Hàng nghìn người Cuba trong năm qua đã đang đổ dồn về thị trấn biên giới Ciudad Juarez, Mexico giáp với El Paso, Texas để tìm cách xin tị nạn tại Mỹ, theo Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

Ảnh chụp hôm 10/5/2016 về người di cư Cuba làm thủ tục di chuyển từ Panama tới thị trấn Ciudad Juarez, miền bắc Mexico, giáp với El Paso, Texas, Mỹ. (Ảnh: RODRIGO ARANGUA/AFP/Getty Images)

Theo Reuters, những lý do chính mà người Cuba viện dẫn di cư là đàn áp chính trị và viễn cảnh kinh tế vẫn ảm đạm. Tuy nhiên, một số người di cư Cuba tại Ciudad Juarez cũng nói rằng tin tức về đoàn người di cư bộ hành Trung Mỹ cũng tiếp cho họ thêm động lực thực hiện giấc mơ Mỹ, cho họ ấn tượng rằng nước Mỹ đang chấp nhận người di cư.

Reuters dẫn lời ông Enrique Valenzuela – giám đốc ủy ban dân số nhà nước Mexico cho biết tại Ciudad Juarez, người Cuba chiếm từ 75% đến 85% trong khoảng 3.600 người di cư đang lưu trú tại đây. Cho tới trước cuối năm ngoái, Ciudad Juarez chưa phải là nơi thu hút nhiều người di cư.

Trong 6 tháng đầu năm tài khóa 2019, 6.289 người Cuba đã xuất hiện tại các cửa khẩu vào nước Mỹ ở biên giới Mỹ – Mexico mà không có giấy tờ tùy thân. Số lượng này đang trên đà tiệm cận tới gần gấp đôi tổng số người di cư Cuba tới các cửa khẩu tây nam nước Mỹ trong năm 2018, theo dữ liệu của Hải quan và Biên phòng Mỹ.

Ông Wilfredo Allen, luật sư tại Miami hay làm việc với người di cư Cuba ước tính chỉ có 20% đến 30% khách hàng Cuba của ông được chấp nhận tị nạn tại Mỹ.

Những người di cư Cuba ở Ciudad Juarez không biết các thông tin như ước tính của luật sư Allen. Nhiều người trong số họ thậm chí đã bán phương tiện, doanh nghiệp hoặc nhà ở để có tiền cho chuyến hành trình tới nước Mỹ. Một số người thực tế đã đặc cược cả trang trại của họ.

Ông Isel Rojas hiện đang có mặt tại Ciudad Juarez chờ nộp đơn xin tị nạn vào Mỹ, đã bán nửa trang trại để thực hiện giấc mơ Mỹ của mình.

Chia sẻ với Reuters, ông Rojas nói rằng ông đã tạm gác giấc mơ rời khỏi Cuba khi chính quyền Trump kết thúc chính sách nhập cư hào phóng cho người dân đảo quốc này. Tuy nhiên, khi xem được các tin tức về đoàn người di cư bộ hành Trung Mỹ hướng về biên giới Mỹ – Mexico năm ngoái, ông đã bắt đầu nhìn thấy một con đường mới.

Một buổi sáng tháng Một, ông Rojas thức giấc và nói với vợ rằng ông cuối cùng đã sẵn sàng rời đi. Mười năm ngày sau đó, ông Rojas đã bỏ xứ ra đi.

“Nếu họ có thể làm điều đó, tại sao chúng tôi lại không thể? ông Rojas nói với Reuters và nhắc lại hình ảnh những người đàn ông trẻ tuổi và các gia đình di chuyển theo đoàn tới biên giới Mỹ – Mexico.

“Họ nói rằng chúng tôi được ưu tiên, nước Mỹ sẽ chấp nhập chúng tôi bằng cách này hay cách khác. Họ luôn luôn chấp nhận chúng tôi,” ông Rojas lạc quan về viễn cảnh được định cư tại Mỹ.

Cũng giống như Rojas, cô Arasay Sanchez, 33 tuổi, khi đang lướt web trong một công viên, cô đã đọc được những câu chuyện về đoàn người di cư bộ hành Trung Mỹ và có thêm động lực để thực hiện hành động tương tự. (Cuba thường cung cấp wifi tại các địa điểm công cộng như công viên để người dân truy cập internet một cách hạn chế.)

Sau khi bán nhà và phần lớn tài sản, cô Sanchez đã bay tới Panama vào ngày 25/1, người phụ nữ này kể với Reuters.

Trong hành trang di cư của cô Sanchez, tài sản quan trọng nhất đối với cô là bản khai thông tin 7 trang mà cô nhận được từ những người Cuba đã di trú tới Mỹ. Trong bản khai xin tị nạn này, Sanchez kể chi tiết về mọi nơi mà cô ở tại Cuba từ nơi ngủ tới nơi mua điện thoại.

Ông Reinaldo Ramirez, một chủ thầu xây dựng 51 tuổi, thậm chí còn có hành trình di cư gian truân hơn nữa. Ông Ramirez sống ở thị trấn miền tây Jaguey Grande, bắt đầu nỗ lực di cư từ năm 2006 và ông đã 7 lần di chuyển bằng thuyền tới Florida, Mỹ thất bại.

Vào tháng Chín năm ngoái, thay vì di chuyển đường biển, ông Ramirez cùng vợ đã bay tới Guyana. Sau đó, họ phải đi bộ qua một cách rừng rậm xa xôi nằm giữa Panama và Colombia. Khi lần đầu tới được Panana, giới chức nước này đã trục xuất vợ chồng ông Ramirez sang Colombia và họ lại phải lặp lại cuộc hành trình vất vả này.

Ông Ramirez đã tới được thị trấn Ciudad Juarez khoảng 3 tuần trước và có hàng trăm người xin tị nạn đã xếp hàng trước ông ở đây. Nhưng ông Ramirez vẫn cảm thấy giấc mơ Mỹ của mình đã đến rất gần.

“Tôi gần như đã đạt được mục tiêu của tôi, giấc mơ Mỹ của tôi,” Reuters dẫn lời ông Ramirez.

Như Ngọc