Tân Đại sứ Nicholas Burns của Mỹ tại Trung Quốc đã tweet vào Chủ nhật (26/12) rằng ngày Liên Xô tan rã là một ngày quan trọng mà tôi sẽ không bao giờ quên. Đây là bình luận công khai đầu tiên của ông Burns về chế độ cộng sản kể từ khi ông nhậm chức.

30201924911 fba33af17e b
Ông Nicholas Burns (Nguồn: Ralph Alswang/Flickr)

Ngày 25/12 của 30 năm trước (Giáng sinh năm 1991), ông Mikhail Gorbachev khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đã chính thức từ chức và tuyên bố giải thể Liên bang Xô Viết (Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết).

Trong 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, người anh em của Liên Xô cũ – một phe xã hội chủ nghĩa khác trên thế giới – Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã luôn nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô, hy vọng tránh được cảnh chịu số phận tương tự.

Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt, hiện là đồng chủ tịch “Hiệp hội quan hệ đối ngoại châu Âu” (European Council on Foreign Relations, ECFR) tại  Berlin (Đức), một tổ chức nghiên cứu tư vấn quan trọng của châu Âu, đăng tweet vào hôm Chủ nhật (26/12) nói: “Tại sao Liên Xô tan rã? Báo cáo này của Đại sứ Anh tại Moscow thời ông Gorbachev là một bản tóm tắt hay về sự tan rã này. Báo cáo có ý nghĩa cho thời đại ngày nay”.

Tweet của ông Bildt cũng đính kèm báo cáo, được phát hành bởi tài khoản lịch sử của Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của Vương quốc Anh (tức Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh).  

Sau đó Đại sứ Nicholas Burns trích dẫn và trả lời tweet của Chủ tịch Bildt: “Tuần này của 30 năm trước, sự tan rã của Liên Xô đã mang lại cơ hội tự do cho người dân của 15 quốc gia mới, đồng thời giải phóng Đông Âu khỏi sự kiểm soát của Moscow. Đây là một ngày quan trọng mà tôi sẽ không bao giờ quên, cũng là thể hiện trân trọng sức mạnh và tình đoàn kết trong nhiều thập kỷ qua giữa Mỹ và NATO”.

Truyền thông quốc tế có nhận định rằng sự tan rã của Liên Xô đã mang lại cho ĐCSTQ 3 nỗi sợ hãi lớn: nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa và nạn tham nhũng của nó, thông tin cởi mở, các cuộc cách mạng màu và ảnh hưởng của phương Tây.

Dù ĐCSTQ từ chối nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy cái gọi là “chủ nghĩa tư bản đặc sắc Trung Quốc”, nhưng họ sử dụng tiền bạc để kiểm soát người dân và theo đuổi vật chất một cách cực đoan. Dù ĐCSTQ đã xây dựng Dự án Lá chắn Vàng và thiết lập tường lửa Internet để ngăn chặn hoặc hạn chế người Trung Quốc truy cập vào các trang web của phương Tây, nhưng dân trí của xã hội Trung Quốc đã mở mang khiến mọi biến động nhỏ đều có thể gây cộng hưởng kéo theo nguy cơ của chế độ. Dù ĐCSTQ luôn cảnh giác với các cuộc cách mạng màu và “diễn biến hòa bình”, nhưng không thể ngăn được tiếng nói của những quan chức đã bỏ trốn, các mật vụ đã quy hàng nước ngoài. Các sự cố trấn áp người dân đấu tranh cho sinh kế diễn ra ở khắp nơi đã khiến người dân Trung Quốc nhận thức rộng rãi về sự tham nhũng và bất tài của ĐCSTQ.

Ngày 22/12, chuyên gia về Trung Quốc là ông Gordon G. Chang đã viết một bài trên cổng thông tin 19FortyFive (Mỹ) phân tích sự sụp đổ ngày càng nhanh của ĐCSTQ – con đường sụp đổ tương tự Liên Xô: “Cô lập Trung Quốc khỏi thế giới là yếu tố cần thiết để Tập Cận Bình cứu chủ nghĩa cộng sản. Tập Cận Bình đang áp dụng mô hình thất bại của Liên Xô”.

Sau hơn một năm bỏ trống vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ngày 16/12 Thượng viện Mỹ đã thông qua đề cử ông Burns làm Đại sứ tại Trung Quốc. Đồng thời, Thượng viện cũng thông qua “Dự luật Ngăn chặn cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ”, sẽ được thực hiện trong vòng 180 ngày sau khi dự luật có hiệu lực.

Đại sứ Burns năm nay 65 tuổi, là một nhà ngoại giao cấp cao, trước đây ông từng là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị, từng là Đại sứ Mỹ tại NATO và Hy Lạp, từng là Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ và phụ trách các vấn đề Liên Xô và Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Ông từng phục vụ dưới thời tổng thống của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, và hiện là giáo sư về ngoại giao và quan hệ quốc tế tại Trường Chính phủ Kennedy thuộc Đại học Harvard.

Hiện chưa rõ khi nào ông Burns sẽ đến Trung Quốc hay liệu ông ấy có đi làm nhiệm vụ trước Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh hay không.

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times