Trong tuần vừa qua, giới chức Đài Loan đã đột kích 10 công ty Trung Quốc bị tình nghi săn trộm trái phép các kỹ sư chip và các tài năng công nghệ khác, văn phòng điều tra của quốc đảo cho biết hôm 26/5.

Embed from Getty Images

“Việc các công ty Trung Quốc săn bất hợp pháp tài năng công nghệ cao của Đài Loan đã ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh quốc tế của chúng tôi và gây nguy hiểm cho an ninh của chúng tôi,” Văn phòng Điều tra Đài Loan nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Văn phòng này đã đột kích 10 công ty Trung Quốc cùng các trung tâm nghiên cứu và phát triển của họ ở 4 thành phố trên khắp hòn đảo, bao gồm cả Tân Trúc, thủ phủ của ngành công nghiệp chip của Đài Loan. Cũng theo tuyên bố, văn phòng điều tra đã triệu tập hơn 70 người và khám xét 20 cơ sở từ ngày 23 đến 26/5.

An ninh của ngành công nghiệp chip đã trở thành mối quan tâm chính của các nhà chức trách tại cường quốc công nghệ Đài Loan, nơi sản xuất phần lớn chip bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, một phần không thể thiếu trong nhiều sản phẩm công nghệ từ điện thoại di động đến máy bay phản lực quân sự.

Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, tự sản xuất hơn một nửa công suất sản xuất chất bán dẫn của thế giới.

Mặc dù dẫn đầu trong ngành công nghiệp chip, hòn đảo này đang phải vật lộn với tình trạng chảy máu chất xám vào tay Trung Quốc. Đài Loan mất khoảng 3.000 kỹ sư bán dẫn – chiếm 1/10 nhân tài của hòn đảo trong ngành công nghiệp chip – cho Trung Quốc, theo một nghiên cứu năm 2020 của Ủy ban Các vấn đề đại lục của chính quyền Đài Loan.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm bảo tài năng kỹ thuật chip chủ yếu từ Đài Loan đã tăng cường trong những năm gần đây sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền đặt ra mục tiêu đạt được khả năng tự cung cấp chip tiên tiến, một mục tiêu trong chương trình kinh tế 10 năm được gọi là Made in China 2025.

Cuộc tranh giành nhân tài kỹ thuật chip của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu đạt được khả năng tự chủ trong lĩnh vực chip tiên tiến, một mục tiêu trong chương trình kinh tế 10 năm được gọi là Made in China 2025. Để thúc đẩy ngành công nghiệp này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thành lập Quỹ bán dẫn quốc gia trị giá 22,19 tỷ USD vào năm 2014 và công bố khoản đầu tư khác lên đến 32,66 tỷ USD vào năm 2019.

Đài Loan đã mở các cuộc điều tra với khoảng 100 công ty Trung Quốc bị nghi ngờ săn trộm bất hợp pháp các kỹ sư bán dẫn và các tài năng công nghệ khác, một quan chức cấp cao của Đài Loan nói với Reuters vào tháng trước.

Ngày 20/5, cơ quan lập pháp của Đài Loan đã thông qua các sửa đổi đối với đạo luật an ninh quốc gia và luật quản lý quan hệ với Trung Quốc. Luật an ninh quốc gia sửa đổi đã hình sự hóa “tội gián điệp kinh tế”, đưa ra hình phạt lên tới 12 năm tù và phạt tiền lên đến 3,4 triệu đô la cho những người chuyển giao bất hợp pháp công nghệ cốt lõi từ hòn đảo.

Luật Đài Loan còn cấm Trung Quốc đầu tư vào một số bộ phận chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bao gồm cả thiết kế chip, và yêu cầu xem xét các lĩnh vực khác như đóng gói chip. Điều đó khiến các công ty chip Trung Quốc rất khó hoạt động hợp pháp trên đảo này.

Hồi tháng 3/2022, Đài Loan đã đột kích 8 công ty Trung Quốc nhằm chống lại những gì họ nói là “các hoạt động săn trộm tài năng và đánh cắp bí mật bất hợp pháp của Trung Quốc”.

Minh Ngọc (Theo ET, RT)