Hôm 19/2, trường Đại học Leiden, một ngôi trường nổi tiếng và lâu đời nhất Hà Lan tuyên bố sẽ đóng cửa Viện Khổng Tử tại trường vào cuối tháng 8 tới.

viện khổng tử
Nếu nghiên cứu cẩn thận về cách tổ chức và tài liệu giảng dạy của Học viện Khổng Tử, những ai am hiểu Khổng Tử có thể dễ dàng nhận thấy cái gọi là “Học viện Khổng Tử” vốn không có gì của Khổng Tử (Ảnh từ Facebook phim tài liệu “Mượn tên Khổng Tử”).

Theo tuyên bố trên trang web của trường, sau khi hết hạn hợp đồng vào ngày 31/8, trường Đại học Leiden sẽ dừng hợp tác với Viện Khổng Tử và không tiếp tục ký hợp đồng nữa.

Viện Khổng Tử tại Đại học Leiden được thành lập năm 2007. Trong tuyên bố của Đại học Leiden cho biết, “do các hoạt động của Viện Khổng Tử đã không còn phù hợp với chiến lược Trung Quốc và phương hướng được đưa ra trong mấy năm nay của nhà trường, do đó, nhà trường sẽ không tiếp tục hợp tác với Viện Khổng Tử nữa.”

Theo tờ báo Minnesota Daily của trường Đại học Minnesota (Mỹ) đưa tin hôm 21/2, trường đại học này cũng tuyên bố sẽ đóng cửa Viện Khổng Tử sau khi kết thúc học kỳ.

Học viện Khổng Tử thuộc quản lý của Văn phòng Chỉ đạo Phát triển Hán ngữ Quốc tế (gọi tắt là Hanban) thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, trụ sở chính của Viện Khổng Tử đặt tại Bắc Kinh, các Viện Khổng Tử ở bên ngoài Trung Quốc đều là chi nhánh của cơ quan này.

Minnesota Daily đưa tin, Viện Khổng Tử cung cấp các khóa học văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc cho các trường sở tại, mặc dù Viện Khổng Tử nói là không hạn chế tự do ngôn luận, nhưng thực tế “do Viện Khổng Tử ở các nơi trên toàn quốc (Mỹ) liên quan đến phá hoại tự do học thuật nên đã làm các nhà lập pháp, các tổ chức trong nước và Cục điều tra Liên bang chú ý đến.”

Tờ báo này còn cho biết, từ năm 2014 đến năm 2018, Viện Khổng Tử tại Đại học Minnesota đã nhận số tiền lên đến hơn 1,2 triệu Đô la Mỹ từ Hanban, chiếm khoảng 40% số tiền đầu tư vào trường, các nguồn đầu tư khác đến từ ngân sách đại học và chính phủ liên bang.

Theo số liệu thống kê hồi tháng 1/2019 của Hiệp hội Học giả toàn quốc Mỹ (National Association of scholars, NAS), hiện ở Mỹ có 105 Viện Khổng Tử, có 13 trường đại học đã đóng cửa hoặc quyết định đóng của Viện Khổng Tử, trường Đại học Minnesota sẽ là trường thứ 14 trong số đó.

Gần 5 năm qua, ngoài Mỹ ra, nhiều trường đại học tại các nước như Canada, Pháp, Thụy Điển cũng liên tiếp đóng cửa Viện Khổng Tử trong trường của mình.

Đại học Leiden tại Hà Lan thành lập năm 1575, là một ngôi trường lâu đời nhất vẫn còn đang hoạt động tại Hà Lan. Đại học Leiden là thành viên của các nhóm: Coimbra Group, Europaeum và Liên hiệp các trường đại học nghiên cứu châu Âu, là ngôi trường có uy tín quốc tế cao.

Trường Đại học Leiden được thành lập năm 1575 bởi William I của Oranje-Nassau, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Chiến tranh 80 năm.

Hoàng gia Oranje-Nassau và Đại học Leiden vẫn có một mối quan hệ chặt chẽ. Các nữ hoàng Wilhelmina, Juliana và Beatrix cũng như thái tử Willem-Alexander đã học ở Đại học Leiden. Năm 2005, nữ hoàng Beatrix đã nhận được bằng danh dự từ đại học này.

Hiện tại, Đại học Leiden có 6 học viện, hơn 50 khoa ngành và hơn 150 chương trình giáo dục đại học. Hơn 40 cơ quan nghiên cứu cấp quốc gia hoặc cấp quốc tế được thành lập tại đại học này. Tính đến năm 2017, có tổng cộng 16 cựu sinh viên và giảng viên của trường đã từng giành được giải thưởng Nobel.

Huệ Anh

Xem thêm: