Dưới đây là toàn văn bài bình luận của cựu Tổng thống Donald J. Trump về kế hoạch đưa các trường học tại Mỹ thoát khỏi những học thuyết cấp tiến và chia rẽ.

Embed from Getty Images

Khi còn là ứng cử viên, lời hứa hẹn hàng đầu của ông Joe Biden là “thống nhất” nước Mỹ. Tuy nhiên, trong những tháng đầu tiên trên cương vị tổng thống, ưu tiên số một của ông là liên tục chia rẽ đất nước chúng ta theo [khuynh hướng] chủng tộc và giới tính.

Không có ví dụ nào rõ ràng hơn nỗ lực gần đây của chính quyền Biden nhằm truyền bá cho học sinh Mỹ những lý thuyết độc hại và mang tính phản nước Mỹ chưa từng thấy. Vấn đề sống còn là người Mỹ cần hiểu được chuyện này sẽ mang đến những gì, yếu tố nào thúc đẩy nó, và quan trọng nhất là chúng ta làm cách nào để có thể ngăn chặn nó.

Trong nhiều thập kỷ, phe cánh tả chuyên đổ lỗi cho nước Mỹ đã không ngừng thúc đẩy tầm nhìn về một Hoa Kỳ, nơi mà lịch sử, văn hóa, truyền thống và các văn kiện lập quốc (được cho là bao gồm Hiến pháp Hoa Kỳ, Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ) bị ‘nhào nặn’ theo chiều hướng tiêu cực nhất có thể. Tuy nhiên, đến những năm gần đây, nỗ lực vô cùng phi tự nhiên này đã tiến triển từ việc nói với trẻ em rằng lịch sử của chúng ta là xấu xa sang ‘rót’ và tai người Mỹ rằng chính bản thân họ cũng xấu xa.

Tại các lớp học trên toàn quốc, học sinh đang phải theo một chương trình giảng dạy mới được thiết kế để tẩy não các em bằng một ‘giáo điều’ thiên tả nực cười được gọi là “lý thuyết chủng tộc phê phán”. Sự thật quan trọng đằng sau thứ học thuyết méo mó này là nó hoàn toàn trái ngược với những gì mà người dân Mỹ bình thường, thuộc bất kỳ sắc tộc nào, mong muốn dạy cho con cái của họ.

Thay vì giúp những người trẻ tuổi nhận ra Hoa Kỳ là quốc gia vĩ đại nhất, khoan dung nhất và hào phóng nhất trong lịch sử, nó (lý thuyết chủng tộc phê phán) dạy cho họ rằng Mỹ là một đất nước xấu xa từ trên xuống dưới, và trái tim của người dân chúng ta chứa đầy thù hận và sự tàn độc. Gần như đối lập với giấc mơ tươi đẹp của Linh mục Martin Luther King Jr rằng con cái của chúng ta “không nên bị đánh giá bằng màu da, mà là bằng nhân phẩm của chúng”, lý thuyết ghê tởm gần đây của cánh tả rao giảng rằng việc phán xét một người theo màu da của họ thực sự là ý kiến hay.

Việc dạy những thông điệp gây chia rẽ này cho dù chỉ với một đứa trẻ cũng bằng như việc bạo hành tâm lý. Truyền bá cho các thế hệ trẻ em những ý tưởng cực đoan này không chỉ là [hành vi] vô đạo đức – mà còn là một kế hoạch ‘tự hại chết’ đất nước của mình. Tuy nhiên, đó lại vừa khớp với những gì mà chính quyền Biden gần đây đã xác nhận trong một điều luật được công bố tại Cơ quan Đăng ký Liên bang nhằm bắt học sinh ở Mỹ phải theo một chương trình giảng dạy được lấy cảm hứng từ “lý thuyết chủng tộc phê phán”.

Điều luật này viện dẫn rõ “Dự án 1619”, một dự án không đáng tin cậy của tờ New York Times, làm động lực. Tờ [New York] Times đã mô tả nỗ lực của họ là nhằm “giáo dục lại” cho người dân Mỹ, và kế hoạch này thậm chí còn lên một giáo án khuyến khích học sinh thực hành việc “xóa bỏ” nhiều phần của Tuyên ngôn Độc lập.  Điều luật của ông Biden cũng trực tiếp trích dẫn [lời] của một nhà hoạt động cánh tả, đồng thời là người đứng đầu đề xướng lý thuyết chủng tộc phê phán, sách giáo khoa do người này viết có đoạn: “Cách duy nhất để bồi thường cho nạn phân biệt đối xử trong quá khứ là [hãy] phân biệt đối xử ở hiện tại. Cách duy nhất để bồi thường cho nạn phân biệt đối xử ở hiện tại là [hãy] phân biệt đối xử trong tương lai.”

Đây chính là điều mà chính quyền Biden mong muốn dạy cho trẻ em Mỹ.

Điều lệ của Bộ Giáo dục bắt nguồn từ một lệnh điều hành mà ông Biden đã ký vào ngày đầu tiên nhậm chức. Lệnh này của ông Biden đã bãi bỏ Ủy ban Cố vấn 1776 của Tổng thống mà tôi lập ra nhằm tôn vinh các nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ, đồng thời đảo ngược một lệnh hành pháp mà tôi đã thực thi nhằm ngăn chặn việc áp dụng những lý thuyết băng hoại đạo đức này lên các nhân viên liên bang trong những buổi đào tạo lực lượng lao động.

Rất may, hầu hết người dân Mỹ đều phản đối sự điên rồ này. Cho đến thời điểm hiện tại, cánh tả chỉ còn biết tránh né những lời chỉ trích vì không có nhiều phụ huynh quan tâm và lên tiếng. Nhưng điều này cũng đang nhanh chóng thay đổi. Từ Hạt Loudoun – Virginia cho đến [thành phố] Cupertino – California, các bậc cha mẹ đã bắt đầu lên tiếng phản đối cuộc cách mạng văn hóa cánh tả. Những gì họ cần bây giờ là một kế hoạch để thực sự ngăn chặn nó.

Dưới đây là những phương thức cải cách mà mỗi bậc cha mẹ quan tâm ở Mỹ đều nên nghiêm túc [suy ngẫm].

Thứ nhất, mọi cơ quan lập pháp cấp tiểu bang đều nên thông qua lệnh cấm tiền thuế của người dân bị ‘đổ’ vào bất kỳ khu học chánh hoặc nơi làm việc nào dạy lý thuyết chủng tộc phê phán, vốn đã vi phạm luật chống phân biệt đối xử hiện hành. Trên tinh thần lệnh hành pháp của tôi vào năm ngoái, Florida, Texas, North Carolina, Oklahoma và những tiểu bang khác đã thực hiện các bước để thông qua những điều luật như vậy. Việc này cần được thực hiện ở khắp mọi nơi – và Quốc hội cũng nên tìm cách thông qua quyền lập pháp để đưa ra lệnh cấm cấp liên bang.

Thứ hai, mỗi tiểu bang nên thành lập Ủy ban 1776 của riêng mình để đánh giá chương trình giảng dạy của [các] trường công lập và đảm bảo rằng học sinh được nhận một nền giáo dục yêu nước, ủng hộ Mỹ – không phải được dạy rằng Hoa Kỳ là một quốc gia xấu xa.

Thứ ba, cha mẹ có quyền biết chính xác những gì đang được dạy cho con cái của họ. Năm ngoái, lần đầu tiên, nhiều phụ huynh đã có cơ hội thường xuyên nghe [giảng] trong các lớp học nhờ [hình thức] học từ xa. Khi học sinh quay trở lại trường học, các tiểu bang cần thông qua luật yêu cầu tất cả giáo án phải được cung cấp cho phụ huynh – mọi tài liệu phát tay, các bài báo và bài đọc phải được đăng tải trên một kênh thông tin trực tuyến cho phép phụ huynh xem những gì mà con họ đang được dạy. Hơn nữa, ở nhiều nơi, đã có những quy định ngăn học sinh ghi lại những gì giáo viên nói trong lớp. Các tiểu bang và hội đồng trường học nên thiết lập “Quyền [cho phép] ghi lại”.

Thứ tư, các phụ huynh cần tổ chức với nhau trong nội bộ địa phương – tại mọi khu học chánh ở Mỹ – nhằm loại bỏ [chương trình] “Giáo dục Hành động công dân”, và các phiên bản khác của nỗ lực biến việc giáo dục công dân truyền thống thành một phương tiện để truyền bá chính trị. Lập luận mới của phe cánh tả cho rằng “sự chia rẽ” của chúng ta xuất phát từ việc thiếu “giáo dục công dân” – vấn đề mà họ định “khắc phục” bằng rất nhiều khoản tiền thuế mới của người dân, và bằng cách định nghĩa lại môn “giáo dục công dân” trong trường học, cũng giống như cách mà họ đang cố gắng xác định lại ý nghĩa của từ “cơ sở hạ tầng”.

Ngay bây giờ, Quốc hội đang tiến hành xây dựng một dự luật trị giá 1 tỷ đô la được gọi là Đạo luật Dân chủ An toàn Công dân. Không một đảng viên Cộng hòa nào nên tin tưởng chính quyền Biden cùng với 1 tỷ đô la nhằm chi cho các chương trình như vậy. Thậm chí tệ hơn, các nhà lập pháp đang đe dọa thiết lập một chương trình giảng dạy cấp quốc gia lấy danh nghĩa là về lịch sử và giáo dục công dân, mua chuộc các tiểu bang áp dụng chương trình giảng dạy mang tính phản nước Mỹ của phe cánh tả một cách hiệu quả. Đó chính là sự lặp lại của chương trình “Sáng kiến cốt lõi chung” (Common Core – hệ thống phác thảo các kỹ năng và kiến thức mà học sinh trường công phải đạt được ở mỗi khối lớp từ mẫu giáo cho đến lớp 12″) – nhưng cực đoan hơn nhiều. Và cũng giống như [đối với] “Common Core”, các bậc cha mẹ cần phải đoàn kết để ngăn chặn cuộc cướp đoạt quyền lực liên bang này.

Thứ năm, bất kỳ phụ huynh nào phản đối những tài liệu được dạy cho con họ ở trường công lập nên có được một sự xác nhận tự động, cho phép họ chọn một trường khác mà họ muốn. Chính phủ không có quyền tẩy não các học sinh bằng những hệ tư tưởng trái ngược với ý muốn của cha mẹ chúng.

Thứ sáu, các tiểu bang cần lấy lại quyền kiểm soát những cơ sở giáo dục và cơ quan cấp chứng chỉ của họ để đảm bảo chúng không ‘đào tạo’ ra những giáo viên cực đoan. Cần phải nói rõ, phần lớn giáo viên của đất nước chúng ta là những người vị tha và tuyệt vời nhất – nhưng thật đáng tiếc, nhiều người đã tốt nghiệp từ những cơ sở giáo dục cực kỳ thiên lệch và thậm chí có thể không nhận thức được mức độ mà tư tưởng cánh tả đã bị ‘nhồi nhét’ vào chương trình học của họ.

Các tiểu bang nên thành lập những cơ quan cấp chứng chỉ mới, nơi có thể chứng nhận những giáo viên tuyệt vời, những người biết cách truyền đạt tình yêu dành cho nước Mỹ. Sau đó, các khu học chánh có thể ưu tiên tuyển dụng những giáo viên có các chứng chỉ này, đặc biệt là các vị trí [dạy] tiếng Anh, lịch sử và khoa học xã hội. Các tiểu bang thậm chí có thể thiết lập phiên bản “Teach for America” (một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận ở Mỹ) của riêng họ để thu hút những người trẻ nhiệt huyết và yêu nước vào [dạy] trong các lớp học.

Cuối cùng, các tiểu bang cần phải dỡ bỏ [chính sách] độc quyền về nhiệm kỳ (chính sách hạn chế khả năng sa thải giáo viên, nếu muốn sa thải phải có lý do “chính đáng”) trong các trường công lập theo hệ thống 12 khối lớp. Ban đầu, [chính sách] nhiệm kỳ được cho là để bảo vệ các giáo viên có năng lực khỏi bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp chính trị phi lý; giờ nó đã trở thành một cơ chế để bảo vệ những giáo viên không đủ năng lực, những người mà bản thân họ đang vận dụng quyền hạn để tạo nên những ảnh hưởng chính trị không phù hợp với con cái chúng ta. Các nhà giáo dục mà khiến trẻ em xa lánh đất nước của chúng không nên được bảo vệ với nhiệm kỳ suốt đời; họ nên được ‘trả tự do’ để theo đuổi sự nghiệp như một nhà hoạt động chính trị.

Đừng để bị lừa gạt: Động cơ đằng sau tất cả sự điên rồ này của phe cánh tả là nhằm đánh mất lòng tin và loại bỏ những trở ngại lớn nhất đối với [kế hoạch] chuyển hóa nước Mỹ từ căn bản. Để thành công với chương trình nghị sự cực đoan của mình, những người theo chủ nghĩa cấp tiến biết rằng họ phải xóa bỏ sự gắn kết của chúng ta với Hiến pháp, Tuyên ngôn Độc lập, và quan trọng hơn tất cả, là phải xóa bỏ bản sắc rất riêng của người dân Mỹ, những con người tự do, tự chủ và đáng tự hào. Cánh tả biết rằng nếu họ có thể xóa sổ ký ức và bản sắc của dân tộc chúng ta, họ có thể giành được toàn quyền kiểm soát chính trị mà họ khao khát.

Một quốc gia chỉ có thể vững mạnh như linh hồn của nó. Vì [thế hệ] trẻ em của đất nước, chúng ta phải hành động trước khi quá muộn.

Vy An biên dịch

Xem thêm: