Hôm thứ Sáu 24/2, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan nhận định Quân đội Trung Quốc đang học hỏi từ những gì diễn ra ở Ukraine. Nếu họ tấn công Đài Loan, họ có thể sẽ lên kế hoạch đạt được mục đích quân sự một cách nhanh chóng nhất, Reuters đưa tin.

19 11 210.26
Hòa nhạc ở Đài Loan ủng hộ tự do cho Hồng Kông, ảnh minh họa 2019 (Nguồn: Epoch Times)

Chiến tranh ở Ukraine có tác động thế nào tới tư duy quân sự của Trung Quốc, và cách Đại Lục có thể tấn công quốc đảo này, đó là một chủ đề được tranh luận rộng rãi trong giới quan chức ở Đài Bắc.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng, quân đội Đại Lục chắc chắn đang theo dõi chiến tranh ở Ukraine, với những tình huống quân sự có thể xảy ra, ví như trận đánh úp thủ đô Kyiv mà Nga đã cố gắng dựa vào thế áp đảo để thực hiện chớp nhoáng, nhưng đã bị quân đội Ukraine phòng thủ thành công.

Những ngày đầu, quân Ukraine tỏ ra nghèo túng với các lực lượng địa phương phải dùng đến bom tự chế “molotov”, hy sinh không nhỏ, và phải phá sập các cây cầu để cản bước tiến của Nga. Nhưng sau đó vũ khí ngày càng tối tân của các đồng minh phương Tây đang theo nhau tới tấp gửi vào chiến trường, đợt vũ khí sau mạnh hơn đợt vũ khí trước. Niềm tin chiến thắng của chính quyền Zelensky giờ tăng cao hơn bao giờ hết.

“Chúng tôi rất mạnh. Chúng tôi sẵn sàng cho mọi thứ. Chúng tôi sẽ đánh bại bất kỳ ai,” ông Zelensky nói trong một tuyên bố hôm 24/2.

Video: Lô “Báo đốm” Leopard đầu tiên đặt chân tới Ukraine và bàn giao cho chính quyền Zelensky hôm 24/2. Các chiến kỵ châu Âu này được gửi từ Ba Lan cùng các vũ khí tối tân khác như pháo tầm xa là phần quan trọng cho đợt phản công sắp tới của Ukraine, khi mà vũ khí của Nga được cho rằng lạc hậu hơn về công nghệ.

“Chiến tranh Nga-Ukraine là một bài học rõ nét cho [Đại Lục], họ chắc chắn sẽ chú trọng vào tốc độ,” ông Chiu nói với các phóng viên bên lề quốc hội ở Đài Bắc.

Ông nói ngay cả khi các lực lượng Trung Quốc đang lên kế hoạch tấn công thần tốc, họ sẽ gặp khó khăn khi cố gắng chiếm Đài Loan vì họ sẽ phải băng qua eo biển Đài Loan ngăn cách hai bên.

“Họ vẫn là phải vượt qua [bình chướng thiên nhiên] này,” ông Chiu nói. “Sẽ không thể nhanh chóng kiểu như 1 hoặc 2 tuần.”

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để cướp về quyền kiểm soát Đài Loan, và đang tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra quân sự gần như hàng ngày gần hòn đảo này.

“Tôi đã nói, ngay từ khi tiếng súng vang lên, chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến cùng. Nhưng chúng tôi tuyệt đối sẽ không chủ động khiêu khích.”

Chính phủ bầu cử dân chủ của Đài Loan nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có quyền quyết định tương lai của mình.

Trong khi Ukraine đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng ở Đài Loan và Chính phủ Đài Loan đã gửi viện trợ nhân đạo, thì Trung Quốc đã từ chối lên án Nga.

Trung-Nga đã công bố quan hệ đối tác “không giới hạn” ngay trước khi Nga tiến hành cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2 năm ngoái.

“Đài Loan sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Ukraine,” chủ tịch của quốc đảo Thái Anh Văn đã viết trên trang Facebook của mình vào thứ Sáu, vào dịp chiến tranh Ukraine tròn 1 năm.

“Tôi tin rằng khi những người yêu dân chủ đoàn kết lại thì dân chủ và tự do sẽ chiến thắng.”

Về quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ cho đến nay, giống nhiều quốc gia khác, chưa công nhận Đài Loan như một quốc gia độc lập. Tuy nhiên Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định lập trường từ trước rằng họ sẽ bảo vệ quốc đảo này nếu Bắc Kinh phát động cuộc xâm lược.

Hôm 9/1, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ báo cáo kết quả mô phỏng chiến tranh của mình trong tình huống giả thuyết Trung Quốc tấn công Đài Loan, cho biết Hoa Kỳ sẽ thành công bảo vệ quốc đảo này nhưng phải chịu tổn thất “nặng nề”; và chiến lược tốt nhất trong những tháng đầu tiên là Đài Loan cố gắng phòng thủ để trì hoãn bước tiến quân của Trung Quốc, đồng thời Hoa Kỳ đưa viện binh tới oanh tạc.

Video: Tháng trước CSIS cho rằng chiến lược tốt nhất trong những tháng đầu tiên Đài Loan chống lại xâm lược của Trung Quốc là chiến thuật “con nhím” — phòng thủ vững chắc — phối hợp với đồng minh Hoa Kỳ.

Nhật Tân