Đại sứ Nga tại Bắc Kinh cho biết Trung Quốc và Nga không cần thiết lập một liên minh quân sự vì mối quan hệ của họ đã đủ mạnh.

shutterstock 634594754
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: plavevski / Shutterstock)

Đại sứ Nga Andrey Denisov nói với các phóng viên tại Đại sứ quán hôm 29/12 rằng: “Hợp tác Nga – Trung đã vượt ra ngoài một liên minh truyền thống trong nhiều lĩnh vực.”

Hồi tháng 10, khi được hỏi về một liên minh trong tương lai, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời: “Chúng tôi không đặt mục tiêu đó, nhưng về nguyên tắc, chúng tôi cũng sẽ không loại trừ điều đó”.

Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nga đưa ra đề nghị như vậy kể từ khi hiệp ước giữa Joseph Stalin và Mao Trạch Đông sụp đổ.

Ông Denisov nói: “Tôi nghĩ rằng lời phát biểu của Tổng thống Putin ngụ ý rằng sự hợp tác của chúng ta đã vượt ra ngoài liên minh truyền thống và có thể thực hiện thêm các động thái khác nếu cần thiết, nhưng mối quan hệ đã đủ tốt rồi”.

Hai bên được cho là đã xích lại gần nhau hơn trong những năm gần đây, nhưng Đại sứ Nga cho biết một liên minh sẽ không phù hợp với mô hình hợp tác song phương của họ mà “không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào”.

Ông Denisov cho biết: “Trung Quốc và Nga phản đối việc hình thành một khối. Trung Quốc và Nga đã không tạo ra một khối và hai quốc gia của chúng tôi là những quốc gia tự trị trên nền tảng quốc tế, duy trì mức độ tự chủ lớn, điều này cũng phù hợp với logic của chủ nghĩa đa phương mà chúng tôi đã thúc đẩy.”

Ông Densiov cũng nói rằng trong một liên minh, luôn có một quốc gia sẽ chiếm ưu thế hơn. Ông lấy Nato làm ví dụ, cho hay một mối quan hệ như vậy sẽ không “hoàn toàn bình đẳng và đi ngược lại logic đằng sau mối quan hệ đang phát triển giữa Nga và Trung Quốc”.

Hai nước đã thiết lập đối thoại về an ninh và quốc phòng, mà ông Denisov cho biết cho phép hai nước “cùng đánh giá những rủi ro và nguy hiểm bên ngoài thông qua các cuộc thảo luận và đàm phán, có nghĩa là sự hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực này đã vượt quá một liên minh quân sự truyền thống”.

Năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có 5 cuộc điện đàm với ông Putin, nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào khác và trong lần thể hiện tình đoàn kết gần đây nhất vào tuần trước, quân đội hai nước đã thực hiện một cuộc tuần tra chung bằng máy bay ném bom trên Biển Nhật Bản và Hoa Đông.

Ông Denisov cũng kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại và công nghệ đến Bắc Cực và phát triển vắc-xin.

Khoảng 8.000 người Nga đã tham gia các cuộc thử nghiệm vắc xin COVID-19 do công ty CanSino của Trung Quốc sản xuất, trong khi một quỹ tài sản của Nga đang đàm phán với một công ty dược phẩm Trung Quốc về việc sản xuất và bán vắc-xin Sputnik V của Nga tại Trung Quốc, Đại sứ cho biết.

Dữ liệu chính thức của Trung Quốc ghi nhận xuất khẩu nông sản của Nga sang Trung Quốc tăng 35% trong nửa đầu năm và ông Denisov cho biết hợp tác về cơ sở hạ tầng liên quan đến Bắc Cực sẽ là yếu tố quan trọng trong chương trình nghị sự.

Chiến lược phát triển Bắc Cực mới của ông Putin sẽ chứng kiến ​​một số khu kinh tế được thành lập ở vùng cực Bắc của đất nước cùng với hai trung tâm giao thông chính ở Murmansk và Petropavlovsk-Kamchatsky để tăng cường vận chuyển hàng hóa.

Tuy vậy, trước đó một số nhà phân tích đã chỉ ra những dấu hiệu rạn nứt giữa Trung Quốc và Nga, hai quốc gia thường miêu tả quan hệ của họ là “đối tác chiến lược toàn diện,” “đặc biệt” và “chưa từng thấy.” Ấn Độ cũng đang tìm cách lôi kéo Nga gia nhập liên minh chống Trung Quốc.  

Hồi tháng 7, những bất hoà về vấn đề Vladivostok bùng nổ khi Đại sứ quán Nga phát một đoạn băng về lễ kỷ niệm 160 năm thiết lập thành phố, gây ra những phản ứng dữ dội trên mạng ở Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc chỉ trích blog của sứ quán đã khơi dậy nỗi đau về những ô nhục lịch sử của đất nước họ dưới bàn tay của các thế lực nước ngoài.

Moscow cũng hứng chịu sự giận dữ từ dư luận Trung Quốc khi nước này đẩy mạnh bán vũ khí cho New Delhi ngay sau vụ đụng độ chết người giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ dọc biên giới tranh chấp ở vùng núi Himalayas. Hầu hết vũ khí chiến lược của Ấn Độ, từ tàu sân bay đến tàu ngầm tấn công hạt nhân, đều được nhập khẩu từ Nga. 

Một vết nứt khác trong quan hệ hai bên liên quan tới giao dịch cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc. Việc giao hàng lại bị đình chỉ khi Moscow buộc tội Valery Mitko, chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Bắc Cực thành phố St. Petersburg làm gián điệp cho Bắc Kinh. Trong khi đó, Nga lại hứa sẽ sớm giao cho Ấn Độ cùng loại hệ thống tên lửa này.

Ngoài ra, việc Ấn Độ tuyên bố muốn Moscow tham dự vào Sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo, một nhóm chiến lược được nhiều người xem như kế hoạch chống Trung Quốc, cũng khiến quan hệ đôi bên có phần rạn nứt.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: