Các công ty bán dẫn Đài Loan coi trọng “việc tuân thủ luật pháp”, chính quyền hòn đảo này cho biết hôm thứ Bảy, đồng thời báo hiệu rằng họ sẽ tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Hoa Kỳ nhằm mục đích gây khó khăn cho ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Các quy tắc xuất khẩu mới được chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố hôm thứ Sáu bao gồm việc ngăn Trung Quốc tiếp cận một số loại chip được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới với thiết bị Mỹ, một nỗ lực làm chậm những tiến bộ công nghệ và quân sự của Bắc Kinh.

Trong một tuyên bố đáp lại thông báo của Hoa Kỳ, Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết các công ty Đài Loan luôn tuân thủ luật pháp. Đài Loan là quê hương của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính cho các công ty bao gồm Apple.

“Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan từ lâu đã phục vụ khách hàng toàn cầu và rất coi trọng việc tuân thủ luật pháp,” tuyên bố nói.

Công nghiệp chất bán dẫn của Đài Loan dẫn đầu thế giới và tiếp tục “duy trì lợi thế trong cuộc cạnh tranh về các đơn đặt hàng quốc tế”, Bộ này cho biết.

Chính phủ tiếp tục duy trì liên hệ chặt chẽ với các nhà sản xuất và hỗ trợ họ đầu tư vào việc mở rộng nhà máy và cung cấp sản phẩm cho thế giới để phát triển công nghệ, Bộ cho biết.

Đài Loan có những lo ngại riêng về Trung Quốc, đặc biệt là nỗ lực của các công ty Trung Quốc nhằm săn lùng tài năng chip và bí quyết kỹ thuật. Chính phủ hạn chế chặt chẽ đầu tư chip của Đài Loan vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của hòn đảo.

Những lo lắng của Đài Loan đã tăng tốc khi Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận quân sự thường xuyên gần hòn đảo nhằm buộc nước này chấp nhận chủ quyền của Bắc Kinh.

Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí và hỗ trợ quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan, mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Trung Quốc chỉ trích chính sách xuất khẩu mới nhất của Mỹ đối với chip

Hôm thứ Bảy (8/10), Trung Quốc đã chỉ trích quyết định mới nhất này của Hoa Kỳ, gọi đó là hành vi vi phạm các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế, và rằng nó sẽ “cô lập và phản tác dụng” đối với Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ning cho biết: “Do nhu cầu duy trì quyền bá chủ công nghệ của mình, Mỹ đã lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn và trấn áp các công ty Trung Quốc một cách ác ý.”

Bà nói: “Điều này sẽ không chỉ gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty Mỹ.”

Bà Mao cũng nói rằng việc Mỹ “vũ khí hóa và chính trị hóa” khoa học và công nghệ cũng như các vấn đề kinh tế và thương mại sẽ không ngăn cản bước tiến của Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ – Trung đã xấu đi trong những năm gần đây vì các vấn đề công nghệ và an ninh. Mỹ đã thực hiện một loạt các biện pháp và hạn chế được thiết kế để ngăn Trung Quốc có được công nghệ chip, trong khi Trung Quốc đã dành hàng tỷ USD để đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn.

Lê Vy (tổng hợp)