Theo một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành ít nhất ba cuộc diệt chủng, nhằm mục đích tiêu diệt những người theo học Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng.

Robert Destro
Ông Robert Destro, cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Ảnh: The Epoch Times)

Ông Robert Destro, cựu trợ lý ngoại trưởng về dân chủ, nhân quyền và lao động phát biểu trên chương trình American Thoughts Leaders của EpochTV hôm 8/12: “Những người mà các bạn đang giao dịch ở Trung Quốc là những kẻ buôn người.… Họ đang phạm tội diệt chủng chống lại chính người dân của họ.”

“Diệt chủng không chỉ là giết chóc… đó là sự hủy diệt mang tính hệ thống cả một cộng đồng.”

Pháp Luân Công

Ông Destro nhận định, mặc dù nhóm Pháp Luân Công không phải là một cộng đồng dân tộc, nhưng ĐCSTQ đã nhắm mục tiêu vào những học viên của họ vì đức tin kiên định của họ với môn tu luyện, bất chấp “những nỗ lực có hệ thống nhằm xóa sổ họ, phân tán họ, cưỡng bức họ [của chính quyền]”. Và cuộc bức hại này phải được xem là tội diệt chủng.

mo cuop noi tang
Các học viên Pháp Luân Công tổ chức diễu hành phản đối hoạt động mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ hôm 18/4/2021 tại Flushing, New York. (Ảnh: The Epoch Times)

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng dạy về đạo đức dựa trên nguyên lý cốt lõi Chân-Thiện-Nhẫn. Các học viên Pháp Luân Công đã bị chế độ cộng sản Trung Quốc bức hại tàn bạo từ năm 1999.

Theo ông Destro, môn thiền định Pháp Luân Công được coi là giúp đưa mọi người đến gần hơn với nền văn hóa truyền thống đích thực của Trung Quốc. Nhưng vào khoảng năm 1996 hoặc 1997, khi Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc nhận thấy số lượng học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc có thể đã vượt qua các đảng viên cộng sản, cựu lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân khi đó đã cảm thấy một nỗi lo sợ mơ hồ và thúc đẩy cuộc bức hại. Theo ước tính vào thời điểm đó, môn tu luyện này đã thu hút khoảng 70 triệu người đến 100 triệu theo học ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990.

Ông tiếp tục: “Trong một xã hội toàn trị như thế, các bạn không thể có một tổ chức nào mà có quan điểm trái ngược với những gì Trung Quốc áp đặt… [đó bị coi là một] mối đe dọa hiện hữu.”

Ông Destro hiện là giáo sư luật tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, đã lập luận rằng, “không có gì phải bàn cãi” về việc Pháp Luân Công đáp ứng định nghĩa của một cộng đồng tôn giáo theo Luật pháp Hoa Kỳ. Và nếu những người này bị đàn áp ở Hoa Kỳ, giống như họ phải chịu bức hại như vậy ở Trung Quốc thì “Mọi người sẽ rất giận dữ.”

Chiến dịch đàn áp có hệ thống của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công đã bị các chuyên gia định nghĩa là tội “diệt chủng lạnh”, do những nỗ lực lâu dài và dai dẳng của chế độ cộng sản nhằm tiêu diệt nhóm tín ngưỡng này trong suốt hai thập kỷ qua. Thuật ngữ này được sử dụng để phân biệt với “diệt chủng nóng” nhằm mục đích loại bỏ một nhóm trong một thời gian ngắn.

Năm 2006, có nhiều cáo buộc về việc ĐCSTQ giết hại các học viên Pháp Luân Công để thu hoạch nội tạng của họ phục vụ cho cấy ghép. Kể từ đó, nhiều cuộc điều tra đã xác nhận những chi tiết rùng rợn về tội ác tàn bạo này.

Ông Destro cho rằng, mổ cướp nội tạng là một hình thức buôn bán người, thuộc loại tội phạm có tổ chức, nhưng nếu thực hiện với mục đích tận diệt một cộng đồng nào đó thì sẽ trở thành tội ác diệt chủng.

Tòa án Trung Quốc – một tòa án nhân dân độc lập do Ngài Geoffrey Nice làm chủ tọa – đã ra phán quyết vào năm 2019 rằng chế độ Trung Quốc đã thực hiện hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm trong suốt nhiều năm trên quy mô đáng kể. Báo cáo nói khẳng định, “có một nguồn nội tạng nhất định đến từ các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù và đó có thể là nguồn chủ yếu”.

 

Epoch Times9A6A9108
Người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Hongkong, người miền Nam Mông Cổ, người Đài Loan, người Trung Quốc, các nhà hoạt động dân chủ đã cùng tham gia kêu gọi chống lại sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tự do, dân chủ và nhân quyền, trước trụ sở Liên hợp quốc ở New York Thành phố vào ngày 1 tháng 10 năm 2020. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Người Duy Ngô Nhĩ

Những vi phạm nhân quyền mà người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương phải gánh chịu “bao gồm từ việc bị bắt giữ, sau đó đưa họ vào trại tập trung, rồi bắt họ làm việc; hoặc là bắt giữ, đưa vào trại tập trung và mổ lấy nội tạng của họ,” ông Destro cho hay.

Ngày 9/12, một tòa án nhân dân độc lập, được gọi là Tòa án Duy Ngô Nhĩ, đã ra phán quyết, chế độ Trung Quốc đã thực hiện hành vi diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ cùng các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương.

Tòa án Duy Ngô Nhĩ nhận thấy ĐCSTQ, thông qua một loạt các hành động đàn áp bao gồm giam giữ hàng loạt, chia tách các gia đình, ép buộc triệt sản và cưỡng bức lao động, đã thực thi “chính sách có chủ ý, có hệ thống và phối hợp” nhằm giảm dân số Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương.

“Thật đáng kinh ngạc khi các bạn nhìn vào phạm vi và chiều sâu của sự suy thoái nhân quyền mà chúng ta đang thấy ở đó,” ông Destro nhận xét khi nhắc đến cuộc đàn áp của ĐCSTQ ở Tân Cương.

Ông Destro nhìn nhận, người Duy Ngô Nhĩ sẽ có số phận tương tự như người Tây Tạng, khi mà nền văn hóa của họ luôn bị chính quyền Trung Quốc nhắm tới để xóa bỏ. Đây là “một phần của định nghĩa về tội ác diệt chủng”, ông nói thêm.

Embed from Getty Images

Người Tây Tạng

Năm 1950, ĐCSTQ tiếp quản Tây Tạng – miền đất lịch sử của cộng đồng dân tộc Tây Tạng với các truyền thống Phật giáo độc đáo – và kể từ đó chính quyền đã bắt đầu một chiến dịch tước bỏ di sản văn hóa và tôn giáo của người dân tại khu vực này.

Trong nỗ lực loại bỏ văn hóa Tây Tạng, ĐCSTQ đã sử dụng biện pháp kiểm soát dân số, cấm dạy tiếng Tây Tạng cho trẻ em và cố gắng kiểm soát việc đào tạo các tăng nhân Phật giáo, cũng như việc kế vị và tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma, theo ông Destro.

Ông nói rằng, báo chí phương Tây đã không đưa tin về các vi phạm nhân quyền của Tây Tạng một cách liên tục, đó là lý do tại sao mọi người thường không thường xuyên nghe nói đến vấn đề này.

Cuối cùng, ông Destro kết luận, khi giao dịch với Trung Quốc, thế giới phương Tây không nên tách rời hoạt động kinh doanh khỏi quyền con người, và các quốc gia nên tránh mua các sản phẩm được sản xuất thông qua lao động cưỡng bức. “Luật pháp Mỹ hiện đang cấm nhập khẩu bất cứ sản phẩm gì được làm từ lao động nô lệ. Chúng ta có thực thi quy tắc đó hay không? Nếu chúng ta không thực thi, thì đừng nói với tôi về áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc.”

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: