Cựu Tổng thống Peru Marin Vizcarra và phu nhân đã dương tính với COVID-19, sau khi cả 2 đều tiêm vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất vào tháng 10/2020.

vắc-xin
Cựu Tổng thống Peru Martin Vizcarra. (Ảnh: Wikimedia/CC BY-SA 3.0)

Ngay sau khi nhận được kết quả xét nghiệm hôm 25/4, ông Vizcarra (người từng giữ chức Tổng thống Peru từ năm 2018 đến năm 2020 trước khi bị luận tội) đã thông báo tin này trên Twitter: “Mặc dù đã thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh mang virus về nhà, nhưng tôi và vợ vẫn bị dương tính với COVID-19. Gia đình chúng tôi đang thực hiện các biện pháp cách ly. Chúng ta không nên mất cảnh giác”.

Trước đó, cựu Tổng thống Peru Martin Vizcarra cùng nhiều quan chức cao cấp Peru đã bí mật tiêm vắc-xin COVID-19 của hãng Sinopharm (Trung Quốc) vào tháng 10/2020, trước khi loại vắc-xin này được công bố rộng rãi.

Nguyên nhân dẫn đến vụ bê bối trên là do ông Vizcarra đã lợi dụng chức quyền và quan hệ chính trị để lén lút tiêm một loại vắc-xin cho bản thân và gia đình khi loại vắc-xin chưa được cấp phép sử dụng trong nước.

Dẫu vậy, tại các phiên luận tội, ông Vizcarra vẫn phủ nhận mọi hành vi sai trái bằng việc biện hộ lý do ông được tiêm chủng sớm là do “ông và vợ tình nguyện tham gia vào các cuộc thử nghiệm vắc-xin của Sinopharm trước khi tiêm chính thức”.

Đến ngày 16/4/2021, Quốc hội Peru đã bỏ phiếu với tỷ lệ nhất trí 86 – 0 bãi nhiệm ông Vizcarra, qua đó ông không được nắm giữ bất cứ các chức vụ công nào trong 10 năm với tội danh “lợi dụng ảnh hưởng và khai báo gian dối”.

Sinopharm là loại vắc-xin bất hoạt do một công ty con của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc có tên là CNBG sản xuất. Kể từ khi xuất hiện trên thị trường, loại vắc-xin này đã vấp phải nhiều nghi vấn về tính hiệu quả trong việc ngăn ngừa virus.

Tại một hội thảo chuyên đề diễn ra vào hôm 10/4 vừa qua, thậm chí ngay cả Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc Cao Phú (Gao Fu) cũng thừa nhận rằng vắc-xin của Trung Quốc “có hiệu quả thấp” và đề nghị chính phủ kết hợp các loại vắc-xin sử dụng những công nghệ khác nhau để cho ra kết quả tiêm chủng tốt hơn.

Theo Đại học Johns Hopkins, tính đến thời điểm hiện tại, Peru vẫn là một trong những ổ dịch lớn nhất khu vực Mỹ Latin, với báo cáo ít nhất 1,75 triệu trường hợp mắc COVID-19 và hơn 59.400 ca tử vong kể từ khi bùng phát đại dịch.

Đặc biệt trong những tuần gần đây, các quan chức Peru liên tục đưa ra các biện pháp cứng rắn nơi công cộng nhằm ngăn ngừa làn sóng dịch bệnh mới. Hôm 24/4 vừa qua, chính phủ Peru đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu người dân đeo 2 khẩu trang bên trong các cơ sở kinh doanh tạp hóa, trung tâm mua sắm và hiệu thuốc. Trong khi đó, ở các khu vực công cộng đông đúc, bắt đầu từ ngày 26/4, ngoài khẩu trang mọi người dân ra đường đều phải đeo thêm tấm che mặt bằng nhựa.

Phát biểu trên truyền hình cuối tuần trước, Tổng thống lâm thời Francisco Sagasti cho biết Peru đang ở đỉnh điểm của đợt đại dịch thứ 2, đồng thời ban hành chiến dịch phân phát khẩu trang miễn phí cho người dân ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 6/2021.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: