Đã hơn 15 tuần kể từ khi cuộc đụng độ tại biên giới Ấn Độ – Trung Quốc tại vùng Ladakh xảy ra, vẫn chưa có bước đột phá nào trong các cuộc đàm phán giữa hai bên. Những lời chỉ trích đối với chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đang bùng lên ở New Delhi.

quan doi an do shutterstock 1759201844
Sau sự kiện xung đột bạo lực tại khu vực tranh chấp biên giới Trung – Ấn, một đoàn xe quân đội Ấn Độ di chuyển dọc theo đường cao tốc Srinagar-Ladakh vào thứ Tư, ngày 17/6/2020. (Ảnh: Faizan Mir/Shutterstock).

Theo tờ SCMP, hiệnmột nhóm các nhà phân tích và cựu quân nhân đang tích cực kêu gọi chính quyền ông Modi cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh do không hài lòng với những gì họ cho là cách tiếp cận quá thận trọng của Ấn Độ.

Họ nói rằng tình trạng bế tắc kéo dài có thể hạn chế các lựa chọn quân sự của Ấn Độ để khôi phục hiện trạng, dẫn đến việc Ấn Độ mất quyền kiểm soát đối với những vùng đất rộng lớn có vị trí chiến lược.

Vì vậy, nhóm này đang kêu gọi New Delhi xem xét một loạt các lựa chọn, từ việc đóng cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Kolkata đến việc xây dựng một chiến dịch toàn cầu chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.

Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New Delhi, là một trong số những người kêu gọi các biện pháp trừng phạt ngoại giao dưới hình thức cắt giảm hoặc đóng cửa các Lãnh sự quán và Đại sứ quán Trung Quốc trên đất Ấn Độ. 

“Ấn Độ nên hủy bỏ quyết định năm 2006 cho phép Trung Quốc mở lại Lãnh sự quán ở Kolkata. Quyết định đó được đưa ra bất chấp việc Bắc Kinh từ chối để Ấn Độ mở lại Lãnh sự quán ở Lhasa,” ông Chellaney nói.

Ấn Độ trước đó đã có một Đại sứ quán ở Lhasa, thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng cho đến cuộc chiến tranh Trung – Ấn năm 1962.

Kể từ khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ vào ngày 15/6 tại Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và một con số không xác định binh lính Trung Quốc thiệt mạng, đã có ít nhất 11 cuộc họp giữa các quan chức quân sự và ngoại giao cấp cao của cả hai nước với nỗ lực giảm bớt căng thẳng.

Trong khi đó, New Delhi đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế như cấm các công ty Trung Quốc tham gia các dự án cơ sở hạ tầng đường bộ và hạn chế nhập khẩu thiết bị của Trung Quốc trong lĩnh vực điện. Ấn Độ cũng cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả TikTok vì lý do an ninh quốc gia.

Nhưng Bắc Kinh vẫn là nguồn nhập khẩu lớn nhất của New Delhi, với việc Ấn Độ đã chi ra khoảng 70 tỷ USD để mua hàng hóa từ điện tử đến dược phẩm vào năm ngoái. Ấn Độ có thâm hụt thương mại khoảng 50 tỷ USD với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Pravin Sawhney, một cựu sĩ quan quân đội, người sáng lập và biên tập Tạp chí An ninh quốc gia Force, cho biết Trung Quốc “nắm giữ tất cả các quân bài trong thời điểm hiện tại”. Ông nhận định các bước đi kinh tế mà chính phủ công bố sẽ gây tổn thương cho Ấn Độ hơn là Trung Quốc.

Ông Sawhney đặc biệt bận tâm về những điều ông cho rằng là lỗi chiến thuật trong truyền thông đại chúng của Ấn Độ sau cuộc đụng độ.

Bất chấp các cuộc đàm phán bế tắc, truyền thông trong nước vẫn dành những lời có cánh cho chính phủ ông Modi. Các kênh tin tức đã dành nhiều lời khen ngợi cho thủ tướng, hoan nghênh cách các chính sách của ông buộc Trung Quốc “đầu hàng” tại LAC và cách Trung Quốc “rút lui” dưới áp lực từ “Ấn Độ mới” mà lãnh đạo của Modi đã tạo ra.

Nhưng Trung tướng đã nghỉ hưu H.S. Panag, người đứng đầu Bộ Tư lệnh phương Bắc của Ấn Độ phụ trách đảm bảo biên giới trên bộ với Pakistan và Trung Quốc trong gần hai năm cho đến cuối năm 2008, cho biết việc thiếu một giải pháp đã làm dấy lên lo ngại rằng Ấn Độ có thể đã mất những vùng đất rộng lớn do các cuộc xâm lăng của Trung Quốc.

Trong một chuyên mục ngày 30/7, ông Panag đã chỉ trích chính phủ và kêu gọi củng cố thường xuyên các khu vực dọc theo đường kiểm soát thực tế biên giới (LAC). Ông cho rằng chính phủ đã che giấu và thuyết phục công chúng rằng không có gì đáng kể đã xảy ra.

Vị tướng về hưu đã bị các thành viên trong đảng cầm quyền của ông Modi, Đảng Bharatiya Janata, chỉ trích nhiều lần vì những bất đồng của ông trước các chiến lược của chính phủ.

Trước đó, ông Panag đã từng nói với SCMP rằng các lực lượng Trung Quốc đang ở trên đất mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, đồng thời nói thêm rằng ý định của Bắc Kinh trong những khu vực đó cần phải được các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ lưu tâm và cảnh giác.

Ấn Độ cấm tàu Trung Quốc tham gia vận chuyển dầu

Cựu sĩ quan quân đội cho biết New Delhi có thể tìm kiếm thêm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ – cũng như nước láng giềng phía Bắc là nước Nga.

“Nga là quốc gia duy nhất có thể giúp chúng tôi. Đó là một cường quốc tạo ra sự cân bằng Âu-Á và họ muốn Ấn Độ và Trung Quốc đối thoại. Chúng tôi phải kích hoạt diễn đàn ba bên Nga-Ấn-Trung ngay lập tức”, ông nhận định.

Ông Chellaney từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách đồng ý với quan điểm này, cho biết chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington tìm cách kiềm chế Trung Quốc, cũng như việc tái kích hoạt Quad – một liên minh quân sự không chính thức giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – chỉ tập trung vào hợp tác quân sự trên biển.

Trong khi đó, ông cho rằng Ấn Độ phải đối mặt với sự xâm lược trên bộ của Trung Quốc và quân đội Mỹ không có kế hoạch cho một cuộc chiến trên bộ với Trung Quốc. Vì vậy, mặc dù quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đang ấm lên, các lợi ích an ninh của Ấn Độ không thể được nâng cao chỉ đơn thuần thông qua hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ.

Ông Panag cho biết Ấn Độ có thể chọn một con đường ngoại giao quyết đoán hơn và cần tạo ra một dư luận toàn cầu, lớn hơn chống lại Trung Quốc.

Nếu điều này cũng thất bại, ông Panag nói rằng chính phủ phải để ngỏ các lựa chọn quân sự.

Xuân Lan, theo SCMP

Xem thêm: