Hôm Chủ nhật (10/7), sau khi liên minh cầm quyền giành được đa số trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông sẽ thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp để củng cố vai trò của quân đội. Hãng tin AP đưa tin rằng vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Sáu có thể đã góp phần vào kết quả bầu cử.

shutterstock 2139800487
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. (Nguồn: Gints Ivuskans/ Shutterstock)

Theo những hãng tin quốc tế như AP và WSJ, liên minh cầm quyền Nhật Bản do Thủ tướng Fumio Kishida đứng đầu đã giành được 2/3 số ghế cần thiết để sửa đổi Hiến pháp trong cuộc bầu cử ngày 10/7 (Chủ Nhật). Điều này có nghĩa là mong muốn sửa đổi Hiến pháp của cố Thủ tướng Abe có thêm bước tiến quan trọng.

Nguồn tin cho biết kết quả bầu cử cho thấy cam kết của Nhật Bản đối với nền dân chủ.

“Dù không may khi ông Abe bị bắn thiệt mạng, nhưng chúng tôi có thể hoàn thành cuộc bầu cử này, đây là vấn đề rất quan trọng”, ông Kishida nói sau cuộc bỏ phiếu.

“Chúng tôi sẽ không khuất phục trước vụ khủng bố này, cũng như chúng tôi sẽ không bị đe dọa”, một ứng viên đã giành được ghế Thượng viện vốn được ông Abe ủng hộ là Kei Sato cho hay.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trở lại nắm quyền vào năm 2012 dưới thời ông Abe và kể từ đó đã giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử toàn Nhật Bản.

Việc sửa đổi Hiến pháp đòi hỏi phải có 2/3 phiếu bầu ở cả hai viện của Quốc hội, sau đó là trưng cầu dân ý. Văn kiện của Mỹ được thông qua vào năm 1947 cho biết Nhật Bản sẽ vĩnh viễn từ bỏ thúc đẩy tiềm năng chiến tranh của họ (gồm cả sức mạnh trên bộ, trên biển và trên không). Tuy nhiên trên thực tế, Nhật Bản vẫn duy trì một quân đội là Lực lượng Phòng vệ, vấn đề bị một số học giả cho là vi hiến.

Thủ tướng đương nhiệm Kishida vốn không đặt vấn đề này thành ưu tiên, nói rằng các nhà lập pháp nên đẩy nhanh các cuộc thảo luận về những thay đổi để làm rõ rằng quân đội Nhật Bản là hợp pháp. Ông cũng chủ trương tăng cường quyền lực của chính phủ trong những trường hợp khẩn cấp như động đất lớn.

“Tôi nghĩ những việc này là khẩn cấp… Tôi muốn tập trung cho ra một đề xuất cụ thể mà Quốc hội có thể đệ trình trưng cầu dân ý toàn quốc”, Thủ tướng Kishida nói.

Tuy nhiên, các chính trị gia đối lập thiên tả cho biết họ sẽ phản đối một bản sửa đổi mà họ tin rằng có thể lôi kéo Nhật Bản vào các cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Như đã phát hiện trong thời gian dài nắm quyền từ 2012 – 2020 của cố Thủ tướng Abe, vấn đề này đã không được chú ý khi đất nước phải đối mặt với những thách thức kinh tế.

Theo những nguồn tin từ giới truyền thông Nhật Bản, Đảng LDP đã giành được khoảng một nửa số ghế ở Thượng viện, cộng thêm số ghế do Đảng Công Minh nắm giữ thì Đảng LDP sẽ chiếm đa số ở Hạ viện.

Nhờ chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng Mười năm ngoái càng khiến Đảng LDP chiếm thêm ưu thế đa số trong Hạ viện.

Vụ ám sát ông Abe vào thứ Sáu đã làm rung chuyển hoạt động tranh cử vốn mờ nhạt. Nhà chức trách đã bắt giữ người đàn ông 41 tuổi tên Tetsuya Yamagami là kẻ đã lẻn sau lưng và bắn ông Abe.

Theo cảnh sát, nghi phạm Yamagami cũng nói với cơ quan điều tra rằng hắn ta hành động vì tin đồn rằng ông Abe có quan hệ với một tổ chức mà hắn căm thù, chứ nghi phạm không có vấn đề với quan điểm chính trị của cựu lãnh đạo Abe. Có nguồn tin gọi tổ chức liên quan này là “Giáo hội Thống nhất”, và nghi phạm Yamagami nảy sinh lòng căm thù vì mẹ hắn ta mê muội nhóm tôn giáo này.  

Thi thể của ông Abe với người vợ túc trực bên cạnh được chiếc xe tang đen đưa về nhà của ông ở Tokyo, tại đó Thủ tướng Kishida và những người khác gồm các quan chức cấp cao của Đảng LDP đang chờ để tưởng niệm ông. Dự kiến ​​lễ tang sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Nhật Bản là nước vốn nổi tiếng kiểm soát súng nghiêm ngặt. Đất nước Nhật Bản có 125 triệu dân, nhưng theo báo cáo tội phạm mới nhất của chính phủ Nhật Bản cho thấy, vào năm 2020 chỉ có 21 vụ án hình sự liên quan đến súng. Các chuyên gia cho biết một số vụ tấn công liên quan gần đây cho thấy nguy cơ ngày càng gia tăng từ người dân thường Nhật Bản tham gia bạo lực bằng súng đạn.

Sau khi từ chức Thủ tướng vào năm 2020 do bệnh viêm loét đại tràng tái phát, ông Abe vẫn là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong chính trường Nhật Bản và là lãnh đạo phe lớn nhất của Đảng LDP. Giới chuyên gia có quan điểm cho rằng cái chết của ông có thể thay đổi cán cân quyền lực trong đảng cầm quyền, kể từ khi thành lập năm 1955, đảng này đã nắm quyền Nhật Bản thời hậu chiến gần như không bị gián đoạn.

Giáo sư Mitsuru Fukuda chuyên về quản lý khủng hoảng ở Nhật Bản cho biết, các chính sách của Đảng LDP về các vấn đề như bình đẳng giới, hôn nhân đồng tính… “có thể là bước ngoặt”, quan điểm những người bảo thủ theo các giá trị gia đình như khuynh hướng của ông Abe luôn không khoan nhượng trong những vấn đề này.

Lập trường ngoại giao và an ninh hiện tại của Nhật Bản khó có thể bị lung lay vì những thay đổi cơ bản vững vàng của ông Abe.

Khi ông Abe từ chức vào 2 năm trước, ông nói rằng lấy làm tiếc vì nhiều mục tiêu đã không hoàn thành, bao gồm vấn đề người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc nhiều năm trước, tranh chấp lãnh thổ với Nga và việc Nhật Bản cần sửa Hiến pháp liên quan vấn đề từ bỏ xây dựng quân đội cho chiến tranh, điều mà nhiều người bảo thủ xem như là nhục nhã do thiếu sự ủng hộ của công chúng.

Ông Abe xuất thân từ một gia đình chính trị, ông tiếp bước ông nội là cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi với mong muốn tập trung vào việc biến Nhật Bản trở thành một quốc gia “bình thường” nhưng có quân đội mạnh thông qua các liên minh an ninh với Mỹ, qua đó có vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.

Năm 2006 khi mới 52 tuổi, ông Abe đã trở thành Thủ tướng Nhật Bản, là người trẻ tuổi nhất trong cương vị Thủ tướng Nhật Bản. Dù nhiệm kỳ đầu tiên của ông đột ngột kết thúc một năm sau đó do lo ngại về sức khỏe, nhưng ông đã trở lại vào năm 2012 và thề chấn hưng Nhật Bản. “Kinh tế học Abe” nổi tiếng  kết hợp kích thích tài chính và nới lỏng tiền tệ cùng cải cách cơ cấu để đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát. Ông Abe đã chiến thắng trong tổng cộng 6 lần bầu cử toàn quốc và nắm chắc quyền lực.