Ngày 23/1, Daily Express (Anh) tiết lộ một chuyên gia tên lửa cấp cao của Trung Quốc đã đào thoát đến Mỹ. Các nguồn tin nói với tờ báo rằng cơ quan tình báo quân sự MI6 của Anh đóng vai trò quan trọng trong việc này.

Embed from Getty Images

Hình ảnh tên lửa Dongfeng-17 của ĐCSTQ (Ảnh: Zoya Rusinova\TASS via Getty Images)

Bài báo cho biết, nhà khoa học ngoài 30 tuổi đào thoát này thuộc Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, một doanh nghiệp trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tại đây, người này đã giúp phát triển một phương tiện bay siêu thanh tầm trung có khả năng mang tên lửa Dongfeng-17. Ông tham gia vào việc phát triển một hệ thống phóng tên lửa siêu thanh có thể bay quanh Trái đất trước khi hạ cánh từ không gian và sử dụng công nghệ theo dõi nhiệt để bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào trên Trái đất.

Nguồn tin cho biết, nhà khoa học này đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển vũ khí siêu thanh, nhưng lại bất bình về việc đối đãi của ĐCSTQ đối với mình. Do trong công việc không được đề bạt hoặc thăng chức tương ứng, nên ông đã bất mãn và đã đào thoát.

Cuối tháng Chín năm ngoái, ông liên lạc được với một sĩ quan tình báo Anh ở Hồng Kông và nói với đối phương rằng mình có thông tin chi tiết về phương tiện lướt siêu âm, nhưng nếu bị ĐCSTQ phát hiện, ông sẽ phải đối mặt khả năng bị xử bắn. Vì vậy, ông yêu cầu xin tị nạn cho bản thân, vợ và con của mình.

Hai sĩ quan tình báo và một chuyên gia kỹ thuật từ cơ quan tình báo bí mật MI6 của Anh đã đến Hồng Kông, và cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng được thông báo về việc này. Các thông tin nhà khoa học này đưa ra đã được chứng minh là “chính xác”. Ông và gia đình sau đó được đưa đến một thuộc địa cũ của Anh, rồi đến một căn cứ của Không quân Mỹ ở Đức, tiếp tục qua Vương quốc Anh để bay đến Mỹ.

Mỹ bị coi là lạc hậu so với Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực phát triển vũ khí siêu thanh. Việc nhà khoa học này đào thoát được cho là sẽ tăng tốc độ nghiên cứu và phát triển của Mỹ trong lĩnh vực này.

Nước Anh cũng được hưởng lợi từ việc này. Các nguồn tin nói với Daily Express rằng do nhà khoa học này đào thoát, nên phía Anh “có một số chi tiết về khả năng hoạt động của tên lửa siêu thanh lướt”. Điều này khiến Anh rơi vào tình thế “không lường trước được“, đồng thời có thể rút ngắn được thời gian 2 năm nghiên cứu.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự cho rằng việc nhà khoa học này đào thoát chỉ có thể cho thấy trong thể chế của ĐCSTQ đã xuất hiện vấn đề.

“Đây là một sự bối rối của ĐCSTQ.” Người dẫn chương trình và nhà bình luận quân sự của chuyên mục “Thời sự quân sự” của Epoch Times, ông Hạ Lạc Sơn (Xia Luoshan), nói rằng cuộc chạy trốn của chuyên gia có giá trị gì đối với phương Tây hay không, và có giá trị bao nhiêu là điều không rõ, nó phụ thuộc vào cách đánh giá của các đối tác phương Tây.

Ông nói: “Có thể tương đối chủ quan khi cho rằng các chuyên gia phương Tây thông qua chuyên gia đào thoát để lấy được bí mật về tên lửa của ĐCSTQ, từ đó tìm ra hướng phát triển hoặc phương pháp bẻ khóa. Điều đó có thể chứng minh rằng nhận định của các chuyên gia phương Tây về năng lực của họ là chính xác. Cũng giống như tiêm kích MiG-25 của Liên Xô, khi người đào tẩu Viktor Belenk hạ cánh xuống Nhật Bản, bí mật về chiếc MiG-25 đã được công khai. Sự việc này đã giáng cho Liên Xô một đòn, nhưng phương Tây thất vọng rằng MiG-25 thực tế khác xa so với những gì Liên Xô từng khoe khoang.”

“Tất nhiên, tôi khâm phục hành động của chuyên gia Trung Quốc này”. Ông Hạ Lạc Sơn nói thêm: “Dù là xuất phát từ bất cứ lý do gì, chuyên gia này đã chọn con đường đúng đắn, đó là một đòn giáng mạnh vào tính kiêu ngạo phản nhân loại của ĐCSTQ.”

Tiên tiến hơn so với Mỹ? Chuyên gia: Bị dư luận phóng đại

Ông Hạ Lạc Sơn cho biết, báo cáo của Daily Express lần này dường như đang nhấn mạnh sức mạnh tên lửa của ĐCSTQ, nhưng đây không thể là cơ hội để đặt ra giả thuyết về mối đe dọa tên lửa của ĐCSTQ.

Ông nói rằng đúng là năng lực của tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa mới đối với phương Tây, nhưng sự nguy hiểm của nó dường như đã bị dư luận phóng đại.

Ông nói: “Đương nhiên quân đội Mỹ sẽ không phủ nhận hoặc đánh giá thấp khả năng của kẻ thù, và việc xem xét đầy đủ hoặc thậm chí phóng đại mối đe dọa của kẻ thù về mặt chiến thuật là điều dễ hiểu. Nhưng điều này và việc tên lửa đạn đạo của ĐCSTQ thực tế liệu có đạt được hiệu quả như họ tuyên truyền hay không thì lại là 2 việc khác nhau. Càng không cần nói đến việc Mỹ sẽ có bao nhiêu biện pháp để tiến hành chống lại.”

Ông cho biết, hiện tại các tin tức đang làm nổi bật mối đe dọa tên lửa đạn đạo của ĐCSTQ, nhưng  việc này vẫn còn đợi quan sát thêm.

Trong một bài báo trên Financial Times vào ngày 21/11 năm ngoái cho biết, ĐCSTQ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh vào tháng 7 cùng năm, bao gồm một công nghệ tiên tiến cho phép bắn tên lửa khi tiếp cận mục tiêu với tốc độ ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh. Hơn nữa, chưa có quốc gia nào biểu diễn khả năng này trước đây.

Báo cáo cho biết, các nhà khoa học Lầu Năm Góc trở tay không kịp đối với việc này. “Phương tiện lướt siêu thanh này là một tàu vũ trụ cơ động, có thể mang đầu đạn hạt nhân và có thể phóng tên lửa bay tầm trung trong bầu khí quyển phía trên khu vực Biển Đông.”

Về việc này, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố, đây là một cuộc thử nghiệm tàu ​​vũ trụ thông thường để xác minh công nghệ có thể tái sử dụng của tàu vũ trụ.

Tháng 10 năm ngoái, tờ Financial Times cũng trích dẫn 5 nguồn tin ẩn danh cho biết, quân đội Trung Quốc đã phóng một tên lửa mang theo phương tiện bay siêu thanh vào tháng 8 cùng năm. Tên lửa này bay trong không gian quỹ đạo thấp và sau đó tiến hành tuần tra giám sát mục tiêu.

Nguồn tin cho rằng vụ thử cho thấy: “Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, tiên tiến hơn nhiều so với những gì mà các quan chức Mỹ ý thức được.”

Chính quyền Trung Quốc vẫn phủ nhận điều này. Truyền thông chính thức của ĐCSTQ là tờ Thời báo Hoàn cầu cũng đăng một bài xã luận vào ngày 17/10 cùng năm, yêu cầu Mỹ “đừng cứ mãi dán mắt vào tên lửa siêu thanh của Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Ông Hạ Lạc Sơn đã đặt câu hỏi về tính xác thực của báo cáo. Ông nói với Epoch Times vào thời điểm đó rằng Financial Times đang trích dẫn các nguồn ẩn danh điển hình, dường như không chính thức, và những nguồn như vậy không thể thuyết phục bất cứ ai rằng đó là chân thực. Ngoài ra, báo cáo cũng không nêu rõ vị trí và loại mục tiêu của tên lửa, khi thiếu những thông tin đó, rất khó để phán đoán tính xác thực của tin tức và khả năng thực tế của tên lửa.

Ông Hạ Lạc Sơn nói: “Tất nhiên, ĐCSTQ không muốn ngoại giới biết tình hình thực tế. Có thể mục đích của họ là tạo ra một ấn tượng đáng sợ cho ngoại giới thấy.”

Phân tích: Có nhiều nhà khoa học Trung Quốc đào tẩu hơn nữa

Tờ Daily Express đã yêu cầu Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh xác nhận về việc nhà khoa học bỏ trốn, tuy nhiên được trả lời rằng họ không bình luận về các vấn đề tình báo.

Nhà bình luận chính trị người Mỹ gốc Hoa, ông Trần Phá Không (Chen Pokong) cho biết trong một chương trình trên kênh YouTube cá nhân hôm 28/1, rằng lý do mà Daily Express đưa ra thông tin về việc đào thoát của nhà khoa học là vì để bảo vệ ông.

Ông Trần cho rằng do không tiện nói nhà khoa học này phản bội thể chế ĐCSTQ, đặc biệt là khi ông có thể vẫn còn người thân ở Trung Quốc, ĐCSTQ có thể áp dụng các biện pháp trả đũa với lý do “trừng phạt những kẻ phản bội“, nên các kênh truyền thông mới giải thích lý do tương đối đơn giản về việc ông đào thoát ra nước ngoài.

Ông Trần cũng dự đoán không loại trừ còn có nhiều nhà khoa học Trung Quốc hơn nữa, nhất là các chuyên gia cấp cao về tên lửa hoặc chuyên gia quân sự sẽ đầu hàng phương Tây.

Theo Liên Thư Hoa, Epoch Times

Xem thêm: