mua từ Hoa Kỳ và do các kỹ sư Mỹ lắp đặt.

Do đó, sự tập trung quân của các lực lượng Trung Quốc, đủ để phát động một cuộc tấn công quy mô lớn, có khả năng sẽ bị phát hiện trước thời hạn tấn công vài tháng. Do tính chính xác của thông tin tình báo của Hoa Kỳ về cuộc xâm lược của Nga, những cảnh báo tương tự của Washington sẽ có được sự tín nhiệm trong tương lai.

Không có gì ngạc nhiên khi ông Chiu, quan chức quốc phòng hàng đầu của Đài Loan, cho hay, ông đã “khá bất ngờ” khi đọc tin tức về một cuộc tấn công đang diễn ra của Trung Quốc, sau khi một đài truyền hình Đài Loan phát sóng nhầm các mẫu tin giả về một cuộc xâm lược, thực tế đây chỉ là một phần của cuộc diễn tập phòng thủ hàng năm.

Gia Huy (Theo Newsweek)