Hôm 14/4, ông Joe Biden tuyên bố “đã đến lúc kết thúc” cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ với việc rút quân vô điều kiện khỏi Afghanistan, nơi quân đội Hoa Kỳ đã trải qua hai thập kỷ trong cuộc chiến đẫm máu chống lại Taliban.

Embed from Getty Images

Được mệnh danh là “cuộc chiến vô tận”, cuộc tấn công dữ dội của quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan đã bắt đầu từ năm 2001 để đáp trả lại vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Sau 20 năm, gần 2.400 quân Mỹ và hàng chục nghìn người Afghanistan đã thiệt mạng. 

Ông Biden cho biết việc rút quân sẽ bắt đầu vào ngày 1/5 và ngày 11/9 là thời thời hạn cuối cùng mà lính Mỹ phải ra khỏi Afghanistan.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Biden cho biết Hoa Kỳ đã hoàn thành nhiệm vụ ban đầu của mình là đè bẹp các nhóm thánh chiến quốc tế đứng sau vụ tấn công 11/9 và cứ mỗi năm trôi qua, lý do ở lại ngày càng “không rõ ràng”.

Ông Biden khẳng định sẽ không có “sự rút đi vội vàng”, nhưng kiên quyết với quyết định của mình. “Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến vô tận này.”

Chính phủ được quốc tế hậu thuẫn ở Kabul hiện chỉ có quyền kiểm soát ở mức độ vừa phải trên các vùng lãnh thổ của đất nước, trong khi Taliban đang phát triển mạnh mẽ, với nhiều người dự đoán rằng quân nổi dậy sẽ tìm cách giành lại toàn bộ quyền lực một khi “ô dù quân sự” của chính phủ Mỹ được rút đi.

Tuy vậy, ông Biden nói với người Mỹ rằng đã đến lúc phải chấp nhận thực tế.

Ông nói: “Chúng ta không thể tiếp tục chu kỳ kéo dài hoặc mở rộng hiện diện quân sự ở Afghanistan với hy vọng tạo ra những điều kiện lý tưởng cho việc rút quân, mong đợi một kết quả khác”.

“Tôi hiện là tổng thống Mỹ thứ tư chịu trách nhiệm về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Hai đảng viên Cộng hòa. Hai đảng viên Dân chủ”, ông nói. “Tôi sẽ không chuyển trách nhiệm này cho người thứ năm.”

Quyết định của ông Biden không phải là một cú sốc. Cuộc chiến tại Afghanistan không được lòng các cử tri và người tiền nhiệm, cựu TT Donald Trump cũng đã cam kết dần rút quân vào đầu tháng Năm.

Theo Breitbart News đưa tin, ông Biden đã đưa ra tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan hôm thứ Tư sau khi nói chuyện với các cựu Tổng thống George Bush và Barack Obama.

“Tôi đã nói chuyện ngày hôm qua với Tổng thống Bush để thông báo cho ông ấy về quyết định của tôi,” ông Biden nói về kế hoạch của mình, dựa trên kế hoạch của cựu Tổng thống Trump là rút quân khỏi quốc gia mà Hoa Kỳ đã đóng quân trong 20 năm. 

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng đã tweet về việc ông Biden đã nói chuyện cả với cựu TT Obama.

Bà Psaki viết: “@Tổng thống đã nói chuyện với cả Tổng thống Bush và @BarackObama trong các cuộc gọi riêng ngày hôm qua. Chúng tôi sẽ không công bố các cuộc trò chuyện riêng tư này, nhưng ông ấy coi trọng ý kiến ​​của họ và muốn cả hai nghe trực tiếp từ ông ấy về quyết định rút quân khỏi Afghanistan.”

Tuy nhiên, đã có những lời chỉ trích từ một số nhà lập pháp rằng việc Hoa Kỳ từ bỏ chính phủ Afghanistan sẽ khuyến khích các cuộc nổi dậy thánh chiến.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitch McConnell cho biết: “Chúng ta đang giúp đỡ kẻ thù của mình trong lễ kỷ niệm vụ tấn công 11/9 bằng cách gói ghém đất nước này lại như một món quà và trao lại ngay cho họ”.

Trong khi đó, về phía chính phủ Afghanistan, Tổng thống nước này Ashraf Ghani khẳng định hôm thứ Tư sau cuộc điện đàm với ông Biden rằng các lực lượng của ông “hoàn toàn có khả năng” kiểm soát đất nước.

Đáp lại, ông Biden nói rằng Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Afghanistan, không chỉ về mặt “quân sự”.

Tuy vậy, việc rút quân của Hoa Kỳ sẽ đánh dấu một sự thay đổi sâu sắc về ảnh hưởng đối với chính phủ Kabul và các lực lượng an ninh do Hoa Kỳ và liên minh đào tạo.

Một thập kỷ trước, Hoa Kỳ có khoảng 100.000 quân ở Afghanistan.

Ngày nay, một lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu bao gồm khoảng 9.600 người, trong đó có khoảng 2.500 lính Mỹ. NATO thông báo rằng việc rút quân sẽ diễn ra “có trật tự, có phối hợp và có cân nhắc”, bắt đầu từ ngày 1/5.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc rút quân “kéo theo rủi ro”, nhưng giải pháp thay thế là “một cam kết quân sự lâu dài, cởi mở với nhiều binh sĩ NATO tiềm năng hơn.”

Ông Biden trước đó đã cân nhắc việc bố trí lực lượng còn sót lại của Mỹ để tấn công Al-Qaeda hoặc các nhóm chiến binh quốc tế khác ở Afghanistan, hoặc thực hiện việc rút quân tùy thuộc vào tiến độ trên thực địa hoặc trong các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra chậm chạp.

Cuối cùng, tất cả các cân nhắc đã được bãi bỏ và chỉ những người bảo vệ cho các cơ sở như Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kabul sẽ ở lại.

Các quan chức Mỹ đang cảnh báo Taliban – nhóm đang tuân theo thỏa thuận ngừng bắn với Mỹ nhưng không phải với lực lượng chính phủ Afghanistan – không tấn công liên quân khi họ rời đi.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết: “Chúng tôi sẽ đánh trả mạnh mẽ [nếu họ làm vậy]”.

Một báo cáo đánh giá mối đe dọa được công bố hôm thứ Ba bởi Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ William Burns cho biết Taliban “tự tin rằng họ có thể giành được chiến thắng quân sự”.

Bên cạnh bối cảnh quân sự, việc Mỹ rút lui sẽ đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của những nỗ lực hiện đại hóa Afghanistan, đặc biệt là đối với phụ nữ Afghanistan.

Taliban đã thực thi một phiên bản khắc khổ của Hồi giáo Sunni, trong đó cấm phụ nữ đến trường học, đi làm, tham gia các hoạt động âm nhạc, cũng như giới hạn sự xuất hiện của họ trong cuộc sống hàng ngày trong giai đoạn 1996-2001 khi lực lượng này cai trị phần lớn Afghanistan. Hai thập kỷ sau, 40% học sinh là trẻ em gái.

Lê Xuân (tổng hợp)

Xem thêm: