Hôm thứ Sáu (29/10), Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Macron tại Rome (Ý). Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của hai bên sau tranh chấp ngoại giao căng thẳng giữa Pháp với Mỹ – Anh – Úc vào tháng trước liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Embed from Getty Images

Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Pháp Macron gặp nhau hôm 29/10  (LUDOVIC MARIN / AFP/ Getty Images)

Ông Biden hy vọng tận dụng thời gian Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome để cải thiện lại quan hệ Mỹ-Pháp.

Hai vị tổng thống đã bắt tay nhiệt tình sau cuộc gặp, và sau đó ngồi xuống thảo luận về khí hậu, chống khủng bố ở Tây Phi và vấn đề quốc phòng châu Âu.

Ông Macron cho biết trong bài phát biểu khai mạc tại Đại sứ quán Pháp ở Vatican: “Điều thực sự quan trọng bây giờ là những gì chúng ta làm cùng nhau trong những tuần và tháng tới… Đây là một cuộc họp quan trọng, vì sau sự cố AUKUS chúng tôi đã thực sự bắt đầu một dự án chung”, Macron nói.

AUKUS đề cập đến thỏa thuận an ninh lịch sử được Mỹ, Vương quốc Anh và Úc công bố vào tháng trước, theo đó Mỹ và Anh sẽ giúp Úc có được công nghệ của Mỹ trang bị cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, do đó Úc đã rút lại hợp đồng mua tàu ngầm từ Pháp trị giá 40 tỷ USD. Sự cố này đã làm dấy lên làn sóng phản đối ở Pháp, sau đó Pháp đã quyết định triệu hồi ngay đại sứ của mình tại Mỹ và Úc để tham vấn.

Trong cuộc gặp với ông Macron hôm thứ Sáu, ông Biden thừa nhận rằng thỏa thuận đạt được giữa Mỹ cùng Vương quốc Anh và Úc là thiếu cân nhắc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Pháp với tư cách là một đồng minh.

“Chúng tôi đã rất vụng về và thiếu tôn trọng”, Biden nói. “Tôi muốn nói rõ: Pháp là một đối tác cực kỳ, cực kỳ quý giá, một đối tác cực kỳ quan trọng”.

Biden cũng cho biết ông nghĩ Pháp đã được thông báo về thỏa thuận từ lâu trước khi Mỹ, Anh và Úc công bố thỏa thuận.

Ông nhấn mạnh Mỹ không có đồng minh nào lâu đời và gắn bó hơn Pháp, và không có phương diện nào mà Mỹ không thể hợp tác với Pháp. Hai bên đã làm rất nhiều điều cùng nhau, và không gì có thể phá vỡ quan hệ.

Ông Macron cho biết sau khi Mỹ, Anh và Úc thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên và hợp tác tàu ngầm hạt nhân, dẫn đến sự khác biệt giữa ba nước và Pháp, giờ đây Mỹ và Pháp đang cố gắng hàn gắn vết nứt, cuộc gặp của ông với Biden là “quan trọng”, là chìa khóa để “nhìn về phía trước”. Macron gọi cuộc gặp với Biden là “sự khởi đầu của quá trình cùng nhau xây dựng lòng tin”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng ông Biden và ông Macron sẽ thảo luận về một loạt vấn đề mà họ phải đối mặt, từ “chống khủng bố ở Trung Đông đến sự cạnh tranh giữa các cường quốc, đến các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ”.

Kể từ khi rạn nứt xảy ra, Washington đã thực hiện một số biện pháp để hàn gắn mối quan hệ.

Hồi đầu tháng này, ông Biden và ông Macron cũng đã có cuộc trò chuyện. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng đã đến thăm Paris vào đầu tháng này, ông thừa nhận Mỹ có thể có “kết nối tốt hơn”, và Phó Tổng thống Kamala Harris cho hay vào tháng 11 bà sẽ đến Paris để gặp ông Macron.

Cũng trong thứ Sáu, ông Biden cũng đã có cuộc gặp với Giáo hoàng Francis của Rome. Vatican cho biết trong một tuyên bố cùng ngày rằng Tổng thống Biden đã có “cuộc thảo luận chân thành” trong cuộc gặp của ông với Giáo hoàng và cuộc gặp sau đó với Ngoại trưởng Vatican Pietro Parolin, tập trung vào đoàn kết bảo vệ hành tinh, tình trạng chăm sóc sức khỏe và cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, cũng như các vấn đề như người tị nạn và hỗ trợ người nhập cư. Họ cũng đề cập đến việc bảo vệ nhân quyền, bao gồm tự do tôn giáo và tự do tư tưởng.

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times

Xem thêm: