Cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ (Liên Hiệp Quốc) Nikki Haley hôm thứ Tư (1/6) đã kêu gọi LHQ sa thải người phụ trách vấn đề nhân quyền ở Tân Cương vì chuyến “tham quan tuyên truyền” cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), không cho thấy có sự quan tâm đến tội ác “diệt chủng” của đảng này.

Twitter kiểm duyệt thông tin bầu cử
Cựu Đại sứ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley (Ảnh: Shutterstock)

Gần đây, Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đã có chuyến thăm đến Tân Cương, đây là một phần trong chuyến đi Trung Quốc kéo dài 6 ngày mà bà Bachelet vừa thông báo kết thúc vào thứ Bảy (28/5).

Nhưng sau chuyến thăm bị nhà cầm quyền Trung Quốc đặc biệt kiểm soát và hạn chế này, bà Bachelet đã có bài phát biểu ca ngợi ĐCSTQ, cho dù cũng lời phê bình nhưng tỏ ra rất chừng mực.

Động thái của Cao ủy Nhân quyền đã làm dấy lên bất bình từ nhiều bên, có thể thấy cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ Haley đã phản ứng gay gắt, thậm chí còn kêu gọi sa thải bà Bachelet và yêu cầu các nước thoái vốn khỏi tổ chức này.

Trong một tuyên bố với Fox News, bà Haley nói: “LHQ tiếp tục để ĐCSTQ mua chuộc chức sắc trong tổ chức, để họ bán linh hồn cho ĐCSTQ”.

Các nhà hoạt động và những người khác trong đó có cựu Đại sứ Haley đã kêu gọi bà Bachelet lên án cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương – biểu hiện mà Mỹ và nhiều nước khác coi là “tội diệt chủng”. Một đánh giá năm 2019 của LHQ cho thấy có cả triệu người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu là người Hồi giáo, bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương.

Ban đầu Bắc Kinh phủ nhận nhưng sau đó cho biết các cơ sở tập trung đó là “trung tâm đào tạo việc làm”, đó là một phần trong chiến dịch chống khủng bố, qua đó bác bỏ cáo buộc “diệt chủng” đối với những người bị giam giữ. Nhưng bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đã cưỡng bức triệt sản trong các trại tập trung, cấm các hoạt động tôn giáo và văn hóa, và tra tấn người bị giam giữ.

Nhưng sau chuyến đi đến Trung Quốc, bà Bachelet cho biết “đã đưa ra các vấn đề lo ngại” về Tân Cương, nhưng có vẻ lắng nghe theo xảo ngôn của ĐCSTQ rằng những chính sách đó để giải quyết chủ nghĩa khủng bố và cực đoan hóa.

Bà Bachelet nói: “Tôi khuyến khích Chính phủ Trung Quốc xem xét lại tất cả các chính sách chống khủng bố và chống xu thế cực đoan để đảm bảo các chính sách tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách không mang tính độc đoán hoặc phân biệt đối xử”.

Tuy nhiên cựu Đại sứ Haley nói: “Trước đó là vấn đề Tổ chức Y tế Thế giới không lên án COVID do ĐCSTQ gây ra (ĐCSTQ bị cáo buộc che giấu dịch bệnh, kể cả nguồn gốc). Bây giờ người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền lại có chuyến du ngoạn tuyên truyền về Trung Quốc (ĐCSTQ), nhắm mắt làm ngơ trước nạn diệt chủng…. Hoặc LHQ sa thải Michelle Bachelet, hoặc các nước nên từ bỏ tài trợ cho LHQ”.

Kể từ năm 2005, đây là lần đầu tiên một người phụ trách nhân quyền của LHQ tới thăm Trung Quốc. Năm 2018, bà Bachelet đề xuất dẫn đầu một đội đến Tân Cương để điều tra các vấn đề nhân quyền, nhưng bị ĐCSTQ từ chối. Sau nhiều lần trao đổi, cuối năm ngoái ĐCSTQ đã “nới lỏng” và cho phép các thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ đến Tân Cương, nhưng không phải với danh nghĩa “điều tra” mà chỉ là “thăm hỏi”.

Đã từ lâu, bà Haley luôn là người chỉ trích công việc nhân quyền của LHQ. Khi bà còn là Đại sứ LHQ, Mỹ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền với lý do LHQ thành kiến ​​chống Israel và thành viên của LHQ có cả những nước có hồ sơ nhân quyền kém như Trung Quốc.

Ngay cả chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đương nhiệm dù đã tái gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng bày tỏ lo ngại về chuyến thăm của bà Bachelet sau khi nhận thấy nhiều hạn chế mà Bắc Kinh áp đặt.

Ngoại trưởng Anthony Blinken cho biết trong một tuyên bố:

“Chúng tôi thậm chí còn băn khoăn hơn khi có báo cáo nói người dân Tân Cương đã được cảnh báo rằng họ không được phép phàn nàn, hoặc nói công khai về tình trạng trong khu vực, không được cung cấp bất kỳ thông tin nào về tung tích của hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ đã mất tích và tình hình của hơn 1 triệu người đang bị giam giữ.”

“Lẽ ra Cao ủy đã được cấp quyền gặp gỡ bí mật với các thành viên trong gia đình người Duy Ngô Nhĩ không bị giam giữ nhưng bị cấm rời khỏi Trung Quốc và các cộng đồng người dân tộc thiểu số Tân Cương khác. Chúng tôi cũng lưu ý rằng Cao ủy không được phép tiếp cận các cá nhân đã tham gia chương trình chuyển giao lao động Tân Cương và được cử đến các tỉnh khác ở Trung Quốc.”

Ông Blinken nhấn mạnh, “Hoa Kỳ vẫn quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Đặc biệt là khi các báo cáo mới cung cấp thêm bằng chứng về việc giam giữ tùy tiện hơn 1 triệu người ở Tân Cương. Những người sống sót và gia đình của những người bị giam giữ mô tả mức độ đối xử tàn nhẫn rất khủng khiếp như tra tấn, cưỡng bức triệt sản, lao động cưỡng bức do nhà nước bảo trợ, bạo lực tình dục và buộc trẻ em phải tách khỏi cha mẹ chúng.”

“Chúng tôi cũng kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tôn trọng nhân quyền của người Tây Tạng, những người sống ở Hồng Kông, những người tìm kiếm việc thực thi quyền con người một cách hòa bình được ghi trong ‘Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền’ và các quyền tự do cơ bản của tất cả những người khác.”

“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấm dứt ngay các hành động tàn bạo ở Tân Cương, trả tự do cho những người đã bị giam giữ bất công, giải trình tung tích của những người đã biến mất, và cho phép nhân viên điều tra độc lập đến Tân Cương, Tây Tạng và tất cả các vùng của Trung Quốc mà không bị cản trở.”

Trong chuyến thăm của bà Bachelet tới Trung Quốc, nhà cầm quyền ĐCSTQ đã sắp xếp hành trình theo quy trình khép kín với lý do vì vấn đề dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), động thái khiến chuyên gia LHQ không được phép tự do đi lại, không thể tự do thăm hỏi bất kỳ ai.

Mộc Vệ (t/h)