Một nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa hy vọng, những người nắm quyền lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải “chịu trách nhiệm” với các hoạt động bất chính của họ ở trong nước cũng như trên toàn thế giới.

Embed from Getty Images

Dân biểu Cộng hòa Kat Cammack tiểu bang Florida (Ảnh: Getty Images)

Dân biểu Cộng hòa Kat Cammack (tiểu bang Florida) đã giới thiệu Đạo luật Trách nhiệm Giải trình của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (H.R. 3018) hồi tháng 5. Dự luật đã được chuyển đến Tiểu ban Hạ viện về Nhập cư và Quốc tịch vào tháng 11. 

Dự luật sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 25 thành viên cốt cán trong Bộ chính trị ĐCSTQ.

Đạo luật sẽ nhắm mục tiêu vào “các nhà lãnh đạo ĐCSTQ cố ý tham gia vào bất kỳ hoạt động bất chính nào”, bà Cammack nói với The EpochTimes.

Bà Cammack coi chế độ Trung Quốc là “một trong những mối đe dọa lớn nhất – nếu không muốn nói thẳng là lớn nhất” đối với Hoa Kỳ và các nền dân chủ trên toàn thế giới. Quan điểm này cũng ngày càng nhận được sự đồng thuận rộng rãi của nhiều người Mỹ. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 52% người Mỹ coi chế độ Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu mà Hoa Kỳ phải đối mặt hiện nay trên bình diện chính trị.

Bà Cammack nhận định, có nhiều mối lo ngại cần được tính đến khi họ cố gắng “gióng lên hồi chuông cảnh báo” về chính quyền Trung Quốc.

Bà liệt kê, một mối đe dọa đáng chú ý là các hoạt động quân sự ngày càng tăng của chế độ Trung Quốc trên khắp thế giới, điều này thách thức ưu thế quân sự của Hoa Kỳ. Trong năm qua, Bắc Kinh đã tăng cường chiến dịch quấy rối quân sự với Đài Loan và không ngừng các hành động gây hấn ở Biển Đông, hành vi liên tục bị quốc tế lên án.

Chế độ này còn được cho là đang tìm cách thiết lập một căn cứ hải quân thường trực ở Equatorial Guinea, một quốc gia Trung Phi nhỏ bé cạnh Đại Tây Dương. Nếu được xây dựng, đây sẽ là căn cứ quân sự ở nước ngoài thứ hai của Trung Quốc, cùng với một căn cứ khác ở Djibouti, phía bên kia Châu Phi.

Bà nói, một mối quan tâm khác xoay quanh “các hoạt động cho vay săn trước” của Bắc Kinh, đề cập đến “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu khổng lồ được khởi động vào năm 2013 nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị và kinh tế của chế độ ở nước ngoài.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đã bị giới chức Hoa Kỳ chỉ trích là một hình thức “ngoại giao bẫy nợ”, khiến các nước đang phát triển phải chịu gánh nặng nợ không bền vững. Ví dụ, năm 2017, một công ty nhà nước của Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát cảng Hambantota phía Nam Sri Lanka theo hợp đồng thuê 99 năm sau khi nước này vỡ nợ với khoản vay BRI.

Theo quan điểm của bà Cammack, các chiến dịch thông tin sai lệch toàn cầu của chế độ Trung Quốc cũng ngày càng “tinh vi hơn và thậm chí càng bất chính hơn”.

Năm 2019, ĐCSTQ ra sức đánh lạc hướng, gây mất uy tín của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Bắc Kinh cũng tiến hành các hoạt động nhằm vào người Mỹ hòng khai thác sự chia rẽ trong đại dịch COVID-19.

“Nhiều trong số các hành động bất chính nhất mà chế độ Trung Quốc đã thực hiện bắt nguồn trực tiếp từ những tuyên truyền mà họ lan rộng và phổ biến trên khắp thế giới,” bà Cammack nhận xét.

“Việc xác định xem thông tin trong chu kỳ tin tức 24 giờ có thực sự là thông tin tốt và đáng tin cậy hay không đã trở thành một thách thức khá lớn,” bà nói thêm, hay trái lại, nó có thể là một phần trong “chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch có chủ đích” đến từ Trung Quốc.

Một vấn đề vô cùng nhức nhối khiến quốc tế lên án khác cũng phải kể đến, là việc ĐCSTQ ngày càng lạm dụng nhân quyền nhắm vào các nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và những người bất đồng chính kiến. Chiến dịch đàn áp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị chính phủ Hoa Kỳ coi là tội ác diệt chủng. Các chuyên gia nhân quyền cũng coi cuộc bức hại kéo dài hơn hai thập kỷ của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công là tội ác diệt chủng.

“[ĐCSTQ] phủ nhận tất cả những vi phạm nhân quyền này,” bà cho hay. “Bởi vì họ tận lực che đậy, chúng ta phải mạnh mẽ hơn trong việc yêu cầu họ chịu trách nhiệm.”

Dự luật của bà còn Cammack liệt kê các hành động bất chính khác mà ĐCSTQ thực hiện, bao gồm hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và gián điệp mạng, cũng như các mối đe dọa đối với quyền tự trị Đài Loan.

Hiện dự luật đã có 17 nhà đồng bảo trợ, bà Cammack kỳ vọng sẽ có nhiều người khác cùng tham gia hơn. Bà khẳng định: “ĐCSTQ không phải là bạn của chúng ta; họ không phải là đồng minh của chúng ta.”

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: