Hôm thứ Bảy (18/9), Đại sứ Pháp cho biết Úc đã mắc một sai lầm ngoại giao “nghiêm trọng”. Ông đã bị triệu hồi về Paris sau khi Canberra hủy bỏ đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ đô la đối với tàu ngầm của Pháp theo thỏa thuận thay thế với Hoa Kỳ và Anh.

Embed from Getty Images

Đại sứ Jean- Pierre Thebault nói với các nhà báo ở Canberra: “Tôi nghĩ đây là một sai lầm nghiêm trọng, một cách xử lý rất, rất tồi tệ đối với quan hệ đối tác. Bởi vì đó không phải đơn thuần là một hợp đồng, đó là một quan hệ đối tác [được cho là] dựa trên sự tin tưởng, chân thành và hiểu biết lẫn nhau.”

Hôm thứ Năm (16/9), Úc cho biết họ sẽ hủy bỏ thỏa thuận được ký kết vào năm 2016 đối với Tập đoàn Hải quân của Pháp để xây dựng một hạm đội tàu ngầm thông thường chạy bằng diesel. Thay vào đó, Úc sẽ hợp đồng đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh sau khi đạt được quan hệ đối tác an ninh ba bên (AUKUS).

Pháp gọi việc hủy bỏ thỏa thuận trị giá 40 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016 là “một cú đâm sau lưng” và triệu hồi đại sứ của họ từ Hoa Kỳ và Úc.

“Nếu có thể, tôi muốn có một cỗ máy thời gian để có thể ở trong tình huống mà chúng ta không bị rơi vào một tình thế không thể tưởng tượng được, vụng về và không thích đáng một cách phi-Úc như vậy,” đại sứ Thebault nói.

“Tôi rất buồn khi bị buộc phải rời đi, mặc dù cần phải có một số đánh giá lại,” ông nói thêm.

Úc cho biết họ lấy làm tiếc về việc triệu hồi đại sứ Pháp, và họ coi trọng mối quan hệ với Pháp và sẽ tiếp tục hợp tác với Paris về các vấn đề khác.

Người phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cho biết trong một tuyên bố: “Úc hiểu rõ sự thất vọng sâu sắc của Pháp đối với quyết định của chúng tôi, nhưng quyết định này được đưa ra phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia chúng tôi”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng Pháp là một “đồng minh quan trọng” và Hoa Kỳ sẽ làm việc trong những ngày tới để giải quyết những khác biệt.

Lê Vy (theo Reuters)

Xem thêm: