Fox News đưa tin hôm 23/8, Bộ Tư pháp đang xem xét các tài liệu bị FBI thu giữ trong cuộc đột kích vào dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump. Điều này có thể thúc đẩy ông Trump tiến hành hành động pháp lý, bổ nhiệm một giám đốc độc lập, từ đó khiến nỗ lực xem xét các tài liệu bị thu giữ trở nên phức tạp hơn.

Embed from Getty Images

Còn theo Reuters, Cựu Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu một tòa án liên bang tạm thời chặn FBI xem xét các tài liệu mà họ thu giữ được từ dinh thự của ông ở Florida 2 tuần trước, cho đến khi một chuyên gia đặc biệt có thể được chỉ định để giám sát quá trình xem xét.

Một quan chức thực thi pháp luật cấp cao quen thuộc với quy trình nói với Fox News, rằng việc xem xét bắt đầu ngay sau khi lệnh khám xét được thực hiện vào ngày 8/8.

Quan chức này nói với Fox News rằng, việc Bộ Tư pháp sử dụng các “nhóm lọc” để kiểm tra các tài liệu thu được trong quá trình khám xét là thủ tục tiêu chuẩn, nhằm xác định các hồ sơ có thể được bảo vệ bởi đặc quyền của luật sư – người được ủy thác hay không.

Cuộc khám xét là một phần trong cuộc điều tra liên bang về việc liệu ông Trump có xử lý sai các tài liệu chính phủ khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2021 hay không.

Theo NewYork Post, ngày 14/8/2022, cựu Tổng thống Trump đã kêu gọi Bộ Tư pháp trả lại tài liệu mà các nhân viên FBI đã thu giữ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông, và viện dẫn đặc quyền hành pháp hậu thuẫn cho yêu cầu này.

Tuần trước, Fox News lần đầu đưa tin, trong cuộc đột kích, các đặc vụ FBI đã thu giữ các hộp hồ sơ liên quan đến luật sư-khách hàng và đặc quyền điều hành.

Các nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra nói với Fox News hôm thứ Bảy (20/8) rằng nhóm của cựu tổng thống được cho biết, các hộp có nhãn A-14, A-26, A-43, A-13, A-33 được hiển thị trên trang cuối cùng của biên lai thu giữ tài sản của FBI và một bộ tài liệu, tất cả đều chứa thông tin được đề cập bởi đặc quyền của luật sư-khách hàng.

Đặc quyền của luật sư-khách hàng đề cập đến đặc quyền pháp lý trong việc giữ bí mật thông tin liên lạc giữa luật sư và khách hàng. Không rõ liệu các hồ sơ có bao gồm liên lạc giữa ông Trump và luật sư riêng của ông, cố vấn Nhà Trắng trong chính quyền của ông Trump hay không, hoặc cả hai.

Các nguồn tin nói với Fox News rằng một số hồ sơ có thể được bảo vệ bởi đặc quyền hành pháp, cho phép tổng thống và các quan chức nhánh hành pháp có quyền giữ lại một số kiến nghị và các cuộc thảo luận nhạy cảm giữa tổng thống và các cố vấn cấp cao.

Việc Bộ Tư pháp sử dụng các “nhóm lọc”, dù là thủ tục tiêu chuẩn, cũng có thể làm phức tạp nỗ lực của nhóm pháp lý của ông Trump, trong việc bổ nhiệm một giám đốc đặc biệt độc lập, để kiểm tra các hồ sơ bị thu giữ, có khả năng đã được Bộ Tư pháp thu thập. Vì những hồ sơ này rất có thể đã được các quan chức của Bộ Tư pháp xem xét.

Luật sư của ông Trump đã đệ trình một kiến ​​nghị vào tối hôm 22/8 tại Tòa án Quận Nam của Florida, yêu cầu các chuyên gia bên thứ 3 xem xét hồ sơ. Họ nhấn mạnh rằng “nhóm lọc” “sẽ không bảo vệ quyền lợi của Tổng thống Trump”.

“Vì những lý do nêu trên, Tổng thống Trump trịnh trọng đề nghị Tòa án này ban hành lệnh chỉ định một giám sát viên đặc biệt; cấm chính phủ xem xét thêm tài liệu bị thu giữ, cho đến khi một giám sát viên đặc biệt được chỉ định; yêu cầu chính phủ cung cấp thông tin chi tiết hơn về biên lai thu giữ tài sản; và yêu cầu chính phủ trả lại bất kỳ đồ vật bị tịch thu nào không có trong lệnh khám xét,” kiến nghị kết luận.

Động thái này còn chỉ ra, chính quyền “từ lâu đã đối xử không công bằng với Tổng thống Trump”.

Ông Trump và nhóm pháp lý nhấn mạnh “chính trị không được phép ảnh hưởng đến chính quyền tư pháp”, và rằng quyết định đột kích tư dinh của ông Trump trong những tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 “có liên quan đến các tính toán chính trị đã được thiết kế sẵn, nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của ông Trump trong Đảng Cộng hòa.”

Vụ khám xét dinh thự Mar-a-Lago đánh dấu một bước leo thang đáng kể trong các cuộc điều tra liên bang và tiểu bang nhắm vào cựu Tổng Thống Trump.

Theo Yahoo News, FBI đã vào cuộc đúng thời hạn khi tiến hành một cuộc khám xét chưa từng có vào nhà nghỉ dưỡng của cựu Tổng thống Donald Trump hôm 8/8. Thời điểm này – trước khi ông Trump tuyên bố ra tranh cử và chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ – dường như phù hợp với chính sách của Bộ Tư pháp, rằng trong vòng 90 ngày kể từ ngày bầu cử, không thực hiện các cuộc điều tra công khai bị coi là có động cơ chính trị.

Ông Elie Honig, một cựu công tố viên liên bang và tiểu bang, nói với CNN rằng quyết định thực hiện cuộc khám xét vào ngày 8/8 có thể là do cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra đúng 3 tháng nữa – đó là ngày 8/11. Ông nhấn mạnh: “Hôm nay chỉ còn khoảng 90 ngày nữa so với giữa kỳ, tôi nghĩ có thể là 91 hoặc 92 ngày. Chính sách đó có thể là lý do tại sao họ khám xét vào ngày hôm nay, vì họ biết rõ quy tắc 90 ngày này.”

Hôm thứ Hai (22/8), trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Anthony Coley đã phản ứng về hành động pháp lý của ông Trump: “Lệnh khám xét ngày 8/8 tại Mar-a-Lago đã được tòa án liên bang ủy quyền theo yêu cầu. Bộ Tư pháp đã được thông báo về đề xuất chính thức (của ông Trump) vào tối nay. (Chính phủ) Hoa Kỳ sẽ trả lời trước tòa.”

Cùng ngày, Thẩm phán Bruce Reinhart thừa nhận cuộc đột kích của FBI vào Mar-a-Lago là “chưa từng có tiền lệ” và bác bỏ lập luận của Bộ Tư pháp, rằng bản tuyên thệ – văn bản trình bày lý do tại sao FBI có căn cứ khám xét dinh thự của ông Trump, đã bị niêm phong và Bộ Tư pháp phải giao nộp bản tuyên thệ sửa đổi vào trưa thứ Năm.

Thẩm phán Reinhart, người chấp thuận lệnh khám xét Mar-a-Lago, đang cân nhắc liệu có nên yêu cầu Bộ Tư Pháp công bố một bản sao đã qua biên tập của bản tuyên thệ hay không.

Một số nhóm vận động và các hãng truyền thông đã yêu cầu tòa công khai bản tuyên thệ. Ông Trump và một số thành viên Quốc hội Mỹ, cũng kêu gọi công khai tài liệu này.

Bản tuyên thệ sẽ cung cấp chi tiết về cách thức Cục Điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) xác định nguyên nhân của cuộc khám xét, dẫn đến việc FBI tịch thu 20 thùng tài liệu của ông Trump.

Người phát ngôn của ông Trump, ông Taylor Budowich đã đăng một bài viết lên Twitter hôm thứ Năm (18/8) rằng “không cần thay đổi, toàn bộ bản tuyên thệ nên được công bố”.

Bình Minh (t/h)