Đài Loan hôm 26/5 đã cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn thỏa thuận mua vắc-xin ngừa COVID-19 của quốc đảo với BioNTech SE của Đức. Lời tố cáo diễn ra sau khi Bắc Kinh đề nghị cung cấp vắc-xin cho Đài Loan thông qua một công ty Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Đài Loan đã đặt hàng hàng triệu liều vắc xin, từ AstraZeneca và Moderna, nhưng đến nay mới chỉ nhận được hơn 700.000 liều và chỉ có thể tiêm cho khoảng 1% dân số trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến.

Đài Loan cho biết trước đó họ đã không thể ký được hợp đồng cuối cùng với BioNTech, ám chỉ sức ép của Trung Quốc chính là nguyên nhân gây ra việc này. 

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và thường xuyên gây áp lực lên các quốc gia và công ty để cắt giảm giao dịch của họ với đảo quốc.

Tổng thống Thái Anh Văn nói tại một cuộc họp của Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền của bà rằng các đơn hàng mua vắc-xin AstraZeneca và Moderna đã được đặt trước một cách “suôn sẻ”.

“Đối với BioNTech của Đức, chúng tôi đã gần hoàn thành hợp đồng với nhà máy gốc của Đức, nhưng do sự can thiệp của Trung Quốc nên đến nay vẫn chưa có cách nào kết thúc được”, bà nói.

Bà Thái cho biết Đài Loan, quốc gia có dân số hơn 23 triệu người, đã đặt mua gần 30 triệu liều vắc-xin.

BioNTech, công ty bán vắc xin hợp tác với Pfizer, từ chối bình luận về nhận xét của bà Thái, nhưng nói thêm “chúng tôi ủng hộ việc cung cấp vắc-xin trên toàn cầu”.

Trung Quốc đã phủ nhận việc cố gắng ngăn chặn vắc-xin cho Đài Loan và đã đề nghị cung cấp mặt hàng này cho hòn đảo như một cử chỉ thiện chí.

Lily L.W. Hsu, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Đài Loan, gọi lời đề nghị của Trung Quốc là “rất gây chia rẽ.”

Tại một sự kiện trực tuyến do Quỹ German Marshall Fund của Hoa Kỳ tổ chức, có sự tham gia của Hoa Kỳ và một quan chức EU, bà Hsu cho biết Đài Loan đang phát triển vắc-xin của riêng mình, nhưng chỉ sử dụng được sớm nhất là vào tháng Bảy. Bà lặp lại việc Đài Loan đã liên tục kêu gọi Hoa Kỳ và EU hỗ trợ.

Bà nói: “Vì đợt bùng phát gần đây, chúng tôi rất cần vắc-xin … chúng tôi cần hỗ trợ trong việc mua vắc-xin trước khi chúng tôi có thể sử dụng vắc-xin nội địa của mình.”

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Đài Bắc, Brent Christensen, cho biết hôm thứ Tư rằng ông tin tưởng Đài Loan có thể kiểm soát sự gia tăng đột biến các trường hợp COVID-19, lưu ý rằng số ca nhiễm hiện vẫn còn khá thấp. Ông nói Hoa Kỳ và Đài Bắc đang đàm phán về vắc-xin, nhưng không nói rõ vắc-xin đang trên đường đến đó hay chưa.

Hôm thứ Bảy,Tập đoàn Dược phẩm Fosun Thượng Hải của Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng cung cấp cho Đài Loan vắc-xin BioNTech COVID-19. 

Fosun đã ký thỏa thuận với BioNTech để độc quyền phát triển và thương mại hóa loại vắc-xin được phát triển bằng công nghệ mRNA của BioNTech tại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan.

Nhưng bà Thái cho biết hòn đảo sẽ chỉ mua trực tiếp từ các nhà sản xuất gốc hoặc thảo luận việc mua với họ thông qua chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX.

“Chỉ bằng cách thương lượng với nhà sản xuất gốc, bạn mới có thể nhận được sự đảm bảo trực tiếp của nhà sản xuất gốc về trách nhiệm, chất lượng và an toàn, cũng là để tránh rủi ro về pháp lý và chính trị”, bà nói.

Fosun đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các kênh nhận vắc-xin của Đài Loan rất “suôn sẻ”, trong khi Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc thì lại nói, Đài Bắc đang viện cớ để ngừng nhận vắc-xin.

Văn phòng Trung Quốc cho biết thêm, Trung Quốc “rất vui khi thấy” việc Fosun sẵn sàng cung cấp vắc-xin cho Đài Loan.

Một số chính trị gia Đài Loan đã nói rằng nhu cầu vắc-xin của Fosun là rất gấp, nên chính phủ cần đưa vấn đề này ra thảo luận.

Nhưng Bộ trưởng Y tế Đài Loan Chen Shih-chung nói trong một cuộc họp báo hàng ngày rằng Đài Loan không thấy tài liệu nào về phiên bản vắc-xin của Fosun. “Hãy đưa các tài liệu chính thức (về vắc-xin) ra và chúng ta sẽ có thể bàn luận về chúng một lần nữa.”

Tiến Minh (theo Reuters)

Xem thêm: