Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn mới đây đã xác nhận thông tin về một số người biểu tình Hồng Kông đang trốn chạy sang hòn đảo dân chủ này. Bà Thái nói rằng Đài Loan sẽ xem xét bất kỳ đơn xin tị nạn tại đây trên cơ sở nhân đạo, tờ Nam hoa Tảo báo đưa tin.

Embed from Getty Images

Tổng thống Thái Anh Văn đưa ra phát biểu nêu trên sau khi các phương tiện truyền thông loan tin có ít nhất hơn chục người biểu tình Hồng Kông đã đến Đài Loan và khoảng hàng chục người nữa đang có kế hoạch tìm nơi cư trú tại hòn đảo dân chủ này. Những người biểu tình đã hoặc có ý định đến Đài Loan được cho là có khả năng sẽ bị chính quyền Hồng Kông truy tố vì hành vi bạo lực trong các vụ đụng độ với cảnh sát khi tham gia các cuộc biều tình phản đối dự luật dẫn độ gần đây.

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) dẫn lời bà Thái phát biểu trong một cuộc họp báo tại Saint Lucia trong ngày thứ hai của hành trình thăm các đồng minh Carribê: “Tôi tin các bộ ngành liên quan đang theo sát tình huống này. Những người bạn từ Hồng Kông sẽ được đối xử theo cách phù hợp trên cơ sở nhân đạo.”

Đài Châu Á Tự do (RFA) hôm thứ Năm (18/7) đưa tin có khoảng 10 người biểu tình Hồng Kông đã tới Đài Loan. Trong khi đó, tờ Apple Daily (Hồng Kông) cho biết khoảng 30 người biểu tình Hồng Kông đã đến Đài Loan và thêm 30 người nữa đang có kế hoạch tương tự.

Hội đồng các vấn đề Đại Lục của Đài Loan cũng đã lên tiếng về thông tin người Hồng Kông trốn chạy sang Đài Loan. Mặc dù Hội đồng không nói rõ họ đã liên lạc với những người Hồng Kông chưa và có bao nhiêu người đã ở Đài Loan, nhưng cho biết rằng nếu Đài Loan nhận được đơn xin tị nạn chính trị của công dân Hồng Kông, các cơ quan chính quyền sẽ giải quyết các đơn này dựa theo quy tắc về bảo vệ nhân quyền và những quy định liên quan tới các vấn đề Hồng Kông và Macau theo Đạo luật Quản lý Quan hệ Hồng Kông và Macau của Đài Loan.

Hội đồng các vấn đề Đại Lục của Đài Loan khẳng định rằng họ sẽ cung cấp các trợ giúp cần thiết cho những công dân Hồng Kông mà sự an toàn và tự do của họ đã bị đe dọa bởi các yếu tố chính trị.

Theo Đạo luật Quản lý Quan hệ Hồng Kông và Macau, Đài Loan có quyền và trách nhiệm cung cấp các trợ giúp cần thiết cho những công dân Hồng Kông và Macau mà sự an toàn và tự do của họ đang bị đe dọa khẩn cấp vì các lý do chính trị.

Tuy nhiên, một luật sư người Đài Loan giấu tên – người đang giúp các công dân Hồng Kông đến Đài Loan nói với RFA rằng những người biểu tình Hồng Kông này đã phải đối mặt với những khó khăn mang tính kỹ thuật trong việc xin mở rộng thời gian lưu trú tại Đài Loan.

Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan – một tổ chức độc lập phi chính phủ, nói với Nam hoa Tảo báo rằng họ chưa nhận được bất kỳ tham vấn nào từ những người Hồng Kông. Hiệp hội cho biết những người xin tị nạn tại Đài Loan đang phải đối mặt với tiến trình xử lý đơn tị nạn một cách không chắc chắn.

Theo Nam hoa Tảo báo, Đài Loan không phải là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn, trong đó quy định rõ quyền của người được cấp tị nạn và trách nhiệm của quốc gia cấp tị nạn và hòn đảo tự trị dân chủ này cũng chưa có luật riêng về vấn đề người tị nạn.

“Khi mọi người muốn nộp đơn xin tị nạn [tại Đài Loan], họ sẽ không biết liệu trường hợp của họ có đủ điều kiện hoặc chính quyền sẽ đánh giá trường hợp của họ ra sao,” Nam hoa Tảo báo dẫn lời ông Wang Si – chuyên gia pháp lý của Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan.

Trong một diễn biến khác liên quan tới tình hình Hồng Kông, hôm thứ Năm (18/7), Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi chính quyền Hồng Kông phải chính thức rút lại dự luật dẫn độ. Trung Quốc đã lên tiếng nói rằng động thái này của Nghị viện Châu Âu cho thấy “sự thiếu hiểu biết và định kiến”.

Nam hoa Tảo báo thông tin rằng vào thứ Bảy (20/7), những người ủng hộ chính quyền sẽ tổ chức cuộc tập trung “Bảo vệ Hồng Kông” để lên án bạo lực và ủng hộ cảnh sát. Sau đó một ngày, dự kiến sẽ có cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính quyền Hồng Kông.

Xuân Thành

Xem thêm: