Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã bị chế giễu sau khi xuất hiện trước công chúng và đổ lỗi cho Ukraine về cuộc chiến đang diễn ra.

“Quý vị biết đấy, cuộc chiến mà chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn đã được phát động nhằm vào chúng tôi bằng cách sử dụng người Ukraine – tất nhiên nó ảnh hưởng đến chính sách của Nga, bao gồm cả chính sách năng lượng”, ông Lavrov nói tại Đối thoại Raisina 2023 ở New Delhi, Ấn Độ, vào thứ Sáu.

Một bộ phận đám đông đã tỏ ra nghi ngờ trước tuyên bố của ông Lavrov, thậm chí khiến ông phải khựng lại một hai giây sau khi cho rằng Ukraine “phát động” cuộc chiến chống lại Nga chứ không phải ngược lại.

“Ông Lavrov lặp đi lặp lại tuyên truyền yêu thích của Nga ở New Delhi. … Quý vị có thể nghe thấy rõ ràng khán giả đang cười nhạo ông ấy”, Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, viết trên Twitter.

Bình luận của ông được đưa ra một ngày sau khi chính phủ Nga và Mỹ gia tăng căng thẳng sau cuộc thảo luận giữa ông Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Sau khi xuất hiện trước hội nghị hôm thứ Năm, Blinken nói với báo chí rằng ông đã nói chuyện trực tiếp với ông Lavrov và đề cập cụ thể đến khả năng thả cựu Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Paul Whelan, người đã bị bắt ở Moscow vào tháng 12 năm 2018 với cáo buộc gián điệp và bị kết án 16 năm tù vào tháng 6 năm 2020.

Chính phủ Nga gọi mô tả của ông Blinken về các sự kiện là dối trá.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với hãng truyền thông nhà nước Nga TASS: “[Tôi] đã hỏi ông Sergey Viktorovich [Lavrov] để xem liệu ông Blinken có đề cập đến ông Whelan vào ngày hôm qua hay không”. “Hóa ra Ngoại trưởng Hoa Kỳ thậm chí còn không đề cập đến nó. Tất cả những gì được nói hôm qua tại Bộ Ngoại giao, rằng ông Blinken bày tỏ lo ngại về tình hình xung quanh công dân Hoa Kỳ, đều là dối trá. Thật là hành vi không thể tin được của chính quyền Hoa Kỳ.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price đã trả lời lại rằng, “Nga lại đang nói dối, đơn giản là như vậy.”

Cùng với việc đổ lỗi cho Ukraine, ông Lavrov đã nhiều lần đổ lỗi cho phương Tây và Hoa Kỳ về tình trạng hỗn loạn ở Đông Âu.

Tháng trước, khi phát biểu trước các thành viên của Duma Quốc gia Nga, ông đã đổ lỗi cho phương Tây về “nhiều năm muốn kiềm chế Nga” và muốn “biến Ukraine anh em thành chống Nga, thành một thành trì quân sự bài Nga”.

Một trong những bất bình khác của ông bao gồm việc mở rộng NATO sau Chiến tranh Lạnh.

Ông cũng đổ lỗi cho “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” là nguyên nhân “tại sao chúng ta hiện đang đối đầu với các quốc gia tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại chúng ta thông qua chế độ Kyiv,” như ông đã mô tả với truyền thông nhà nước Nga vào đầu tháng Hai.

Trong khi hồi tháng 10, ông Lavrov nói rằng ông sẵn sàng đàm phán hòa bình với phương Tây, nhưng ông nói rằng việc không ngăn chặn NATO mở rộng hơn nữa sẽ là một yếu tố phá vỡ thỏa thuận. Ông cũng cho biết phương Tây sẽ phải “cung cấp cho chúng tôi một số cách tiếp cận nghiêm túc giúp xoa dịu căng thẳng,” nhưng vẫn mơ hồ về các chi tiết cụ thể.

Mãi cho đến tháng 12, ông Lavrov mới công khai thốt ra từ “chiến tranh” sau khi trước đó có cùng quan điểm với các quan chức Nga khác rằng đây chỉ là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Nhật Minh (theo Newsweek)